Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cẩn trọng trong điều hành giá cả
Nguyên Đức - 30/01/2018 16:05
 
Mức tăng 0,51% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2018 so với tháng trước có lẽ là lời cảnh báo đầu tiên cho việc phải cẩn trọng trong điều hành giá cả thị trường năm 2018, trước mắt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Thực tế, mức tăng 0,51% không phải là quá cao nếu so với cùng kỳ các năm từ 2010-2014, bởi trong giai đoạn này, có năm, CPI tháng 1 tăng tới 1,74% so với tháng trước đó. Nhưng xu hướng giá cả nhích lên là điều đang nhìn thấy rõ, nhất là khi so sánh với mức tăng âm của tháng 1/2015, hay mức 0% của tháng 1/2016. Năm ngoái, tháng 1 là tháng có Tết Nguyên đán, CPI cũng chỉ tăng 0,46% so với tháng trước đó. Hơn thế, trong những tháng cuối năm 2017, CPI tăng theo tháng cũng ở mức thấp, chỉ 0,13% trong tháng 11 và 0,21% trong tháng 12.

.
CPI tháng 1/2018 của cả nước tăng 0,51%. Ảnh minh họa

Khi CPI nhích lên như vậy trong tháng 1/2018, thì nhiều khả năng, tốc độ tăng CPI sẽ cao hơn trong tháng 2 tới (là tháng có Tết Nguyên đán), qua đó ảnh hưởng lạm phát của cả năm.

Đây chính là lý do mà năm nào, trước Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ đạo về việc kiểm soát chặt giá cả trong dịp Tết.

Năm nay không phải là ngoại lệ. Từ giữa tháng 1/2018 đã có các đoàn công tác đi kiểm tra, triển khai các biện pháp bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau Tết. Sự dồi dào, đa dạng của hàng hóa có thể khiến CPI không bị đẩy lên quá cao, song cẩn trọng trong điều hành bao giờ cũng là cần thiết, nhất là trong bối cảnh lạm phát năm nay được dự báo sẽ chịu nhiều áp lực từ việc điều chỉnh giá dịch vụ công và giá thực phẩm.

CPI trong tháng 1/2018 nhích dần một phần do tác động của việc tăng giá điện, giá dịch vụ y tế. Nếu việc điều chỉnh giá còn tiếp tục, thì sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng CPI chung của toàn nền kinh tế. Chưa kể, những diễn biến gần đây của kinh tế thế giới, như sự gia tăng giá dầu, tỷ giá đồng EUR, chính sách thuế mới của Tổng thống Donald Trump… cũng tác động đến giá cả thế giới, qua đó tác động đến giá cả trên thị trường trong nước.

Đó là chưa kể tác động trễ của yếu tố tiền tệ, tài khóa từ năm 2017 tới lạm phát năm 2018. Đây là điều đã được các chuyên gia cảnh báo ngay từ năm ngoái, khi nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được Chính phủ thực hiện.

Cuối năm 2017, khi công bố báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô 2017, dự báo 2018, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, những tác động trễ trên là không đáng kể, ngay cả tác động của giá cả thị trường thế giới cũng không lớn, mà lạm phát năm nay chủ yếu chịu sức ép chính từ việc điều chỉnh giá dịch vụ công. Do vậy, nhiều khả năng, lạm phát 2018 sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức 4%, song rõ ràng không thể không cẩn trọng khi điều hành giá cả.

Sẽ rất khó đo lường diễn biến giá cả trên thị trường thế giới, đặc biệt là giá dầu và các động thái tới đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Là một nền kinh tế có độ mở rất lớn, những diễn biến khó đoán định này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, không chỉ về giá cả thị trường, mà còn là xuất - nhập khẩu, đầu tư… Điều này, một lần nữa, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải rất cẩn trọng trong điều hành chính sách.

CPI tháng 11 chỉ tăng nhẹ, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2017 chỉ tăng 0,13% so với tháng trước, dù đã là tháng cận kề tháng cuối năm. Nhờ vậy, CPI bình quân chỉ là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư