Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Cải cách tài khóa xanh - công cụ để Việt Nam phát triển bền vững
Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình cải cách tài khóa xanh - một trong những nội dung quan trọng và là công cụ để đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
Thuế sinh thái là loại thuế đánh vào những hoạt động kinh tế có sử dụng tài nguyên thiên nhiên và có tác động tiêu cực đến môi trường
Thuế sinh thái là loại thuế đánh vào những hoạt động kinh tế có sử dụng tài nguyên thiên nhiên và có tác động tiêu cực đến môi trường

Động thái của các nước

Trong khối ASEAN, Philippines đã ban hành Chương trình phát triển xanh, tranh thủ sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để phát triển các dự án tái chế và phát thải carbon thấp; Malaysia đã đưa ra chính sách phát triển công nghệ xanh với 4 trụ cột chính là năng lượng, môi trường, kinh tế và xã hội; Campuchia ban hành lộ trình tăng trưởng xanh quốc gia…

Để tiếp cận với tăng trưởng xanh, một số nước tập trung vào từng lĩnh vực xanh cụ thể như phát triển nông nghiệp nông thôn (Ấn Độ, Uganda), rừng (Nepal), hoặc phát triển năng lượng sạch, tái sinh (Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico); một số nước tiếp cận liên ngành xuyên suốt các lĩnh vực như Hàn Quốc, Malaysia, các nước Tây Âu, Mỹ, Đức…

Trọng tâm chiến lược tăng trưởng xanh của các nước đều giải quyết các vấn đề sản xuất và tiêu dùng bền vững, xây dưng cơ sở hạ tầng bền vững, bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát triển các ngành công nghiệp cao. 

Nỗ lực của Việt Nam

Việt Nam đã định hướng phát triển bền vững là một trong những mục tiêu hàng đầu, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Nếu phát triển bền vững là mục tiêu dài hạn thì tăng trưởng xanh là công cụ hữu hiệu để đạt được mục tiêu đó.

Từ lúc ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh năm 2012, các bộ, ngành đều ban hành kế hoạch hoạt động riêng. Ở ngành tài chính, kế hoạch đặt ra là xây dựng, hoàn thiện các chính sách tài chính (chính sách thu, chính sách chi, chính sách xã hội, cam kết quốc tế) liên quan đến thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh và xây dựng tổng thể định hướng phát triển ngành tài chính xanh, trong đó xác định định hướng điều chỉnh chung, sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Công cụ về phía thu để thực hiện tài khóa xanh bao gồm thuế bảo vệ môi trường thu vào hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường như xăng dầu, than đá, thuốc diệt cỏ…; thuế tài nguyên áo vào 8 nhóm tài nguyên thiên nhiên; thuế thu nhập doanh nghiệp miễn giảm cho các doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa và đầu tư trong lĩnh vực môi trường; thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi khuyến khích sử dụng mặt hàng xăng sinh học, xe ô tô thân thiện với môi trường; thuế giá trị gia tăng và thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Về công cụ chi, hàng năm ngân sách nhà nước bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi cân đối của ngân sách nhà nước trong dự toán ngân sách.

Tổng chi cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2013 - 2018 đạt 72.422 tỷ đồng. Cùng với đó, Chính phủ sử dụng các nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức đầu tư cho các chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực tăng trưởng xanh.

TS. Lê Thị Thủy Vân, Trưởng ban Quản lý khoa học và Quan hệ quốc tế, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, chính sách thuế bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội và tạo nguồn thu để giải quyết vấn đề về môi trường, là công cụ để cơ quan quản lý nhà nước tăng cường giám sát quá trình hoạt động khai thác tài nguyên đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên với phát triển kinh tế bền vững.

Tuy nhiên, bà Vân đánh giá, tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, năng lượng như than vẫn được sử dụng đa số gây ô nhiễm môi trường, chưa tạo được sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức, hành vi của người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, việc chi ngân sách của một số đơn vị còn dàn trải, thiếu hiệu quả, sử dụng chưa đúng mục đích, chưa chú trọng phân bổ kinh phí cho công tác chuyên ngành bảo vệ môi trường.

Công tác xã hội hóa cho đầu tư bảo vệ môi trường còn chậm, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn kinh phí chủ yếu, trong khi đó một số địa phương không thuộc diện khó khăn về ngân sách vẫn kiến nghị bổ sung mục tiêu xử lý ô nhiễm môi trường.

Do đó, để tiến trình cải cách tài khóa xanh có hiệu quả, bà Vân kiến nghị, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước thông qua hoạt động đầu tư của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, huy động nguồn lực tài chính, hệ thống các ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán (lưu thông thị trường carbon, trái phiếu xanh…).

Hiện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đang bước đầu nghiên cứu thuế carbon và lộ trình thực hiện. Đây là một loại thuế phổ biến trên thế giới. 

Thuế xanh - kinh nghiệm các nước đi trước

Để có được đường lối đúng đắn về thuế sinh thái - thuế xanh, Việt Nam đang tham khảo thực tiễn tại các nước đã phát triển.

Thuế sinh thái là loại thuế đánh vào những hoạt động kinh tế có sử dụng tài nguyên thiên nhiên và có tác động tiêu cực đến môi trường.

Thuế này xuất phát từ ý tưởng là thuế sinh thái sẽ làm tăng giá hàng hóa và dẫn đến sự thay đổi các mức giá tương quan, cấu trúc tiêu dùng, thay đổi đầu vào trong các nhà máy. Cùng với đó, việc trợ cấp cho các hoạt động kinh tế có tác động tiêu cực đến môi trường cũng cần được loại bỏ.

Theo ông Andreas Bockermann, Công ty Tư vấn NIRAS-IP, song song với việc áp thuế sinh thái, mỗi chính phủ cần biện minh, giải thích cụ thể về việc thu và sử dụng thuế, bởi nếu không có một cơ sở rõ ràng, hợp lý thì rất khó để thực hiện bất kỳ cải cách thuế nào, nhất là cải cách tài khóa xanh.

Tại Thụy Điển, thuế carbon được áp từ 650 đồng/kg (2,3 triệu đồng/tấn) đã tăng lên 950 đồng/kg (3,5 triệu đồng/tấn), giúp giảm 9% CO2 từ năm 1990 đến 2007. Trong khi đó, kinh tế vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng hợp lý, cho thấy giảm phát thải có thể đạt được song song và không mâu thuẫn với tăng trưởng kinh tế.

Còn tại Đức, thuế sinh thái được áp dụng từ năm 1999, thuế năng lượng bao gồm điện, khí tự nhiên, sưới ấm và nhiên liệu vận tải, không có thuế carbon. Kết quả, nước này giảm 2 - 3% lượng khí thải CO2 trong giai đoạn 1999 - 2003, tiêu thụ nhiên liệu vận chuyển giảm 17% từ năm 1999 đến 2008 (mức thuế không tăng từ năm 2003).

Ông Bokermann còn nêu ra trường hợp điển hình tại Đan Mạch khi nước này áp dụng thuế CO2 và Sulphur vào những năm 1970 và tới năm 1996 đánh vào các doanh nghiệp sử dụng năng lượng bao gồm cả khí gas. Doanh thu từ thuế này được dùng để giảm thuế đánh vào người lao động và giảm tác động gián tiếp của thuế môi trường lên nhóm có thu nhập thấp. Tổ chức Bảo vệ môi trường Đan Mạch ước tính, lượng khí nhà kính giảm 24% trong giai đoạn 1990 - 2001 so với kịch bản thông thường.

Vậy chính phủ các nước sẽ làm gì với các loại thuế xanh? Tại sao những loại thuế này tốt cho người dân ở các quốc gia? Với nguồn thu tăng thêm từ thuế xanh, chính phủ sẽ làm gì?

Một số quốc gia áp thuế phát thải khí nhà kính, thuế xăng dầu, thuế trên số kilomet di chuyển (Hà Lan), thuế sử dụng nhựa để giảm các rác thải khó phân hủy, thuế ô nhiễm nguồn nước để sử dụng nguồn nước tốt hơn, thuế du lịch để cải thiện môi trường ở các khu du lịch.

“Khoản thu từ thuế sinh thái có thể đưa vào nguồn ngân sách chung của nhà nước, giảm nợ công, thay thế các loại thuế khác. Chính phủ có thể đầu tư vào việc cải thiện và khắc phục các vấn đề về môi trường, đầu tư vào các hệ thống có tác động đến môi trường như hệ thống giao thông công cộng. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế khi có thuế sinh thái có thể tăng trưởng chậm hơn, nhưng chất lượng tăng trưởng cao hơn”, ông Andreas Bockermann nói.

Việt Nam cần 30 tỷ USD cho phát triển xanh
Đây là thông tin được Vụ trưởng Vụ Khoa học - Giáo dục và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phạm Hoàng Mai đưa ra tại Hội thảo Hướng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư