Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chiến sự không phải rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu
Lê Quân - 18/04/2022 19:31
 
Dồn hết sự chú ý vào chiến sự Nga - Ukraine và động thái lãi suất của Fed, các thị trường toàn cầu đang đánh giá thấp rủi ro từ các đợt phong tỏa chống dịch ở Trung Quốc.
Thượng Hải, nơi tập trung 25 triệu dân và là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc, đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ảnh: AFP
Thượng Hải, nơi tập trung 25 triệu dân và là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc, đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ảnh: AFP

Covid-19 tấn công Thượng Hải, chuỗi cung ứng bị xáo trộn thêm 

Gần 400 triệu người ở 45 thành phố của Trung Quốc đang trong diện phong tỏa một phần hoặc toàn bộ trong một nỗ lực thực hiện chính sách Zero - Covid. Cần nhấn mạnh rằng 45 thành phố này đóng góp tới 40% GDP của Trung Quốc, tương đương 7.200 tỷ USD, theo ước tính của Công ty tài chính Nomura Holdings.

Các nhà phân tích mới đây đã cảnh báo rằng giới đầu tư chưa nhận thức đúng và đủ về tác động của các đợt giãn cách, phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc đến nền kinh tế toàn cầu.

Ông Lu Ting, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc và các cộng sự tại Nomura, cho rằng: "Các thị trường toàn cầu vẫn đang đánh giá thấp tác động đó (tác động của các đợt giãn cách và phong tỏa chống dịch ở Trung Quốc đến kinh tế toàn cầu - BTV), bởi nhiều sự chú ý đang dồn về chiến sự Nga - Ukraine và động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)".

Điều đáng báo động nhất là rất khó dự đoán được tình hình phong tỏa chống dịch ở Thượng Hải - nơi tập trung 25 triệu dân và là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc - sẽ tiếp diễn trong bao lâu. Trên thực té, các biện pháp kiểm dịch, cách ly đã gây ra tình trạng thiếu hụt thực phẩm, khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, còn Cảng Thượng Hải - cảng container lớn nhất thế giới - đang trong tình trạng thiếu lao động.

Với năng lực xử lý trên 20% lưu lượng vận tải hàng hóa của Trung Quốc trong năm 2021, Cảng Thượng Hải đang bị ách tắc và thực phẩm được lưu trữ trong các container không được bảo quản lạnh đang hỏng dần. Lượng hàng hóa sắp dồn về Thượng Hải cũng đang bị ách tắc tại các cảng biển trung bình khoảng 8 ngày, tăng 75% so với đợt phong tỏa gần đây. 

Các hãng hàng không đã hủy tất cả các chuyến bay đến và rời Thượng Hải và hơn 90% xe tải hỗ trợ giao hàng xuất nhập khẩu hiện không hoạt động.

Thượng Hải đóng góp 6% xuất khẩu của Trung Quốc, theo thống kê năm 2021 của chính phủ nước này. Cho nên, việc đóng cửa các nhà máy trong và xung quanh Thượng Hải đang làm xáo trộn thêm các chuỗi cung ứng vốn đã gián đoạn vì các đợt dịch trước đó.

Các nhà máy cung ứng cho Sony và Apple ở Thượng Hải và quanh thành phố này đều không hoạt động. Quanta, nhà sản xuất máy tính xách tay theo hợp đồng lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất MacBook, đã ngừng sản xuất hoàn toàn. Nhà máy tại Thượng Hải đóng góp khoảng 20% công suất sản xuất máy tính xách tay của Quanta và trước đó hãng này ước tính sẽ xuất xưởng 72 triệu chiếc trong năm nay.

Tương tự, Tesla cũng đã đóng cửa nhà máy Giga ở Thượng Hải, nơi sản xuất khoảng 2.000 ô tô điện mỗi ngày. Giám đốc điều hành Tesla hy vọng họ sẽ được phép mở cửa trở lại trong ngày 18/4, chấm dứt thời gian tạm ngừng sản xuất lâu nhất của nhà máy Giga kể từ khi mở cửa vào năm 2019. Cho đến nay, nhà máy Giga của Tesla đã hụt mất sản lượng hơn 50.000 chiếc do phải tạm ngừng sản xuất do dịch bệnh, theo các tài liệu mà Reuters nắm được.

Ông Michael Hirson, Giám đốc phụ trách thị trường Trung Quốc và Đông Bắc Á tại Tập đoàn tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, đánh giá: "Tác động (của dịch Covid-19) đối với Trung Quốc là rất lớn và tác động lên nền kinh tế toàn cầu là khá lớn". "Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có nhiều biến động và gián đoạn kinh tế - xã hội trong ít nhất 6 tháng tới", ông Michael Hirson nói thêm.

Cuối tuần trước, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết họ đã cử một lực lượng chuyên trách đến Thượng Hải để triển khai kế hoạch khôi phục sản xuất tại 666 nhà sản xuất chủ chốt ở Thượng Hải.

Toàn cầu hóa sẽ đi đến hồi kết?

Sự gián đoạn kéo dài đối với hoạt động sản xuất và vận chuyển của Trung Quốc có thể thôi thúc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy một sáng kiến quan trọng nhằm giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm và chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Nhưng sáng kiến này được cho rằng sẽ để lại những hậu quả kinh tế nghiêm trọng ngay trước mắt.

Trong báo cáo công bố tuần trước, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cảnh báo trường hợp xấu nhất rằng sự chia cắt giữa các nền kinh tế trên thế giới bị thúc đẩy chiến sự Nga - Ukraine, có thể khiến GDP toàn cầu giảm 5% trong dài hạn.

Tuy nhiên, giới phân tích đầu tư cho rằng khả năng trên khó xảy ra, nếu xét theo mối quan hệ tài chính sâu sắc giữa Trung Quốc và Mỹ. Đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu giữa hai nước này đã đạt 3.300 tỷ USD vào cuối năm 2020, theo dữ liệu từ Công ty tư vấn kinh tế độc lập Rhodium Group.

"Họ (Trung Quốc và Mỹ) vẫn là những nền kinh tế rất gắn bó với nhau", ông Michael Hirson, Giám đốc phụ trách thị trường Trung Quốc và Đông Bắc Á tại Tập đoàn tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group nhận định. "Sự hội nhập đó không phải là điều gì dễ dàng bị đảo ngược bởi vì nó sẽ cực kỳ tốn kém đối với Mỹ và nền kinh tế toàn cầu", ông Michael Hirson lưu ý.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế Mỹ lại tin rằng quá trình tách bạch với nền kinh tế Trung Quốc đã được triển khai. Ông Howard Marks, nhà đồng sáng lập Quỹ quản lý đầu tư Oaktree cho rằng, "vòng quay [đã] trở lại với việc tìm nguồn cung ứng tại chỗ" và tránh xa toàn cầu hóa.

"Chiến sự Nga - Ukraine đã đặt dấu chấm hết cho quá trình toàn cầu hóa mà chúng ta đã trải qua trong 3 thập kỷ qua", ông Larry Fink, Chủ tịch Tập đoàn quản lý đầu tư đa quốc gia Blackrock (Mỹ) nhận xét. 

Còn trong bài phát biểu trước Tổ chức tư vấn chính sách Atlantic Council vào tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Washington đang theo dõi chặt chẽ các mối liên hệ chính trị và kinh tế của Trung Quốc với Nga.

"Trong tương lai, sẽ ngày càng khó khăn để tách bạch các vấn đề kinh tế ra khỏi các vấn đề lớn hơn là lợi ích quốc gia, bao gồm cả an ninh quốc gia", bà Janet Yellen nói.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết trong khi bà hy vọng có thể tránh được "sự chia rẽ lưỡng cực" giữa Trung Quốc và Mỹ, thì "thái độ của thế giới đối với Trung Quốc và sự sẵn sàng tiếp tục hội nhập kinh tế có thể bị chi phối bởi phản ứng của Trung Quốc trước lời kêu gọi của chúng tôi về hành động kiên quyết đối với Nga".

Với việc nhiều địa phương, trong đó có Thượng Hải đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 và các biện pháp phòng chống dịch, nền kinh tế Trung Quốc đang đối diện với nhiều khó khăn.

Đài CNN dẫn kết quả nghiên cứu từ Trường Đại học Trung Văn Hong Kong (CUHK) cho biết Trung Quốc có thể bị hao hụt ít nhất 46 tỷ USD sản lượng kinh tế mỗi tháng, tương đương 3,1% GDP.

Các nhà phân tích cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% vào năm 2022 của Trung Quốc hiện xa rời với tình hình thực tế. Mặc dù mới điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lên 5% trong năm 2022, nhưng Ngân hàng Thế giới lưu ý rằng nếu các chính sách hạn chế phòng dịch vẫn được duy trì, thì mức tăng trưởng của Trung Quốc có thể chỉ đạt khoảng 4%.

Chiến sự Nga - Ukraine khiến kinh tế châu Âu khó trở lại bình thường
Chiến sự Nga - Ukraine và các đòn trừng phạt liên tiếp nhằm vào Moscow sẽ gây ra những chuyển biến lớn hơn trong nền kinh tế châu Âu so với các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư