Thứ Bảy, Ngày 10 tháng 05 năm 2025,
Cha mẹ cảnh giác dấu hiệu ung thư máu ở trẻ
D.Ngân - 08/05/2025 12:24
 
Tại Việt Nam, chưa có số liệu chính thức về số ca mắc và tử vong do bạch cầu cấp ở trẻ em. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhận định đây là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nhóm tuổi này, đặc biệt là ALL.

Một bé trai 4 tuổi thường xuyên bị chảy máu cam, ban đầu được chẩn đoán viêm mũi. Tuy nhiên, sau khi khám chuyên sâu, bé được phát hiện mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho - một dạng ung thư máu ác tính thường gặp ở trẻ em.

Ảnh minh họa.

Gia đình cho biết bé vẫn được kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm và chưa từng có dấu hiệu bất thường. Trước đó, bé không có những biểu hiện điển hình của bệnh bạch cầu như da xanh, sốt kéo dài, bầm da, sút cân không rõ nguyên nhân...

Gần đây, khi thấy bé thường bị chảy máu cam, gia đình đã đưa bé đến một bệnh viện gần nhà và được chẩn đoán viêm mũi. Bác sỹ kê thuốc điều trị và khuyên nên hạn chế cho bé ngủ máy lạnh.

Tuy nhiên, sau hai tuần, bé tiếp tục bị chảy máu cam trở lại, kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, nhợt nhạt, khó thở và đau ngực. Lo lắng trước diễn tiến này, gia đình đã đưa bé đến khám tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7.

Qua thăm khám, bác sỹ Nguyễn Thị Hạnh Lê, Trưởng đơn vị Nhi ghi nhận bệnh nhi có dấu hiệu thiếu máu rõ rệt. Xét nghiệm máu cho kết quả bạch cầu tăng đột biến lên đến 480.000 tế bào/µl (mức bình thường từ 5.500 – 15.500 tế bào/µl).

Từ các chỉ số lâm sàng và xét nghiệm, bác sỹ chẩn đoán bé mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho  cần được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa huyết học để điều trị ngay.

Bệnh bạch cầu cấp, hay còn gọi là ung thư máu, là dạng ung thư thường gặp nhất ở trẻ em. Trong đó, phổ biến nhất là bạch cầu cấp dòng lympho (ALL), ngoài ra còn có bạch cầu cấp dòng tủy (AML).

Thống kê từ Hiệp hội Ung thư Mỹ năm 2025 cho biết, mỗi năm nước này ghi nhận khoảng 6.100 ca mắc bệnh ALL, trong đó có khoảng 1.400 ca tử vong. Tỷ lệ mắc cao nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, tuy nhiên phần lớn trường hợp tử vong lại xảy ra ở người lớn.

Tại Việt Nam, chưa có số liệu chính thức về số ca mắc và tử vong do bạch cầu cấp ở trẻ em. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhận định đây là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nhóm tuổi này, đặc biệt là ALL. Tỷ lệ mắc đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Bác sỹ Hạnh Lê cho biết, trường hợp bé Tài, bệnh đã diễn tiến nặng, số lượng bạch cầu tăng rất cao. Các tế bào ung thư đã xâm nhập ra ngoài máu và gây ra các triệu chứng cấp tính như thiếu máu, xuất huyết. Ngoài ra, bệnh có thể biểu hiện bằng các triệu chứng nhiễm trùng, xuất huyết do giảm tiểu cầu như bầm da, chảy máu niêm mạc, hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não.

Một trong những thách thức lớn trong chẩn đoán bệnh bạch cầu cấp là các biểu hiện ban đầu thường rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với bệnh lý thông thường ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng có thể bao gồm: mệt mỏi, chán ăn, sốt không rõ nguyên nhân, sút cân, da xanh, đau khớp, đau đầu, chóng mặt, chảy máu cam, nôn ra máu, tiểu ra máu, hoặc đi ngoài phân đen.

Để xác định chính xác bệnh, bác sỹ cần thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như công thức máu, chọc hút tủy xương, sinh thiết hạch, chụp X-quang, siêu âm…

Nguyên nhân chính gây ra bệnh bạch cầu cấp hiện vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy những trẻ có rối loạn di truyền hoặc hệ miễn dịch suy yếu – như hội chứng Down, Bloom, hay chứng thất điều giãn mạch có nguy cơ cao hơn mắc bệnh.

Tùy vào mức độ nặng và thể trạng của bệnh nhi, bác sỹ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Các biện pháp bao gồm truyền máu, dùng kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng, hóa trị nhiều giai đoạn để tiêu diệt tế bào ung thư, thậm chí điều trị dự phòng bằng tiêm tủy sống hoặc xạ trị sọ não nếu bệnh đã lan vào hệ thần kinh trung ương.

Một số trường hợp bạch cầu cấp dòng tủy (AML) cần hóa trị liều cao kết hợp chăm sóc hỗ trợ như truyền máu, kiểm soát nhiễm khuẩn, dinh dưỡng và hỗ trợ tâm lý.

Dù không thể phòng ngừa bệnh do chưa rõ nguyên nhân cụ thể, nhưng việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể cải thiện rõ rệt khả năng sống còn và phục hồi của trẻ.

Theo bác sỹ Hạnh Lê, phụ huynh không nên chủ quan nếu thấy con có các biểu hiện như chảy máu bất thường, mệt mỏi, sụt cân, bầm tím không rõ nguyên nhân… cần đưa trẻ đi khám sớm để tầm soát.

Sau điều trị, bệnh nhi có thể gặp một số tác dụng phụ như thay đổi vị giác, viêm miệng, rụng tóc, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng tâm lý… Do đó, việc tái khám đúng lịch và liên hệ với bác sỹ nếu có bất thường là yếu tố then chốt trong quá trình theo dõi và phục hồi sức khỏe cho trẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư