Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm: Khi mọi người đủ mạnh mẽ để vượt qua cái tôi
Thùy Vinh - 12/02/2019 09:23
 
Cần đạt được đến mức nào, cần đi xa đến đâu, đó là giới hạn không dễ ước đoán với một cá nhân nào và không loại trừ những người đang nắm trọng trách.
CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm.
CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm.

“Khi mọi người đủ mạnh mẽ để vượt qua cái tôi, sự ích kỷ và những giới hạn của bản thân, cùng nhau nhìn về một hướng thì mọi việc sẽ đều có kết quả như mong đợi”, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đã chia sẻ như vậy khi nói về áp lực của cá nhân và hệ thống Sacombank trong thời gian vừa qua. Đây là áp lực dành cho CEO một ngân hàng lớn, trong một giai đoạn đặc thù khi mà cùng lúc đảm bảo lộ trình tái cơ cấu đúng hướng, xử lý nợ xấu, trích dự phòng cao, nhưng phải đạt lợi nhuận như cam kết với cổ đông. 

Mặc dù thừa nhận là người “rất hiểu” Sacombank vì quá trình làm việc tới 17 năm liên tục ở ngân hàng này, trải qua nhiều vị trí và có thời gian phụ trách hoạt động xử lý nợ, tuy nhiên bà Diễm cũng cho rằng, hơn một năm rưỡi tái cơ cấu đã cho bà những kinh nghiệm rất quý. Nhiều thời điểm “vừa chạy vừa xếp hàng”, nhưng đây cũng là quãng thời gian tạo ra một hệ thống gắn kết hơn, các nhân sự hiểu hơn về giá trị của hợp tác để vượt qua khó khăn.

“Đây là tài sản quý mà Sacombank có được sau thời gian tái cơ cấu rất gian nan và sẽ là cơ sở để Sacombank vượt lên mạnh mẽ trong thời gian tới”, bà Diễm chia sẻ với Báo Đầu tư như vậy khi có một chút thời gian “thả lỏng” những ngày đầu năm 2019.

Đề bài mà bà nhận được khi ngồi vào ghế nóng Sacombank hơn 1 năm trước là gì?

Rất ngắn thôi, HĐQT yêu cầu tôi phải đảm bảo cho quá trình tái cơ cấu của Sacombank đi đúng hướng, đúng lộ trình, nhưng vẫn phải tăng trưởng hoạt động kinh doanh.

“Vừa đi nhanh lại phải an toàn” luôn là yêu cầu thách thức với bất kỳ một doanh nghiệp nào. Bà “hóa giải” yêu cầu trên như thế nào?

Thực ra, cũng không có bí quyết gì đặc biệt đâu. Tài sản lớn nhất của mỗi ngân hàng luôn là con người, ở Sacombank cũng vậy. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo hệ thống lên tới hơn 18.000 người khớp thành một khối thống nhất, sáng tạo trong hành động, hướng về mục tiêu chung.

Theo tôi, khi mọi người đủ mạnh mẽ để vượt qua cái tôi, sự ích kỷ và những giới hạn của bản thân, cùng nhau nhìn về một hướng thì mọi việc sẽ đều có kết quả như mong đợi. Và dĩ nhiên, nếu một cá nhân biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích của mình thì cá nhân đó sẽ được tập thể ghi nhận, vinh danh.

Tôi thường đưa ra những thông điệp nhằm khuyến khích, truyền cảm hứng để cán bộ, nhân viên luôn ghi nhớ điều này và bản thân tôi thì luôn đặt niềm tin ở họ. Và khi được tin tưởng, người ta sẽ có đủ sức mạnh và sự can đảm để vượt qua mọi cám dỗ.

Đã đến lúc tập thể chúng tôi phải có tư duy lớn, khác biệt, nhưng cùng chung một mục tiêu là ngân hàng được tái cơ cấu bền vững, lớn mạnh và cái tên Sacombank sẽ được nhận biết nhiều hơn với mọi thành phần khách hàng khác nhau. Có thể nói, những thành quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu sau sáp nhập khẳng định chúng tôi đang đi đúng hướng trong việc phát huy tinh thần người Sacombank với cái tâm sáng, lòng nhiệt huyết, sự năng động, khả năng thích ứng nhanh với mọi sự thay đổi, nhưng vẫn duy trì, phát huy hệ giá trị bền vững tốt đẹp.

Những thách thức lớn nhất của giai đoạn tái cơ cấu Sacombank dường như đã qua, nhưng tồn đọng hình như chưa hết?

Như bạn biết đấy, chúng tôi công khai và minh bạch toàn bộ thông tin về quá trình tái cơ cấu Sacombank. Nhiều vấn đề đã đặt ra và đã xử lý, nhưng tôi thừa nhận rằng, câu hỏi vẫn luôn nhận được là nợ xấu thế nào?

Với mỗi ngân hàng, nợ xấu là một chỉ số tài chính luôn dành được sự quan tâm của cổ đông và các nhà đầu tư. Về vấn đề này, tôi có thể chia sẻ với bạn rằng, lộ trình xử lý nợ xấu của chúng tôi đang diễn ra nhanh hơn so với đề án tái cơ cấu sau sáp nhập được NHNN phê duyệt. Sacombank liên tục phát mãi tài sản đảm bảo bằng bất động sản để đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ xấu. Có những con số để chứng minh điều này.

Tính đến ngày 31/12/2018, Sacombank đã đạt được những kết quả tích cực so với thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện đề án. Lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt hơn 2.200 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch cổ đông thông qua. Tổng tài sản ước đạt 407.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2017, chất lượng tài sản cải thiện với tỷ trọng tài sản có sinh lời tăng 5% so với năm trước. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư ước đạt 364.000 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Tín dụng ước đạt 258.000 tỷ đồng, tăng 14%. Nợ xấu giảm về dưới 3% - giảm mạnh so với con số hơn 4,2% hồi đầu năm và gần 3,2% tại thời điểm cuối tháng 9/2018.

Tuy nhiên, tôi cũng hiểu sự quan tâm của nhà đầu tư, vì nợ xấu của Sacombank đã giảm nhanh và bền vững, nhưng vẫn chưa về mức mong muốn. Do vậy, Ban lãnh đạo Sacombank xác định rằng, xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ là việc cần tiến hành thường xuyên, liên tục và cần công bố nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch. Có những tài sản không thể phát mãi ngay lần đầu, mà phải đến lần thứ hai, thứ ba. Nếu những đợt đấu giá công khai tài sản tới đây thành công, Sacombank có thể thu hồi hàng ngàn tỷ đồng nợ xấu.

Nói chi tiết một chút về quá trình xử lý nợ, nhờ các giải pháp quyết liệt của Chính phủ và đặc biệt là từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội được phê chuẩn, nhiều ngân hàng đã rất nhanh có được một con số nợ xấu ở mức an toàn, đủ năng lực tài chính nhận về các khoản nợ đã bán cho VAMC… Liệu đây có phải là lý do khiến các cổ đông, nhà đầu tư chưa thực sự đặt niềm tin vào quá trình xử lý nợ của Sacombank.  

Về ngân hàng khác thì tôi không dám bình luận vì mỗi ngân hàng có một đặc thù khác nhau. Nhưng câu chuyện của các cổ đông và nhà đầu tư, tôi có một cách nhìn khác, đa phần những người hoặc đại diện các tổ chức đầu tư mà tôi gặp đều có sự tin tưởng vào những gì mà Sacombank đang làm.

Tôi đã trực tiếp điều hành bộ phận xử lý nợ nhiều năm, tôi hiểu rất rõ, để thu hồi được một khoản nợ xấu có hiệu quả, thì ngoài trách nhiệm, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân sự, còn phụ thuộc vào sự lên xuống của thị trường bất động sản và điều này đòi hỏi chúng tôi phải vừa quyết liệt, vừa kiên trì. Cổ đông, nhà đầu tư đồng hành với Sacombank cũng nên kiên trì vì cách làm đúng sẽ dẫn đến kết quả tốt. Chủ tịch của chúng tôi đã cam kết tại Đại hội đồng cổ đông thường 2018 là chậm nhất những năm tới sẽ có cổ tức. Chúng tôi sẽ nỗ lực để không phụ lòng các nhà đầu tư dài hạn vào Sacombank.

Những ngày Tết, xin nói một chút về chuyện cá nhân. Nhiều người đang nói về bình đẳng giới, nhưng trong ngành ngân hàng, nhân viên thì nữ chiếm đa số, nhưng lãnh đạo thì nam chiếm đa số, có một sự chênh lệch gì đó ở đây. Có người lý giải rằng, làm lãnh đạo ngân hàng rất áp lực và phù hợp với nam giới hơn, nữ giới với thiên chức của mình rất khó cân bằng áp lực công việc và cuộc sống riêng. Với trải nghiệm của mình, bà có đồng tình với nhận định trên không?

Mặc dù Sacombank đã trở lại đường đua nhưng chưa thể nói là phía trước không còn những khó khăn, thách thức. Đó là thực tế, nhưng tôi nghĩ rằng, với bất kỳ doanh nghiệp nào, dù đang làm ăn thuận lợi hay đang khó khăn, thì ở bất kỳ giai đoạn nào, bản thân người lãnh đạo luôn có những trăn trở riêng. Nếu nói phụ nữ khó làm CEO một ngân hàng là không đúng, cá nhân tôi đúng là ví dụ đấy (cười).

Để cân bằng, tôi luôn đưa ra những nguyên tắc rõ ràng trong công việc cũng như cuộc sống. Trong hai yếu tố này, tôi luôn xác định mình cần đạt được đến mức nào, cần đi xa đến đâu. Tôi luôn ý thức rõ về các ranh giới và không bao giờ để bản thân mình vượt quá những ranh giới đó.

Có một nhân vật đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều, đó chính là Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông là một nhân cách thú vị trong chính trường thế giới. Sự mạnh mẽ của ông được khắc họa bởi hình ảnh một người có cuộc sống ngăn nắp, gọn gàng và kỷ luật, thường hành động nhiều hơn lời nói. Tôi cũng rất yêu mến nước Nga, đây là một đất nước yên bình, cổ kính nhưng cũng rất mạnh mẽ, kiên cường. Tâm hồn người Nga thì rất lãng mạn và họ luôn lạc quan trước mọi thử thách. Đó quả là những tính cách đáng quý mà tôi tâm đắc.

Lãng mạn và lạc quan, vâng, lúc trước bà cũng nói nhiều tới điều có liên quan tới tính cách như kiên trì, đồng lòng… Vậy với năm mới 2019, đâu là những tính cách mà Sacombank cần phải có?

Giữ vững phương châm “lấy khách hàng là trọng tâm, nhân sự là nòng cốt”, Sacombank sẽ tiếp tục hành trình tiên phong bằng tinh thần kiện toàn và tăng tốc, đột phá và sáng tạo để trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại đa năng hàng đầu Việt Nam, vươn tầm khu vực. Sacombank sẽ tập trung gia tăng hiệu quả kinh doanh, phát triển quy mô và thị phần nhằm cải thiện các chỉ số tài chính, đồng thời đẩy mạnh hoạt động Ngân hàng số.

Bên cạnh đó, chúng tôi cam kết sẽ không ngừng tối đa hóa giá trị gia tăng cho cổ đông, đối tác cũng như đồng hành cùng với sự phát triển của cộng đồng, xã hội. Nhân đây, tôi cũng xin gửi đến tất cả khách hàng, cổ đông, đối tác Sacombank lời tri ân sâu sắc về sự tín nhiệm và gắn bó trong suốt thời gian qua, cùng lời chúc mừng năm mới thật bình an, thắng lợi!

ĐHCĐ Sacombank: Ông Dương Công Minh hứa sau 5 năm nếu không tái cơ cấu xong sẽ rời Ngân hàng
Tại ĐHCĐ Sacombank, trước ý kiến của cổ đông, ông Dương Công Minh hứa sẽ xin ý kiến cho NHNN chia cổ tức cho cổ đông trong năm 2018-2019, đồng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư