Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 30 tháng 12 năm 2024,
Cảnh giác mắc ung thư di căn từ dấu hiệu mơ hồ
D.Ngân - 11/07/2024 10:41
 
Chị T.M.H, 48 tuổi, ở Hà Nội choáng váng khi nhận tờ kết luận mắc ung thư cổ tử cung- một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ mắc cao hàng đầu ở nữ giới.

BSCKI. Dương Ngọc Vân, chuyên khoa sản phụ, Bệnh viện Đa khoa Medlatec- người trực tiếp thăm khám bệnh nhân T.M.H cho biết, khám phụ khoa âm đạo nhiều dịch vàng, cổ tử cung có nang Naboth, lộ tuyến, tăng sinh mạch.

HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

Vì vậy, để tìm chính xác căn nguyên gây nên dấu hiệu bất thường đó, ngay trong quá trình thăm khám, bệnh nhân được lấy mẫu dịch âm đạo làm xét nghiệm tìm nguyên nhân gây viêm nhiễm và xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung (HPV và Thinprep).

Kết quả xét nghiệm của chị H., dương tính với 12 type HPV nguy cơ cao. Xét nghiệm tế bào Thinprep có kết quả ASGUS (Tế bào tuyến không điển hình ý nghĩa chưa xác định). Thực hiện soi cổ tử cung nhiều cửa tuyến, tăng sinh mạch mép dưới CTC. Test acid acetic có vết trắng điển hình vị trí 12h-1h cổ tử cung.

Đặc biệt, dựa vào tiêu chuẩn “vàng” - xét nghiệm giải phẫu bệnh cho kết quả Carcinoma (ung thư biểu mô) vảy tại chỗ (CIS). Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương điều trị gồm cắt tử cung hoàn toàn và hai phần phụ.

Cầm kết quả trên tay, chị H., buồn bã thở dài, trước đây tôi và gia đình chưa phát hiện bất thường nào. Biết kết quả như vậy, tôi như sét đánh ngang tai, rụng rời cả chân tay, nào ngờ rằng lần đi khám chỉ nghĩ là xem viêm nhiễm thế nào mà lại phát hiện mình mắc căn bệnh quái ác và nguy hiểm đó. Đến giờ tôi vẫn chưa tin đây là sự thật”.

Bác sĩ Vân chia sẻ, cùng với chị H., có không ít trường hợp đến Hệ thống Y tế MEDLATEC thăm khám vô tình, hoặc đi khám chỉ xuất hiện triệu chứng mơ hồ nhưng lại phát hiện mắc các bệnh ung thư phụ khoa nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung.

Nguyên nhân của những trường hợp phát hiện muộn này đều do chủ quan không đi khám định kỳ, khi khối u di căn khiến điều trị gặp khó khăn và hiệu quả thấp.

Ung thư cổ tử cung diễn biến từ 15 đến 20 năm, phát hiện sớm bằng cách nào? Ung thư cổ tử cung (CTC) là ung thư hay gặp ở nữ giới trên thế giới cũng như Việt Nam, tuổi mắc cao từ 40-49 tuổi.

HPV là virus gây u nhú ở người và là nguyên nhân chính gây ung thư CTC (chiếm 90%). Hiện có khoảng hơn 200 type HPV khác nhau, trong đó HPV 16, 18 là type nguy hiểm nhất, chiếm khoảng 70% trường hợp ung thư CTC.

HPV có thể tự thoái lui từ 6 tháng đến 2 năm khi dưới 35 tuổi. Nếu không được phát hiện và tồn tại kéo dài dẫn đến tổn thương LSIL (Tổn thương nội biểu mô vảy độ thấp) và HSIL (Tổn thương nội biểu mô vảy độ cao) là các tổn thương tiền ung thư có nguy cơ tiến triển thành ung thư cổ tử cung tăng dần theo thời gian.

Ung thư cổ tử cung thường tiến triển thầm nặng trong thời gian dài từ 15-20 năm với phụ nữ có hệ miễn dịch bình thường, từ 5-10 năm với phụ nữ có hệ miễn dịch yếu.

Mặc dù là bệnh hay gặp, gây nguy hiểm, nhưng nếu được phát hiện sớm sẽ tăng cơ hội chữa trị thành công cao. Cụ thể, ung thư CTC ở giai đoạn muộn thời gian tiên lượng sống sau 5 năm thấp. Giai đoạn III: Tỷ lệ sống trên 5 năm là 25-35%, giai đoạn IV: Tỷ lệ sống trên 5 năm là dưới 15%.

Để phòng tránh ung thư cổ tử cung, bác sĩ Vân lưu ý, bệnh có thời gian tiến triển chậm, giai đoạn tiền lâm sàng kéo dài, là cơ sở cho việc sàng lọc, phát hiện sớm, từ đó tăng hiệu quả điều trị.

Do đó, phụ nữ đừng đợi có triệu chứng rồi mới đi khám mà nên chủ động đi khám, tầm soát định kỳ. Hoặc đi tầm soát ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: Chảy máu bất thường ở âm đạo, đau vùng chậu, tiểu bất thường…

Theo các chuyên gia y tế nên tầm soát ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ tuổi 21 trở lên (khi đã có quan hệ tình dục), đặc biệt phổ biến nhất là từ độ tuổi 35 - 44 tuổi.

Để việc tầm soát ung thư đạt hiệu quả và không bỏ sót giai đoạn vàng phát hiện bệnh, chị em nên định kỳ kiểm tra từ 1-3 năm/lần, nhất là những người có yếu tố nguy cao như thường xuyên hút thuốc lá, quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, quan hệ không an toàn, sinh con sớm (dưới 17 tuổi), viêm cổ tử cung, mãn kinh...

Để tầm soát ung thư cổ tử cung, chị em sẽ được chỉ định thực hiện một trong các xét nghiệm sau: Xét nghiệm tế bào học (Pap Test cổ điển/ Thin PAP-PAP nhúng dịch): Được thực hiện thường quy, nhưng độ nhạy thấp (Pap cổ điển: độ nhạy thấp 40-50%, Pap nhúng dịch (ThinPrep): độ nhạy cao hơn 50-75%) và còn phụ thuộc chủ quan của người đọc.

Xét nghiệm HPV DNA: Là xét nghiệm đầu tay tầm soát sớm ung thư cổ tử cung với độ nhạy từ 99-100%, phát hiện 14 chủng HPV nguy cơ cao, trong đó có HPV type nguy cơ cao gây ung thư CTC- type 16, 18. Hiện nay, Bộ Y tế đã đưa vào hướng dẫn quốc gia dùng xét nghiệm HPV DNA để tầm soát ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ 25 tuổi trở lên và nếu kết quả âm tính thì cần làm lại xét nghiệm từ 3-5 năm sau.

Soi cổ tử cung: Lấy mẫu làm giải phẫu bệnh xác định chính xác có tế bào ác tính hay không, từ đó có cơ sở điều trị sớm cho người bệnh.

Siêu âm: Sàng lọc, chẩn đoán giai đoạn ung thư cổ tử cung, phát hiện các di căn hạch chậu, hạch ổ bụng... Chụp CT, MRI: Đánh giá tổn thương ngoài cổ tử cung như di căn gan, phổi xương, hạch... để chẩn đoán giai đoạn và có phác đồ điều trị phù hợp.

 Ung thư cổ tử cung thường chẩn đoán ở phụ nữ 35-50 tuổi, tuy nhiên nhiều phụ nữ phát hiện tiền ung thư cổ tử cung khi mới 30 tuổi.

Theo thống kê của Globocan năm 2020, Việt Nam có khoảng 4.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung mỗi năm, trong đó hơn 2.000 ca tử vong, tỷ lệ mắc mới ung thư cổ tử cung ở Việt Nam năm 2020 là 6,6 trên 100.000 phụ nữ, chiếm 2,3 % tỷ lệ ung thư chung.

Tỷ lệ tử vong là 3,4 trên 100.000 người. Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính, thường gặp đứng hàng thứ 4 ở phụ nữ và thứ 2 ở phụ nữ độ tuổi sinh sản sau ung thư vú.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư