Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Chỉ còn 6,8% doanh nghiệp FDI trả chi phí ngoài luồng khi làm thủ tục đất đai
Khánh An - 28/03/2019 09:28
 
Kết quả điều tra PCI-FDI 2018 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, nhưng các doanh nghiệp này vẫn nhắc tới hải quan, bảo hiểm xã hội và thuế khi xếp hạng sự phiền hà nhất.
.
56% doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát PCI-FDI 2018 có kế hoạch mở rộng đầu tư tài Việt Nam. Nguồn: VCCI

Số doanh nghiệp phải tiếp 8 đoàn thanh, kiểm tra một năm giảm mạnh

Các doanh nghiệp FDI vẫn lạc quan vào môi trường kinh doanh với nhiều màu sáng. Đây là đánh giá chung của 1.500 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại 20 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Doanh nghiệp tham gia năm nay đến từ 36 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó chủ yếu đến từ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc (459 doanh nghiệp), Nhật Bản (408 doanh nghiệp) và Đài Loan (183 doanh nghiệp).

“Đây là kết quả của những nỗ lực cải cách bền bỉ của Chính phủ Việt Nam thời gian qua: gánh nặng thực thi các quy định giảm, các chỉ số về tham nhũng thay đổi tích cực và chất lượng cơ sở hạ tầng được cải thiện”, các chuyên gia thực hiện báo cáo PCI-FDI phân tích.

Cụ thể, tỷ lệ các doanh nghiệp phải dành hơn 5% quỹ thời gian của lãnh đạo cho việc tìm hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính giảm từ khoảng 70% trong những năm 2012-2016 xuống còn 66,2% trong năm 2017 và 42,6% vào năm 2018.

 Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết bị thanh tra quá mức (những doanh nghiệp phải tiếp từ 8 đoàn thanh, kiểm tra trở lên trong một năm) đã giảm từ 4,6% trong năm 2016 xuống còn 3,4% trong năm 2017 và chỉ còn ở mức 1,4% vào năm 2018.

“Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp FDI, ba lĩnh vực thủ tục hành chính mà họ cho biết đang gặp phiền hà nhất là hải quan, bảo hiểm xã hội và thuế”, báo cáo PCI-FDI viết.

Chi phí không chính thức giảm rõ rệt

Tình trạng phải chi trả chi phí không chính thức có xu hướng giảm đáng kể. Xu hướng này đã được nhìn thấy trong Báo cáo PCI năm ngoái. Năm nay, xu hướng này rõ nét hơn.

Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng “cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức” giảm từ 44,6% trong năm 2017 xuống còn 36,5% năm 2018

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết đã từng chi trả chi phí không chính thức cho các cán bộ thanh, kiểm tra giảm từ 44,9% trong năm 2017 xuống chỉ còn 39,9% vào năm 2018.

Số doanh nghiệp cho biết đã phải chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục về đất đai đã giảm từ 17,5% trong năm 2017 xuống chỉ còn 6,8% vào năm nay.

Lo ngại mất điện và chất lượng lao động

Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá có nhiều cải thiện trong cung cấp điện và thuận tiện hơn trong kết nối giữa cao tốc, cảng và đường sắt. Tuy nhiên, chất lượng đường sá giữa các địa phương có sự cải thiện không đồng đều, một số các tỉnh như Long An, Tây Ninh... đang bị tụt lại phía sau. Tình trạng mất điện vẫn còn phổ biến. Các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất cho biết trung bình họ bị cắt điện 6 lần trong năm vừa qua và 87% cho biết cắt điện gây thiệt hại cho doanh nghiệp của họ.

Về chất lượng lao động , theo đánh giá của các doanh nghiệp FDI, chất lượng lao động tại địa phương nơi họ hoạt động không có nhiều thay đổi trong các năm gần đây.

Nhìn chung, doanh nghiệp đánh giá khá tích cực về chất lượng giáo dục phổ thông, đào tạo nghề cho đối tượng lao động phổ thông. Nhưng, doanh nghiệp cho biết đang gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng lao động nhất là các vị trí đòi hỏi kỹ năng cao như kế toán, quản lý và cán bộ kỹ thuật.  

Chi phí đào tạo lao động cao và tình trạng lao động bỏ việc sau khi được đào tạo là mối lo ngại ngày càng lớn của doanh nghiệp.

Kết quả phân tích điều tra thực nghiệm đặc biệt chỉ ra rằng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẵn sàng chi trả mức lương hấp dẫn và có chế độ đãi ngộ tốt cho lao động lành nghề nhằm mục đích nâng cao sản xuất xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn sang Hoa Kỳ.

Mức độ sẵn sàng tăng chi phí cho lao động chủ yếu tập trung ở lĩnh vực sản xuất các mặt hàng chịu tác động của chính sách thuế của Mỹ. Đối với các mặt hàng bị ảnh hưởng bởi thuế suất của Mỹ, khác biệt là gần 5 điểm phần trăm (14,8% ở nhóm công ty Mỹ so với 10% ở nhóm Trung Quốc)

Những chi phí này tập trung cho việc tăng lương và tăng chế độ đãi ngộ cho người lao động. Các doanh nghiệp ít có xu hướng đầu tư nguồn lực cho việc cải thiện điều kiện lao động hay tăng chi phí cho hoạt động của đại diện người lao động.

.

FDI quý I/2019 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2018
FDI quý I/2019 đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ và cao nhất so trong vòng 3 năm trở lại đây (năm 2016...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư