Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Chiến lược phòng chống Covid-19 có thay đổi sau tuyên bố của WHO?
D.Ngân - 08/05/2023 19:43
 
Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu sẽ tác động thế nào đến công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam đang là vấn đề được nhiều quan tâm.

Phòng ngừa và kiểm soát dài hạn

Ngày 3/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố chiến lược mới trong phòng, chống Covid-19 giai đoạn 2023-2025, chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang phòng ngừa và kiểm soát dài hạn. Theo đó, cơ quan này đã ra tuyên bố chính thức rằng Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu sẽ tác động thế nào đến công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam đang là vấn đề được nhiều quan tâm.

Sau động thái nêu trên của WHO, Nhật Bản chính thức bước vào giai đoạn hậu đại dịch từ ngày 8/5 với việc hạ cấp quản lý Covid-19 xuống ngang bằng với cúm mùa. Các quy định về khẩu trang, kiểm dịch biên giới đã được dỡ bỏ trước đó.

Chẳng hạn, Bộ Y tế Nhật Bản chỉ khuyến nghị cách ly với người có triệu chứng thay vì cách ly có tính chất pháp lý với người nghi nhiễm hoặc tiếp xúc; các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm khác phụ thuộc nhiều hơn vào quyết định của từng cá nhân và cơ quan, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã ban hành quy định riêng cho trường học, trong đó yêu cầu trẻ có triệu chứng ở nhà ít nhất 5 ngày. Thay vì được xét nghiệm, điều trị miễn phí ở một số cơ sở được chỉ định, bệnh nhân Covid-19 sẽ dùng bảo hiểm y tế và có thể đến nhiều bệnh viện, phòng khám hơn.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng quyết định ngừng báo cáo hoặc theo dõi dữ liệu ca bệnh, tốc độ lây truyền của Covid-19 trong tuần lễ bắt đầu từ ngày 8/5, trong bối cảnh nước này ấn định ngày hạ cấp quản lý Covid-19 là 11/5.

Giám đốc Các chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết, chiến lược cho giai đoạn mới cần tập trung vào nhóm dân số dễ bị tổn thương, dễ mắc bệnh nghiêm trọng; bảo đảm người bệnh được chăm sóc y tế sớm, tiếp cận được thuốc và có lộ trình chăm sóc lâm sàng vững chắc, vì Covid-19 vẫn có thể trở thành tình huống khẩn cấp trong các hệ thống riêng lẻ.

Tại Việt Nam, TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam chia sẻ, dù WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu nhưng Covid-19 vẫn còn đó, chưa chấm dứt.

Trả lời câu hỏi về việc đã đến lúc coi Covid-19 giống như cúm mùa, bà cho biết đúng là hai bệnh có điểm tương đồng. Tuy nhiên, Covid-19 không phải là bệnh theo mùa. 

Cúm mùa thường xảy ra vào mùa đông nhưng Covid-19 không theo mùa - điều này chúng ta đã thấy ở nhiều quốc gia. Ngoài ra, Covid-19 vẫn là căn bệnh vô cùng mới, vì thế, còn quá sớm để coi Covid-19 giống như bệnh cúm mùa.

"WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu nhưng không có nghĩa chúng ta đã chấm dứt đại dịch Covid-19", chuyên gia WHO nhấn mạnh. 

Rủi ro vẫn ở mức cao

Về phía Bộ Y tế, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, nguy cơ của Covid-19 vẫn ở mức cao trên toàn cầu, bởi dù số mắc, tử vong giảm trên toàn cầu nhưng từng khu vực vẫn có sự gia tăng. 

Bản thân virus SARS-CoV-2 vẫn có sự biến đổi, thay đổi. Đầu tháng 4, WHO công bố có khoảng 400-500 biến thể phụ của Omicron nhưng đến đầu tháng 5, con số này đã là 900. 

Cũng theo ông Lân, WHO luôn nhắc các nước không được chủ quan, phải cảnh giác với các biến thể mới xuất hiện. Với Việt Nam, chúng ta đã đưa ra các đáp ứng phù hợp với tình hình dịch tễ trong bối cảnh từng thời kỳ. 

Các hoạt động phòng chống dịch tại nước ta có sự chỉ đạo xuyên suốt trong thời gian qua, đặc biệt từ tháng 10/2022 chúng ta đã chuyển sang thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.

Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch ứng phó với dịch Covid-19, trong đó có tính đến bối cảnh có biến thể mới nguy hiểm xuất hiện, dịch lan rộng.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng khẳng định dịch bệnh Covid-19 khó dự báo, khó lường và có sự gia tăng ở từng khu vực. Hiện dịch bệnh có sự gia tăng ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. 

Hằng ngày, nước ta vẫn ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc, trong đó vẫn có trường hợp nhập viện, trường hợp nặng, thậm chí có ca tử vong. 

Trước đó, khi được hỏi về tâm thế ứng phó với Covid-19, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu nói rằng, dù Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng không có nghĩa chúng ta không có hành động để ngăn dịch bùng phát và lây lan.

Vị chuyên gia cho hay, hiện số ca mắc mới Covid-19 ở Việt Nam đang tăng trở lại, số trường hợp nhập viện và tử vong cũng gia tăng. Nhưng tình hình dịch vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế. 

Với những trường hợp nặng và tử vong phần lớn vẫn là người có bệnh nền, người già, người chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch... Những trường hợp này bệnh có thể diễn biến nặng nếu nhiễm các virus gây bệnh truyền nhiễm khác như cúm chứ không riêng gì với Covid-19.

Còn theo quan điểm của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nữa có nghĩa là so với khả năng đáp ứng của toàn cầu không bị vượt quá, dịch bệnh đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng lưu ý, Covid-19 đã trở thành bệnh lưu hành. Chúng ta không bao giờ nghĩ đến chuyện loại bỏ hoàn toàn được Covid -19 mà phải chung sống với nó. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, giảm thiểu mọi tác hại của dịch bệnh ở mức thấp nhất. 

“Hiện nay, hệ thống y tế trong nước cũng như thế giới đều đã kiểm soát được dịch bệnh. Hàng năm, sẽ vẫn có những ca mắc nhưng có thể ở mức gây hại ít nhất đối với sức khỏe của người dân và với nền kinh tế xã hội”, bác sĩ Cấp nêu.

 Ý kiến của ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TP.HCM thì cho hay, khi đang có làn sóng dịch nhỏ, ngay lúc này chúng ta tuyên bố Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A là chưa phù hợp. 

Theo chuyên gia, ngành Y tế nên chăm sóc những người đã và sắp bị nhiễm trong làn sóng dịch này, khuyến khích người dân tiêm phòng đầy đủ, tạo điều kiện phòng ngừa cho người không thể tiêm vắc-xin Covid-19 vì lý do y khoa, trước khi công bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp và đưa bệnh Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Trong dịp lễ vừa qua chúng ta thấy có sự bùng phát nhẹ của Covid-19 nhưng chỉ gây tử vong 17 người, chủ yếu là người cao tuổi và mắc nhiều bệnh nền. Do đó, hiện nay, việc phòng ngừa Covid-19 nên là trách nhiệm của cá nhân nhiều hơn là trách nhiệm của nhà nước. 

“Đương nhiên vai trò của nhà nước và ngành Y tế vẫn là đưa ra các thông tin đúng đắn, khuyến khích người dân thực hiện tốt việc phòng bệnh Covid-19, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các dịch vụ phòng ngừa và điều trị covid-19 và quan tâm bảo vệ những người có nguy cơ cao”, ông Dũng bày tỏ.

Ủy ban Khẩn cấp về các quy định y tế quốc tế (IHR) Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới đưa ra 7 khuyến nghị tạm thời cho các thành viên liên quan tới dịch Covid-19:

Duy trì năng lực quản lý dịch bệnh đã đạt được và chuẩn bị cho các sự kiện tương tự trong tương lai.
Lồng ghép vắc-xin Covid-19 vào các chương trình tiêm chủng trọn đời.

Tiếp tục tổng hợp thông tin giám sát đa dạng các mầm bệnh đường hô hấp để nhận thức tình huống một cách toàn diện.
Chuẩn bị các biện pháp ứng phó y tế trong khuôn khổ quy định quốc gia, bảo đảm tính sẵn có và cung ứng lâu dài vắc-xin, các phương tiện chẩn đoán và điều trị.

Tiếp tục làm việc với các cộng đồng, địa phương về quản lý thông tin, quản lý rủi ro linh hoạt và toàn diện.
Tiếp tục dỡ bỏ các hạn chế y tế liên quan đến thông thương quốc tế.

Tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu vắc-xin, nghiên cứu về Covid-19, hậu Covid-19 và các thay đổi của virus, đặc biệt là trong quần thể suy giảm miễn dịch, phát triển các lộ trình chăm sóc tích hợp có liên quan.

Cảnh giác với dịch Covid-19 sau lễ
Trong những ngày qua, Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng. Chuyên gia dự báo, dịch có thể sẽ tăng cao, đặc biệt là sau kỳ nghỉ lễ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư