Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Chọn dự án đầu tư công: Cần tiêu chí minh bạch, cán bộ công tâm
Bá Thư - 22/04/2016 09:42
 
Theo PGS - TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), triển khai Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư trung hạn đang có những kết quả tích cực bước đầu, song về lâu dài, để triển khai hiệu quả Luật Đầu tư công, cần có đội ngũ cán bộ, chuyên gia giàu kinh nghiệm về lĩnh vực này.

Thưa ông, đầu năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công. Ông đánh giá thế nào về việc triển khai Luật Đầu tư công thời gianvừa qua?

Việc ra đời Luật Đầu tư công là một trong những dấu mốc rất quan trọng, tạo ra khuôn khổ pháp lý để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Quan trọng hơn là sau khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công, thì chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành được hầu hết những văn bản cần thiết để triển khai, từ nghị định đến các thông tư, văn bản hướng dẫn, làm rõ từ phân loại các chương trình, dự án; hướng dẫn lập, thẩm định, quyết định đầu tư, đến điều chỉnh chương trình, dự án, quản lý dự án đầu tư công.

PGS - TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
PGS - TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Đồng thời, việc triển khai cũng rất kịp thời, từ cấp lãnh đạo ở các tỉnh, thành phố với Hội nghị triển khai Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư trung hạn. Tôi cho rằng, việc triển khai tích cực Luật Đầu tư công như vậy đã giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương có được nền tảng để triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn tại đơn vị, địa phương mình, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Nhưng thực tế là việc triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn ở Việt Nam còn mới mẻ, chưa kể đến tính phức tạp của nó khi liên quan đến nhiều bộ, ngành, thưa ông?

Đúng là triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn là việc mới, việc khó, nhưng không chỉ là vấn đề mới hay khó với Việt Nam, mà nhiều nước khác cũng vậy. Có hai vấn đề chính khiến việc triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn gặp khó khăn.

Một là, vấn đề này liên quan đến nhiều ngành, địa phương, mà ngành nào, địa phương nào cũng muốn có thêm nguồn vốn cho các chương trình, dự án. Vừa qua, như báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ngành, địa phương đề xuất vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 lên tới hơn 4 triệu tỷ đồng, vượt hơn 20 lần giai đoạn 2010 - 2015 và gấp hơn hai lần khả năng cân đối vốn giai đoạn này.

Hai là, dù đã có hướng dẫn để lựa chọn chương trình, dự án được rót vốn, nhưng thực tế, để lựa chọn đúng những dự án khả thi và hiệu quả ở các đơn vị, địa phương là vấn đề rất khó. Để chọn đúng các dự án cấp bách, có tác động lớn tới kinh tế - xã hội, phù hợp với khả năng cân đối vốn, thì bên cạnh các tiêu chí rõ ràng, minh bạch, phải có đội ngũ cán bộ có năng lực và kinh nghiệm, làm việc khách quan, công tâm.

Do đó, để triển khai hiệu quả Luật Đầu tư công và trước mắt là kế hoạch đầu tư trung hạn đòi hỏi nỗ lực rất lớn.

Vậy đâu là nút thắt cần tháo gỡ, nhằm giải quyết trước mắt cũng như dài hơi hơn, để triển khai hiệu quả Luật Đầu tư công và thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn, thưa ông?

Như tôi đã nói, việc cân đối vốn đầu tư phát triển không thể xử lý một sớm một chiều. Do đó, trước mắt, vấn đề nằm ở đội ngũ cán bộ, chuyên gia trực tiếp triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn. Vốn chỉ có thế, chọn dự án nào, tiêu chí phải cụ thể, phải cân đối với bối cảnh chung ở các ngành khác, địa phương khác. Một quyết định không chính xác, thiếu công tâm thì không những địa phương, đơn vị đó không được hưởng lợi từ dự án, mà nguồn vốn đầu tư còn không phát huy được hiệu quả, thậm chí nguy cơ thất thoát. Do đó, cần có cơ chế rõ ràng, minh bạch, gắn với trách nhiệm cán bộ khi lựa chọn dự án đầu tư công.

Dài hơi hơn, cần tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia về đầu tư công và đầu tư trung hạn. Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển đã mở một chuyên ngành đào tạo mới là Đầu tư. Hiện một số trường đã có chuyên ngành kinh tế đầu tư, nhưng tập trung vào đầu tư tài chính, còn Học viện tập trung vào đầu tư phát triển, quản lý hoạt động đầu tư gắn với đầu tư công và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyên ngành về Đầu tư được Học viện triển khai ngay trong năm học 2016 này. Trước đó, Học viện đã tổ chức đào tạo chuyên ngành Chính sách công, cả ở bậc Đại học và từ năm 2015 là bậc Cao học, hướng nhiều đến chính sách về kinh tế vĩ mô, nhấn mạnh về đầu tư phát triển. Bên cạnh trang bị những kiến thức cơ bản, tiếp cận với luật pháp quốc tế về đầu tư phát triển, Học viện sẽ chú trọng đến việc truyền đạt cho sinh viên kinh nghiệm trong thực tiễn quản lý, thực tiễn lập chính sách và triển khai chính sách của các chuyên gia, nhà quản lý.

* Năm 2016, Học viện Chính sách và Phát triển (APD) tuyển sinh 550 chỉ tiêu Đại học hệ chính quy vào 05 ngành (Kinh tế, Kinh tế quốc tế, Tài chính ngân hàng, Quản lý nhà nước và Quản trị kinh doanh) với 07 chuyên ngành đào tạo, bao gồm: Kinh tế đối ngoại, Tài chính công, Quản trị doanh nghiệp, Kế hoạch phát triển, Đầu tư và phát triển, Quản lý đầu thầu và Quản lý công. Học viện sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia tại các cụm thi do các trường Đại học chủ trì để xét tuyển; Thí sinh đăng ký môn xét tuyển theo 1 trong các tổ hợp xét tuyển. Học viện xét tuyển đối với từng ngành theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
* Với trình độ Thạc sĩ, Học viện tuyển sinh và đào tạo theo Quy định của Bộ Giáo dục, gồm định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng. Cụ thể, năm 2016, Học viện tuyển sinh Thạc sĩ khóa 2 Đợt 1 vào tháng 5/2016 và đợt 2 vào tháng 8/2016, với 03 chuyên là Tài chính – Ngân hàng, Kinh tế quốc tế và Chính sách công.
* Thông tin chi tiết tham khảo tại địa chỉ: www.http://apd.edu.vn 
Đề xuất 4 triệu tỷ đồng vốn đầu tư trung hạn 2016 - 2020: Gấp 20 lần kế hoạch 2011 - 2015
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển trung hạn thời kỳ 2016-2020 do các bộ ngành, địa phương đề xuất lên đến 4 triệu tỷ đồng, gấp 20,5 lần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư