Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Chính danh cho doanh nghiệp xã hội
Bửu Hà - 08/05/2014 10:52
 
Doanh nghiệp xã hội - một khái niệm mới được đưa vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói rõ hơn về khái niệm này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Nóng chuyện doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp xã hội
Doanh nghiệp Tò He tìm vốn 15.000 USD
Doanh nghiệp xã hội đối mặt với nhiều khó khăn

Lần đầu tiên, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi xuất hiện khái niệm doanh nghiệp xã hội. Ông có thể cho biết cụ thể khái niệm này?

Ở các nước, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, doanh nghiệp xã hội rất phổ biến. Người ta dùng thuật ngữ khác như tổ chức phi lợi nhuận để chỉ những doanh nghiệp này. Tại Vương quốc Anh cũng thế.

  TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương  
  TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương  

Dần dần, tại các nước châu Á cũng xuất hiện doanh nghiệp xã hội. Đây là doanh nghiệp như các doanh nghiệp bình thường, nhưng mục tiêu hoạt động không phải lấy lợi nhuận, mà là phục vụ những yêu cầu xã hội, như xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ đối tượng bị yếu thế, xử lý vấn đề môi trường, ô nhiễm môi trường, đào tạo cho những người khuyết tật…

Tại Việt Nam, qua khảo sát ở 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội, hiện có hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nhưng chủ yếu ở các lĩnh vực đào tạo; giáo dục; y tế và xử lý môi trường.

Những doanh nghiệp trên hoạt động như thế nào, thưa ông?

Qua phỏng vấn, doanh nghiệp cho rằng, họ kinh doanh có lợi nhuận, không chia lợi nhuận cho cổ đông, mà tái đầu tư. Chúng tôi nhận thấy giá trị của họ có khác với doanh nghiệp bình thường, vì vậy, cần được xã hội thừa nhận và đặc biệt, cần thừa nhận về mặt pháp lý. Sau đó, nếu Nhà nước và xã hội thấy có giá trị thì cần có những chính sách khác biệt hỗ trợ họ phát triển.

Việc bổ sung khái niệm doanh nghiệp vì mục tiêu xã hội (gọi tắt là doanh nghiệp xã hội) nhằm luật hóa, thừa nhận sự tồn tại về mặt pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp xã hội như một phương thức mới, hỗ trợ Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.

Nói cách khác, nếu được đưa vào luật, thì doanh nghiệp này được xã hội thừa nhận về mặt pháp lý, từ đó chú ý, tiến tới nâng cao và khuyến khích các giá trị mà doanh nghiệp xã hội đang theo đuổi.

Theo điều tra của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động có lợi nhuận, nhưng họ tái đầu tư và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, như tạo công ăn, việc làm cho người nghèo. Công ty Serapon ở Quảng Trị là một thí dụ. Quy chiếu với hiện tại, nếu phù hợp thì có thể chuyển doanh nghiệp sự nghiệp nhà nước và doanh nghiệp hoạt động công ích chuyển sang mô hình này.

Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp xã hội có đặt ra phạm trù ưu thế lợi ích riêng, do vậy cần phải giám sát...

Theo tôi, việc giám sát không chỉ thực hiện với riêng loại hình doanh nghiệp nào. Giám sát là cơ chế của Chính phủ với tất cả các loại hình doanh nghiệp. Vấn đề ở đây là hiệu lực quản lý nhà nước, chứ không riêng với doanh nghiệp xã hội.

Chúng ta hay có thói quen đặt vấn đề giám sát khi loại hình mới. Theo tôi, như vậy là không đúng bản chất của Luật Doanh nghiệp sửa đổi và sự phát triển của xã hội. Quan điểm của Luật Doanh nghiệp sửa đổi là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

Tuy nhiên, các phiên thảo luận cho rằng, không chỉ Luật Doanh nghiệp, mà người điều hành luật cũng phải thay đổi để nâng cao hiệu quả thực thi khi áp dụng luật mới. Quan điểm của ông ra sao?

Luật là quyền hạn cứng, người thực hiện là quyền lực mềm. Theo tôi, việc thay đổi đòi hỏi phải là quá trình đồng bộ, từ thay đổi cách thức quản lý, thay đổi đội ngũ công chức những người trực tiếp tham gia. Song hành là cơ chế hỗ trợ như thế nào cho phù hợp và giám sát việc thực thi một cách hiệu quả. Điều này đúng cả với Luật lẫn người thi hành Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

* Chuyên mục Góp ý Luật Doanh nghiệp sửa đổi tại Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn được thực hiện từ nay đến tháng 10/2014.

* Tòa soạn mong nhận được góp ý, đề xuất, kiến nghị của quý độc giả, các chuyên gia kinh tế, luật sư, doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp về các nội dung của Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Nội dung góp ý sẽ được tổng hợp, chuyển tới Ban Soạn thảo.

* Nội dung góp ý vui lòng gửi về địa chỉ: [email protected].

* Ban Biên tập Báo Đầu tư điện tử trân trọng mọi đóng góp, chia sẻ của quý độc giả.

Nhà nước có thực sự muốn thay đổi vai trò Nhà nước có thực sự muốn thay đổi vai trò

() Ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, tiến trình cải cách thể chế nhanh hay chậm, với quy mô lớn hay nhỏ phụ thuộc vào việc Nhà nước có thực sự muốn thay đổi vai trò, vị trí và chức năng của mình hay không.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư