Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Chính sách quan trọng với doanh nghiệp thực hiện chưa “đồng tốc” với tốc độ ban hành
Nguyễn Lê - 27/09/2022 11:04
 
Theo VCCI, nhiều chính sách lớn, quan trọng với doanh nghiệp và nền kinh tế thì dường như tốc độ triển khai thực hiện chưa “đồng tốc” với tốc độ ban hành.
.
Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, đầu cầu Diên Hồng (Nhà Quốc hội).

Theo VCCI, nhiều chính sách lớn, quan trọng với doanh nghiệp và nền kinh tế thì dường như tốc độ triển khai thực hiện chưa “đồng tốc” với tốc độ ban hành.

Sáng 27/9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Trong tài liệu phục vụ hội nghị có tham luận của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo tham luận này, cộng đồng doanh nghiệp thấy rằng, nâng cao vai trò và tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát của Quốc hội là yêu cầu hết sức quan trọng.

Điều này xuất phát từ tình hình thực tế nhiều chính sách lớn, quan trọng với doanh nghiệp và nền kinh tế thì dường như tốc độ triển khai thực hiện chưa “đồng tốc” với tốc độ ban hành.

Điển hình như Nghị quyết 43 của Quốc hội thông qua vào tháng 1/ 2022  về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Dù phản ứng chính sách của Quốc hội rất nhanh, rất kịp thời nhưng việc thực hiện trên thực tế của các cơ quan chưa đồng đều, chưa nhanh.

"Quốc hội đã phải triệu tập riêng một kỳ họp đặc biệt, chưa từng có tiền lệ để thảo luận và thông qua chính sách này trong thời gian rất ngắn, với nhiều nhóm giải pháp quan trọng. Thế nhưng rất nhiều chính sách đã phải mất nửa năm mới được ban hành và đưa vào triển khai trên thực tế. Nhiều chính sách cho đến hiện nay vẫn đang rất cố gắng đẩy mạnh triển khai vì kết quả triển khai trên thực tế thấp (như các dự án sử dụng vốn đầu tư công, chính sách hỗ trợ người lao động trả tiền thuê nhà, chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn 2% cho doanh nghiệp...)", tham luận của VCCI dẫn chứng.

Cũng theo VCCI, vẫn còn có khoảng cách giữa luật và các văn bản hướng dẫn, khoảng cách giữa nội dung luật và triển khai thực hiện trên thực tế. Có những đạo luật nội dung rất tích cực nhưng nghị định và thông tư hướng dẫn lại có các nội dung hạn chế các tác động tích cực này. Nhiều văn bản hướng dẫn chậm được ban hành khiến luật chậm đi vào cuộc sống.

Trong tham luận, VCCI cũng nêu 4 kiến nghị nhằm tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần quan tâm và lồng ghép các nội dung liên quan tới việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh trong nội dung các chương trình giám sát của Quốc hội.

Hiện nay hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang bị ảnh hưởng rất lớn từ chất lượng hệ thống văn bản pháp luật và việc triển khai các văn bản pháp luật này. Tháo gỡ kịp thời các rào cản, vướng mắc về pháp luật của doanh nghiệp cần phải là ưu tiên hiện nay của Quốc hội và Chính phủ, VCCI nêu quan điểm.

Kiến nghị thứ hai là trong chương trình giám sát 2022 và 2023, đặc biệt về các nội dung về tình thình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đề nghị quan tâm tới nội dung đánh giá việc triển khai các gói hỗ trợ phục hồi do dịch COVID-19 ở các ngành, các cấp. Việc thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai sẽ giúp xác định kịp thời những điểm nghẽn để có giải pháp tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân, đồng thời có thể nâng cao hiệu quả của các chính sách đã ban hành. 

 Thứ ba, VCCI đề nghị tiến hành và sử dụng kết quả một số khảo sát doanh nghiệp, người dân trên diện rộng về một số nội dung quan trọng trong chương trình giám sát.

Chẳng hạn kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), điều tra doanh nghiệp xuất nhập khẩu… của VCCI, Những kết quả khảo sát này sẽ cung cấp thông tin, bằng chứng từ thực tiễn, những thông tin và con số độc lập, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác giám sát, cũng như phản ánh đầy đủ hơn thực tiễn cuộc sống.

Thứ tư, VCCI đề nghị các đoàn đại biểu quốc hội các địa phương chủ động và thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt thông tin từ cộng đồng doanh nghiệp các địa phương, cụ thể là thông qua các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn về việc triển khai chính sách của Trung ương tại địa phương.

Đây sẽ là nguồn thông tin quan trọng để góp phần đánh giá và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi tại các ngành, các cấp, đồng thời cũng góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, VCCI nhấn mạnh.

Chính sách đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 do 4 cơ quan đồng chủ trì gồm: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư