Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đề xuất 4 triệu tỷ đồng vốn đầu tư trung hạn 2016 - 2020: Gấp 20 lần kế hoạch 2011 - 2015
Mạnh Bôn - 08/03/2016 07:32
 
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển trung hạn thời kỳ 2016-2020 do các bộ ngành, địa phương đề xuất lên đến 4 triệu tỷ đồng, gấp 20,5 lần kế hoạch 2011-2015 và gấp hơn 2 lần so với khả năng cân đối vốn trong giai đoạn 2016-2020 là 1,846 triệu tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang khẩn trương rà soát lại Danh mục dự án, công trình đầu tư bằng vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 để sớm trình Quốc hội thông qua.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cho biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển trung hạn thời kỳ 2016-2020 do các bộ ngành, địa phương đề xuất lên đến 4 triệu tỷ đồng, gấp 20,5 lần kế hoạch 2011-2015 và gấp hơn 2 lần so với khả năng cân đối vốn trong giai đoạn 2016-2020 là 1,846 triệu tỷ đồng.

Trước nhu cầu vốn qua lớn so với số vốn mà ngân sách nhà nước có khả năng cân đối, nên theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, việc phân bổ vốn đầu tư phát triển giai đoạn này phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước năm 2015 và các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ; phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác tham gia đối với từng ngành, từng lĩnh vực cũng như từng địa phương; bảo đảm các cân đối vĩ mô, ưu tiên hoàn trả nợ công mà các địa phương đã ứng trước.

Theo nguyên tắc thì như vậy, nhưng người đứng đầu ngành KHĐT rất muốn Quốc hội có sự linh động nhất định với một số địa phương đang có số nợ xây dựng cơ bản khá lớn, trong đó tiêu biểu là Hà Giang.

Hà Giang nợ XDCB hiện vào khoảng 2.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 thì tỉnh miền núi phía Bắc này chỉ được phân bổ hơn 3.000 tỷ đồng. Cũng như các địa phương khác, Hà Giang rất nghiêm túc chấp hành việc trả nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã ứng trước với số tiền 1.500 tỷ đồng, số tiền 1.000 tỷ đồng sử dụng đầu tư cho các công trình, dự án chuyển tiếp nằm trong danh mục đầu tư đã được phê duyệt.

“Nếu thu hết nợ thì Hà Giang không còn tiền để đầu tư, vì vậy, địa phương này đề nghị cho nợ lại 500 tỷ đồng để đầu tư mới 23 hồ chứa nước (đã được Chính phủ phê duyệt) cung cấp nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao nguyên đá và cam kết sẽ sử dụng ngân sách địa phương trả nợ dần. Nhận được đề nghị này tôi rất cảm động, bởi nếu thu hết nợ theo đúng quy định thì đồng bào dân tộc ở khu vực cao nguyên đá thiếu nước sinh hoạt. Vì vậy, tôi rất mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội “linh động” cho một số trường hợp đặc biệt trong phân bổ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn”, Bộ trưởng Bộ KHĐT kiến nghị.

Còn đối với các bộ ngành, địa phương khác, Bộ trưởng KHĐT khẳng định nghiêm túc chấp hành nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư trung hạn là ưu tiên bố trí vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa được bố trí đủ vốn; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP); dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ đã được phê duyệt…

“Trước hết, tất cả các bộ ngành, địa phương phải bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng XDCB và thu hồi các khoản đã ứng trước; phần còn lại phải bố trí đủ vốn cho các chương trình, dự án sủ dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; bố trí vốn cho dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp. Số còn lại, nếu có mới cho phép khởi công dự án mới”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kiên quyết.

Theo chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, phân chia vốn đầu tư trung hạn rất phức tạp vì nguồn thì có hạn, trong khi đó, ngành nào, lĩnh vực nào, địa phương nào cũng muốn được đầu tư, mà đều đầu tư cho các chương trình, dự án cấp bách. Nhưng lấy nguồn đâu để đầu tư còn phức tạp hơn rất nhiều, vì nếu cứ phân bổ kế hoạch vốn ngay mà thu ngân sách không đúng như dự toán thì bội chi, nợ công sẽ tăng lên.

“Ngay cả nguồn thu từ dầu thô, tính giá bình quân 40 USD/thùng hay 45 USD/thùng cũng chưa rõ, nếu không đạt thì lấy nguồn đâu để phân bổ. Còn nếu nói sửa đổi chính sách thuế để tăng thu, bù lại số hụt thu do giá dầu không đạt dự toán thì tôi chắc là Quốc hội không đồng tình, doanh nghiệp sẽ phản ứng”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn và đề nghị Bộ KHĐT tính toán lại phương án phân bổ vốn đầu tư trung hạn.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, nếu tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn này đạt kế hoạch (tăng 6,5%-7%), theo tính toán ban đầu của Chính phủ thì tổng GDP đạt 34 triệu tỷ đồng, nhưng sau khi tính toán lại thì ước chỉ vào khoảng 31 triệu tỷ đồng. Còn theo tính toán của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô GDP của Việt Nam giai đoạn này chỉ vào khoảng 28 triệu tỷ đồng, tức là hụt thêm 3 triệu tỷ đồng nữa.

“Nếu GDP không như dự tính thì mọi chỉ tiêu đều phải điều chỉnh, trong đó phải điều chỉnh việc vay nợ để đầu tư vì nếu không, nợ công và bội chi sẽ tăng ngay tức khắc vì cả hai tiêu chí này đều so với GDP. Giảm vay nợ khoản nào? Chắc không giảm được khoản vay tưởng rằng dễ giảm nhất là khoản Chính phủ đứng ra bảo lãnh, vì khoản vay Chính phủ bảo lãnh đều được đầu tư cho dự án trọng điểm quốc gia như Dự án Sân bay quốc tế Long Thành, Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận…”, ông Hiển băn khoăn.

“Số vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 được xây dựng ở mức rất thấp. Hơn nữa, Bộ KHĐT cùng Bộ Tài chính đã tính toán, với mức đầu tư này hoàn toàn giữ được mức bội chi, nợ công. Quy mô GDP giai đoạn 2016-2020 ước vào khoảng 31 triệu tỷ đồng được tính toán khách quan, khoa học trên cơ sở GDP tăng trưởng 6,5-7% và CPI tăng khoảng 5%/năm. Còn IMF tính toán trên cơ sở CPI tăng thấp hơn nhiều nên có sự chênh lệch số liệu”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích.

Phân bổ vốn trung hạn để đầu tư đúng địa chỉ
Trước Phiên chất vấn các thành viên Chính phủ vào chiều nay (ngày 12/6), TS. Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư