Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Chàng trai nuôi lợn kiếm 3.000 USD mỗi tháng nhờ nghề livestream
Thanh Tùng (vnexpress/CNN) - 24/04/2019 08:57
 
Ngoài giờ cho lợn ăn, Wu Nengji quay video cuộc sống thôn dã ở Trung Quốc, phát trên Internet cho dân thành thị, lao động xa quê xem kiếm tiền.
"Tôi không muốn trong mối quan hệ này chút nào nữa!"

"Vì sao? Hãy cho anh một cơ hội!"

"Tôi không thích tóc của anh".

Đoạn hội thoại vang lên trên một nẻo đường làng, vây quanh là những cánh đồng ớt trồng tại vùng nông thông tỉnh Quảng Tây, nam Trung Quốc. Wu Nengji, chàng trai vai rộng có mái tóc rậm, cãi nhau với bạn gái cũ, một cô gái xinh đẹp đi boot cao gót đen nhưng đã yêu người mới - anh chàng đang đi cùng sở hữu mái tóc bồng bềnh hơn.

Đây là cảnh mở màn cho phim mini mới nhất Wu sản xuất, phân đoạn kéo dài dưới một phút. Đạo diễn 24 tuổi sau đó sẽ ra mắt phim trên nền tảng streaming (truyền phát nội dung Internet đa phương tiện) của Trung Quốc, Kuaishou, và dưới tên tài khoản Xiao Jiji, nghĩa là "vận may nhỏ".

Bối cảnh làm phim của Wu Nengji là trang trại nhà mình, nơi anh cũng nuôi lợn. Ảnh: CNN.

Bối cảnh làm phim của Wu Nengji là trang trại nhà mình, nơi anh nuôi lợn. Ảnh: CNN.

"Tôi không thực sự có thông điệp cụ thể nào để truyền tải", Wu cho biết. "Tôi chỉ muốn mọi người cười sau ngày dài làm lụng".

Ban đầu, Wu làm video lúc rảnh rỗi, còn hiện tại, các video là nguồn sống cho Wu, đem về 10.000 - 20.000 nhân dân tệ (NDT) hàng tháng, tương đương 1.500 - 3.000 USD. Thu nhập gấp 3 tới 6 lần công nhân nhà máy Trung Quốc.

Toàn bộ tiền được fan đóng góp. Trên nền tảng, họ gửi anh các món quà ảo như sticker hoa hồng hoặc bia, trị giá 1-2 tệ mỗi chiếc. Sticker có thể chuyển đổi thành tiền mặt.

"Một số streamer vừa đủ sống, số khác hóa tỷ phú NDT", chuyên gia truyền thông Jian Xu của ĐH Deakin (Australia) nêu thực tế. "Vùng đông bắc Trung Quốc, nơi chịu suy thoái công nghiệp nặng nề, đang được vực dậy nhờ luồng thu nhập mới này".

Liu Mama – một nông dân livestream nổi tiếng Trung Quốc có trên 14 triệu người theo dõi. Cô được cho kiếm gần 150.000 USD mỗi tháng, nhờ trải nghiệm thôn dã đem lại cho người xem thành thị. Ảnh: The New Yorker.

Liu Mama - một nông dân livestream nổi tiếng Trung Quốc có trên 14 triệu người theo dõi. Cô được cho kiếm gần 150.000 USD mỗi tháng, nhờ trải nghiệm thôn dã đem lại cho người xem thành thị. Ảnh: The New Yorker.

Tại Trung Quốc, streaming video dạng ngắn đang trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ. Từ khoảng năm 2008, các nền tảng nối đuôi nhau ra đời như YY, Six Rooms, Meipai, Huajiao, Yizhibo và đặc biệt, Douyin - còn gọi là Tik Tok. Tính đến cuối năm 2018, 648 triệu người dùng mạng Trung Quốc thường xuyên xem video ngắn, theo Trung tâm Thông in Mạng lưới Internet nước này (CNNIC). Thị trường cán mốc 11,8 tỷ nhân dân tệ (17,4 triệu USD), tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái.

Đa số video ghi hình các thiếu nữ trẻ đẹp lip-sync ca khúc nổi tiếng, với trường quay được dàn dựng cho giống phòng ngủ. Thế nhưng, một số dịch vụ streaming mới đang chứng kiến sự đổ bộ của đông đảo cư dân nông thôn và đô thị loại 3, 4, điều cho thấy một nước Trung Quốc bạo dạn hơn. Kuaishou, ứng dụng ra mắt năm 2011 và đang có 266 triệu người dùng tương tác hàng tháng, là một trong số đó.

"Thanh niên thành thị thích xem video trên Kuaishou vì chúng là trải nghiệm kỳ thú với họ, trong khi lao động xa quê xem cho đỡ nhớ nhà", Zhicong Lu, nghiên cứu sinh ĐH Toronto (Canada) đang thực hiện đề tài về nền tảng này, cho hay.

Kuaishou có nhiều thành viên trồng lúa, đánh bắt thủy sản hoặc người già nấu các món ăn cổ truyền. "Một số nông dân tận dụng những video này để quảng cáo và bán nông sản trực tiếp tới khách hàng", chuyên gia streaming Trung Quốc Jun Wen Woo cho biết.

Kuaishou còn là nơi khai sinh các trào lưu "social shake" – một vũ điệu đường phố, và "mic-shouting" – loại hình nghệ thuật lạ đời nằm giữa rap và quát tháo. Bên cạnh đó, nền tảng giới thiệu loạt nhân vật giật gân để thỏa trí tò mò đời tư của người xem, như bộ ba chị em gái mắc bệnh xương thủy tinh, đôi uyên ương người lùn, thiếu nữ ăn tươi nuốt sống cá...

Làm phim triệu view

Wu Nengji bắt đầu đăng video lên Kuaishou ba năm trước. Anh về quê sau vài năm bươn chải ở Bắc Kinh. "Tôi đã thử mọi việc: bồi bàn, giao đồ ăn... nhưng vẫn không đủ sống", anh kể. Về với làng Hợp Phố, nơi chôn nhau cắt rốn, Wu chưa biết làm gì tiếp theo nên quyết định ghi hình cuộc sống hàng ngày, rồi phát sóng.

Kể từ đó, anh đã sản xuất 2.000 video và hút 5,6 triệu người đăng ký theo dõi.

"Tôi dùng duy nhất cái smartphone quay mọi video", anh chia sẻ. "Và chỉ bấm máy một hoặc hai lần mỗi cảnh". Trường quay của chàng trai là đường quê, nằm giữa cánh đồng trong gia trang của bố; đạo cụ gồm có mũ bảo hiểm hồng, tóc bạc giả và vương miện nhựa. Một số tác phẩm khá nên thơ, mở ra góc nhìn đời sống của trai làng và khó khăn họ gặp khi tìm bạn gái. Số khác vô nghĩa với cảnh Wu và bạn nhảy nhạc sàn.

Wu Nengji dựng phim trước màn hình máy tính đã mất chân, phải tựa vào ghế. Ảnh: CNN.

Wu Nengji dựng phim trước màn hình máy tính đã mất chân, phải tựa vào ghế. Ảnh: CNN.

Một buổi chiều, nhóm thanh niên thôn ngoài 20 tuổi tập hợp trước trang trại nhà Wu. Vài người sở hữu kênh streaming riêng và đến đây tìm kiếm đề tài, người khác ghé qua phụ giúp. "Hầu hết là bạn nối khố", Wu, trưởng đoàn, chia sẻ.

Dưới bầu không khí nồng nặc mùi thuốc lá và tiếng cười đùa, họ bàn luận, phê bình "concept" cảnh quay tiếp theo. "Thường chúng tôi sẽ tìm ra concept cho 5 giây đầu video và lao vào bấm máy luôn", anh chia sẻ. "Rồi mới ngồi lại thảo luận concept tổng thể".

Chiều đó, ekip thống nhất với ý tưởng: bạn gái Wu không thích tóc của anh, nên anh đổi kiểu. Hai người bạn xịt gôm cho tóc Wu phồng lên. Phần còn lại video, đến lượt Wu, với tóc mới, là người cắt đứt với cô gái dù cô này van nài. Sau đó, anh ngoảnh mặt bước đi trên cánh đồng với đám bạn.

Trong ba tháng, video này được xem 7,7 triệu lần, ghi nhận 291.000 like và hơn 15.000 bình luận. 

"Ban đầu, bố mẹ tôi phản đối kịch liệt", Wu cho hay. "Họ muốn tôi tìm việc ở nhà máy rồi gửi tiền về. Nhưng khi thấy tôi thích thú làm video và có thể kiếm sống, họ đổi ý".

Về với đời thường, mặt trời lặn là lúc Wu Nengji phải cho lợn ăn. Anh đi lấy can thức ăn gia súc, đổ ra trộn đều với nước, rồi dùng gáo múc vào máng lợn. Xong xuôi, Wu vào chỗ ngồi trước bộ máy tính phủ bụi, với bàn phím đã mất một số nút bấm, dựng phim.

Tối đó, Wu dự định sẽ livestream.

Cường Đô La khoá môi Đàm Thu Trang, hứa hẹn "khi nào cưới sẽ livestream"
Ngoài nụ hôn cháy bỏng và gọi Đàm Thu Trang là vợ, Cường Đô La còn khẳng định "khi nào cưới sẽ livestream" thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư