Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cảnh báo tình trạng hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu
Thế Hoàng - 14/11/2019 14:15
 
Là đối tác thương mại với nhiều thị trường lớn, tham gia 17 Hiệp định thương mại (FTA), quy mô xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng cao…khiến hàng Việt tăng nguy cơ bị “mượn” xuất xứ để xuất khẩu.
Tình trạng
Tình trạng "mượn" xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu nhằm hưởng ưu đãi thuế do Việt Nam đã tham gia nhiều FTA ngày càng gia tăng.

Trong bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp,  xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng nóng lên, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã tác động không nhỏ đến Việt Nam.

Trước nguy cơ bị mượn đường và hàng hoá nước ngoài lợi dụng để đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước đối tác trong FTA mà Việt Nam là thành viên để hưởng thuế suất ưu đãi, hàng loạt giải pháp đã được các Bộ ngành cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này.

Tại Hội thảo ‘Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại” do Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và USAID Việt Nam phối hợp tổ chức hôm 14/11, nhiều “kỹ nghệ” mượn xuất xứ đã được các chuyên gia chỉ rõ.

Ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại phân tích, việc chuyển tải không phải là một hiện tượng mới đối với thương mại của Việt Nam. Từ năm  2000 đến nay, đã phát hiện một loạt sản phẩm xuất khẩu mượn danh Việt Nam xuất khẩu sang EU được phát hiện “chuyển tải” từ Trung Quốc qua các cuộc điều tra chống bán phá giá chính thức, như xe đạp vào năm 2000, giày mũ da 2008, bật lửa 2004, kẽm ô xít 2003..…

Dễ thấy nhất là các vụ xuất khẩu sản phẩm tháo rời sang Việt Nam, thực hiện tại đây các công đoạn lắp ráp đơn giản hoặc công đoạn “tối thiêu”, không tạo ra sự chuyển đổi đáng kể.

Nếu không có sự kiểm soát hiệu quả, Việt Nam tiếp tục bị các nước nhập khẩu khởi xướng các cuộc điều tra với hàng hóa xuất khẩu và hệ lụy thu hẹp thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp của các doanh nghiệp và cả ngành hàng xuất khẩu.

Phân tích kỹ hơn, ông Claudio Dordi cho hay, những hệ lụy với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn nếu tình trạng mượn xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp bị các quốc gia nhập khẩu, điển hình là Mỹ phát hiện, tăng rủi ro cho doanh nghiệp và sản phảm tuân thủ của Việt Nam sẽ bị chậm trễ khi làm thủ tục xuất khẩu tại Mỹ, tăng nguy cơ bị áp thuế cao hơn với hàng hóa xuất khẩu, kể cả của những doanh nghiệp tuân thủ tốt.

Bộ Công thương cho biết Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), phần lớn hàng hóa xuất xứ Việt Nam được hưởng miễn, giảm thuế nhập khẩu khi xuất khẩu sang các nước có ký kết FTA.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để được ưu đãi, lợi thế thương mại một cách bất hợp pháp.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 9/2019, đã có 154 vụ việc phòng vệ thương mạiđược khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Trong đó, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất với 30 vụ, chiếm 19%; thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ với 21 vụ, chiếm 14%; thứ ba là Ấn Độ 20 vụ, chiếm 13% và thứ tư là EU 14 vụ, chiếm 9%.

Đáng chú ý là, dẫn đầu trong các vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra là điều tra chống bán phá giá có 87 vụ việc, chiếm 56%; tiếp đó là các vụ việc tự vệ với 33 vụ, chiếm 21%; thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với 19 vụ việc, chiếm 13% ...

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) đã chỉ ra những nhóm hàng có nguy cơ gian lận cao tại thời điểm này và khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất hết sức lưu ý, gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; gỗ, sắt thép…

“Đây là những nhóm hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu đột biến trong 6 tháng 2019, với tốc độ tăng trưởng trên 25%. Ngoài ra còn những nhóm hàng khác dù tăng trưởng thấp hơn như dệt may, giày dép túi xách, đinh vít…”, theo ông Âu Anh Tuấn.

Tình trạng "mượn" xuất xứ hàng Việt Nam để xuất khẩu cũng rất nóng trên Nghị trường Quốc hội. Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh, đại biểu Mai Sỹ Diến đặt câu hỏi về giải pháp của Bộ Công Thương để ngăn chặn mượn xuất xứ hàng Việt,  Bộ trưởng thừa nhận, thời gian qua có những mặt hàng như gỗ dán, là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cực kỳ mạnh trong thời gian 2018 và 2019 sang Mỹ với con số 100%.

"Chuyện này chúng ta đã phải đối chiếu với thực tế để thấy được nguy cơ trừng phạt thương mại của các quốc gia nhập khẩu như Hoa Kỳ. Nên Bộ Công Thương đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và xây dựng thông tư và chúng tôi đã ký ban hành thông tư về tạm dừng việc tạm nhập cũng như xuất khẩu gỗ dán từ Việt Nam đi Hoa Kỳ", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Giải pháp nữa là phải ngăn chặn các hoạt động gian lận này ngay từ những hoạt động đầu tư mà Mỹ hay gọi là truyền tải đầu tư bất hợp pháp. Tức là các doanh nghiệp chế biến và sản xuất từ Trung Quốc hoặc từ các quốc gia khác có thể đầu tư ở Việt Nam thực hiện một quá trình biến đổi, chuyển đổi một cách không đáng kể để lấy xuất xứ của Việt Nam đi xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

Nhưng quá trình biến đổi là không đáng kể này thì ngay bản thân Hoa Kỳ cũng không đưa ra một hàm lượng cụ thể là bao nhiêu. Vì vậy,  rất khó cho Việt Nam trong thực hiện, vừa đảm bảo môi trường đầu tư, nhưng vừa đảm bảo được hiệu quả trong chính sách và xử lý những gian lận thương mại.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh rằng, trong thời gian tới, các mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ cao như đồ gỗ, thủy sản, nông sản, dệt may, da giày và điện tử...tiếp tục phải được giám sát chặt chẽ để tránh gian lận liên quan đến nguồn gốc xuất xứ.

Dính kiện phòng vệ, ngành thép lo xuất khẩu
Liên tiếp đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, ngành thép đối mặt khó khăn trong việc giữ vững thị trường xuất khẩu, mặc dù...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư