Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cải thiện chỉ số hiệu quả logistics lên vị trí 50 thế giới vào năm 2025
Anh Minh - 17/04/2018 08:29
 
Cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp vận tải, giao nhận phải sớm tìm được tiếng nói chung trong việc cải thiện chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics của Việt Nam từ vị trí 64/160 nước lên 50 vào năm 2025.
Với việc Việt Nam gia nhập TPP, ngành logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới...
Với việc Việt Nam gia nhập TPP, ngành logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới...

Đây là đề bài mà người đứng đầu Chính phủ đặt ra cho hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành; các hiệp hội vận tải – logistics và CEO các doanh nghiệp trong chuỗi giao nhận hàng hóa hàng đầu tại Hội nghị  toàn quốc về logistic, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông do Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Công Thương  tổ chức vào đầu tuần này.

Thủ tướng khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam, trị giá hàng tỷ USD, là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. Đồng thời, đây là một dịch vụ kinh doanh hấp dẫn được nhiều công ty trong và ngoài nước triển khai, mà “ta không làm thì các nước bạn sẽ làm và đặc biệt, chúng ta chưa có doanh nghiệp mạnh làm logistics”.

“Logistics không chỉ là giao nhận, vận tải mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hóa hư hỏng...Ngành giao thông vận tải và công thương cần tổ chức vấn đề này cho tốt bởi “nếu làm tốt về logistics sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, kho bãi... làm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, gánh nặng chi phí đang là rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Trong đó, chi phí logistics cao làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các phương thức vận tải, việc kết nối kém làm tăng chi phí vận tải. Đây là thách thức của nhiều địa phương, nhất là các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sự rời rạc đó làm chi phí logisctis chiếm tới 20,9% GDP.

 “Chúng ta chỉ mới tổ chức vận tải đơn tuyến, thiếu biện pháp kết nối tổng hợp để phát huy hiệu quả các phương thức vận tải. Trong khi đó, hiện gần 50% xe ô tô chở hàng chạy rỗng một chiều đã đẩy chi phí vận tải tăng cao”, Thủ tướng dẫn chứng về việc thiếu kết nối vận tải.

 “Chúng ta đang thiếu những cảng cạn, trung tâm logistic có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển phân phối hàng hóa đã ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức, đây là rào cản lớn, điểm nghẽn đối với hoạt động vận tải làm tăng giá thành vận chuyển, giảm tính cạnh tranh về giá sản phẩm", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công thẳng thắn chia sẻ

Được biết, một trong những nguyên nhân chính gây ra sự mất cân đối nói trên được Bộ GTVT chỉ ra là mức đầu tư cho các loại hình vận tải còn quá thấp so với đường bộ. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 – 2015, đường bộ nhận tới 299.115 tỷ đồng đầu tư hạ tầng, trong khi đường sắt chỉ được đầu tư có 9.203 tỷ đồng, vận tải thuỷ chỉ nhận được 7.398 tỷ đồng.

“Cần phải cắt nghĩa cụ thể nguyên nhân dẫn tới sự mất cân đối trong đầu tư các loại hình giao thông, đi đôi với việc tìm ra từng điểm nghẽn liên quan đến kết nối giữa các phương thức vận tải để xử lý dứt điểm”, Ts. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế (CIEM) đề nghị.

Ngoài việc chưa tạo mối liên kết giữa các phương thức vận tải, bản thân các doanh nghiệp vận tải, giao nhận, kho vận tại Việt Nam cũng chưa tìm được tiếng nói chung trong việc hợp tác sử dụng dịch vụ  của nhau.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, đến cuối tháng 3/2018, mới có 369/269.469 doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề liên quan đến logistics tham gia Hiệp hội doanh nghiệp logistics - VLA. Điều này cho thấy, chỉ có rất ít doanh nghiệp tham gia VLA nhằm tăng tính liên kết, còn lại hoạt động đơn lẻ trong khi logistic là một chuỗi các công đoạn và dịch vụ, cần có năng lực tài chính, liên kết chặt chẽ và mạng lưới rộng lớn để có thể tăng năng lực cạnh tranh.

Trên thực tế các doanh nghiệp logistics Việt Nam mới chỉ tham gia vào các công đoạn ở nội địa trong cả chuỗi, đóng vai trò như những nhà cung cấp vệ tinh cho các công ty logistics đa quốc gia. Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, đây là lý do khiến các hãng tàu ngoại mặc sức “đẻ” vô tội vạ các loại phí, phụ phí cho các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

 “Đối với VLA,  Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng cần định hướng thay đổi hành vi trong thương mại quốc tế, gắn kết giữa doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, thay đổi điều kiện giao hàng "mua CIF, bán FOB", nâng cao ý thức của doanh nghiệp chủ hàng, tạo cơ sở cho doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tham gia vào nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng với hàm lượng giá trị gia tăng ngày càng cao”, Thủ tướng yêu cầu.

HanelSoft lọt Top 25 nhà cung cấp giải pháp công nghệ logistics châu Á - Thái Bình Dương 2018
Giải pháp quản lý giao thông thông minh ITS đã đưa HanelSoft lọt Top 25 nhà cung cấp giải pháp công nghệ logistics châu Á - Thái Bình Dương 2018 do Tạp chí...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư