Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Chấm dứt đại dịch HIV vào năm 2030
D.Ngân - 10/11/2023 07:18
 
Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS, trong 9 tháng đầu năm 2023, cả nước phát hiện 10.219 người mắc HIV mới, 1.126 người tử vong.

Hơn 10.000 người nhiễm HIV mới, tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam

Tại buổi họp báo “Cộng đồng sáng tạo- Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2023" do Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức, ông Bùi Hoàng Đức, Phó trưởng phòng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho hay, tính đến tháng 9/2023, cả nước có 249.000 người nhiễm HIV. Số tử vong do HIV/AIDS tích luỹ tính đến nay là 113.689 người.

Họp báo “Cộng đồng sáng tạo- Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2023" do Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức.

Trong số 10.219 ca mắc mới HIV, có hơn 60% được phát hiện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TP.HCM. Lây nhiễm mạnh nhất là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), chiếm tới 49%.

Từ năm 2020 đến nay, nam giới nhiễm HIV chiếm tới 80% tổng số ca mắc mới, lứa tuổi 16-29 tuổi chiếm gần 50%. Đa số ca mắc mới lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục, lây nhiễm qua đường máu giảm mạnh trong những năm gần đây.

Những tỉnh dịch HIV/AIDS tưởng bình yên nhưng lại tăng lên như Bạc Liêu, tăng liên tục từ năm 2020 đến năm 2022. Tương tự là các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long. Các tỉnh không phải là trọng điểm cần phải cảnh giác bởi HIV đang gia tăng ở đây.

Ông Đức cảnh báo dịch HIV/AIDS đang lây nhiễm và gia tăng cao ở trong nhóm MSM. Năm 2011 ghi nhận tỷ lệ này là 4% ở một vài tỉnh trọng điểm, hiện tại đã tăng lên 12%.

Nhóm chuyển giới nữ mặc dù chưa là nhóm đưa vào hệ thống giám sát dịch thường xuyên trong chương trình quốc gia, nhưng đã gia tăng trong vài năm nay.

Tại Hà Nội đã ghi nhận 5,8% ca mắc HIV trong nhóm này (nghiên cứu 2022); TP.HCM ghi nhận 6,8% năm 2004, tăng lên 18% năm 2016 và năm 2020 là 16,5%.

Theo phân loại của WHO, Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao như MSM, phụ nữ bán dâm, tiêm chích ma tuý.

Trong thời gian tới, dịch có nguy cơ gia tăng do xu hướng người nhiễm HIV đang trẻ hoá, tăng rõ rệt ở nhóm lây nhiễm mới như MSM; gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục tập thể.

Hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex, quan hệ tình dục tập thể ….

TS.Đỗ Thị Nhàn, Trưởng Phòng điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, ca mắc HIV/AIDS được ghi nhận đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1990 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tử vong cách đây 3 năm. 

Hiện ghi nhận ca bệnh nữ HIV đã điều trị thuốc kháng virus ARV 32 năm, đang sống khoẻ mạnh và tham gia vào các hoạt động cộng đồng.  Tính đến nay, cả nước có 172.000 người điều trị thuốc ARV, gần 90% có thẻ BHYT, 85% người điều trị phác đồ tối ưu.  

Nỗ lực cao chấm dứt đại dịch

Dù đạt nhiều thành tựu lớn trong việc phòng chống dịch song các chuyên gia trong lĩnh vực này thừa nhận, hiện công tác phòng chống dịch HIV vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng ca nhiễm mới, nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới); các can thiệp cho nhóm này rất khó khăn vì quần thể này ẩn, khó tiếp cận.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao như quan hệ tình dục đồng giới nam, nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm. Nguy cơ gia tăng dịch HIV vẫn được cảnh báo, đặc biệt người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa; xu hướng dịch tăng rõ rệt trong nhóm MSM và cảnh báo tăng ở nhóm khác.

Hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex, quan hệ tình dục tập thể…

Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Võ Hải Sơn, dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM và các can thiệp cho nhóm này rất khó khăn vì quần thể này ẩn, khó tiếp cận. Bên cạnh đó, cộng đồng vẫn còn kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Ngoài tập trung phòng bệnh trong trọng điểm là nam quan hệ tình dục đồng giới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đang tiến tới giám sát trọng điểm nhóm nữ quan hệ tình dục đồng giới và bệnh đậu mùa khỉ.

Do đó, thời gian tới đây, Cục Phòng, chống HIV/AIDS mong muốn các địa phương tiếp tục triển khai, duy trì hiệu quả hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị.

Hiện Cục cũng vẫn gặp khó khăn về nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, Cục mong muốn có đủ kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS, định hướng ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước các cấp tập trung cho các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại, giám sát dịch.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả; tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS; Tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Giám đốc Quốc gia CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Giáo sư Eric Dzuiban đánh giá, hiện Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong đáp ứng y tế công cộng. Các bài học của Việt Nam đã và đang được các nước khác học hỏi để triển khai.

Tuy nhiên, có một vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý chính là giám sát, triển khai các đáp ứng y tế công cộng với bệnh đậu mùa khỉ (MPOX).

“Việt Nam cần nhớ lại bài học ban đầu ứng phó với HIV để bảo đảm công tác ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ cũng dựa trên thực tế và khoa học. Đặc biệt, truyền thông cần thận trọng trong đưa tin về ca bệnh, không làm tăng sự kỳ thị của cộng đồng với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới”, ông Eric nói.

Còn theo PGS-TS.Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 diễn ra từ 25/11. Mục đích là truyền thông, vận động để huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng người dân vào công tác phòng chống HIV/AIDS.

Để chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 rất cần sự chung tay của cả động đồng. Những người có hành vi nguy cơ cao cần được xét nghiệm sớm để đưa vào điều trị, sử dụng thuốc ARV (hiện thuốc ARV được BHYT chi trả).

Đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm.

Đặc biệt, ngoài tuyên truyền vận động sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục không an toàn, cần tăng cao truyền thông để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV…

Với chủ đề “Cộng đồng sáng tạo-Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2023”, Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 sẽ có nhiều chuỗi hoạt động để nâng cao hơn nữa sự hiểu biết của cộng đồng về HIV/AIDS.
Nỗ lực ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS
Cục Phòng chống HIV/AIDS- Bộ Y tế vừa thông tin về "Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS" và "Ngày thế giới phòng chống AIDS" (1/12).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư