Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 29 tháng 12 năm 2024,
Chọn nghề gì khi thế giới việc làm biến đổi với công nghệ 4.0?
Phạm Mai (TTXVN/Vietnam+) - 10/06/2020 11:39
 
Thí sinh nên chọn nghề gì khi với sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều công việc sẽ có nguy cơ mất đi, trong khi lại xuất hiện những công việc chưa từng có?
Chon nghe gi khi the gioi viec lam bien doi voi cong nghe 4.0? hinh anh 1Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh. (Ảnh: Đại học Giáo dục)

Chỉ còn một tuần nữa, cả triệu thí sinh trên cả nước bắt đầu làm hồ sơ đăng ký dự Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 và xét tuyển đại học, cao đẳng. Nên chọn nghề gì khi với sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều công việc sẽ có nguy cơ mất đi, trong khi lại xuất hiện những công việc mới mà thế giới chưa từng có là băn khoăn của rất nhiều thí sinh và phụ huynh.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, Phó chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Đại học Giáo dục, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), về vấn đề này.

Ba bước để chọn nghề

Thưa phó giáo sư, hiện các thí sinh đang đứng trước quyết định quan trọng về lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Từng có hàng chục năm làm công tác hướng nghiệp, thầy có lời khuyên nào cho các em?

Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà: Chọn ngành học là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của mỗi thí sinh. Tôi biết nhiều bạn chọn sai ngành đã phải bỏ ngang để chọn lại, hoặc nhiều người vẫn làm việc và thậm chí thành công nhưng không cảm thấy hạnh phúc với nghề. Vì vậy, phụ huynh và thí sinh cần tính toán kỹ càng.

Để lựa chọn, thí sinh cần lưu ý ngành học đó phải phù hợp với ba yếu tố: Sở thích, đam mê; năng lực, tính cách; nhu cầu của thị trường lao động.

Trước tiên cần xác định được sở thích, đam mê của mình. Đây là điều thí sinh cần phải thật sự quan sát, lắng nghe chính mình vì sở thích thì có tính nhất thời, dễ thay đổi, còn đam mê lại cần vun xới. Làm thế nào biết mình đam mê với cái gì? Dưới góc độ tâm lý, khi làm điều gì đó quen và cảm thấy có kết quả, hài lòng với kết quả đó thì sẽ tạo hưng phấn, hưng phấn đó lâu dần sẽ thành đam mê. Thí sinh có thể quan sát trong cuộc sống hàng ngày mình thích làm gì, mình làm gì có hiệu quả, khi làm mình thấy vui và khi thành công đem lại hưng phấn thì đó là xu hướng đam mê.

[Ngày hội hướng nghiệp: Định hướng nghề nghiệp trong kỷ nguyên 4.0]

Bạn hãy chọn ra các ngành học ngành liên quan và tìm hiểu kỹ về từng ngành như yêu cầu năng lực gì, môi trường làm việc ra sao, chi phí đào tạo...

Thứ hai, thí sinh phải xem bản thân mình đủ điều kiện về năng lực, tính cách, sức khỏe... để đáp ứng yêu cầu của nghề nào. Ví dụ nếu năng lực tính toán chậm thì không thể theo nghề kế toán. Tính khép kín, ít giao tiếp thì không phù hợp với nghề báo. Sức khỏe yếu không nên chọn ngành nhóm công trình.

Hiện có khá nhiều bộ công cụ miễn phí trên internet giúp thí sinh khám phá ra năng lực, tính cách của mình để sàng lọc công việc phù hợp. Các bộ công cụ này thường được thiết kế dưới hình thức trắc nghiệm nên rất thuận lợi để thí sinh tự kiểm tra nhanh chóng bằng cách trả lời các câu hỏi. Để hỗ trợ thí sinh, nhiều trường đại học đã xây dựng các bộ công cụ để đăng tải trên websize của mình. Thí sinh có thể truy cập trang web danhgiatamly.edu.vn của Trường Đại học Giáo dục là một địa chỉ uy tín, tin cậy.

Thứ ba là xem xét nhu cầu của thị trường lao động. Học là để làm việc, vì vậy đương nhiên phải chọn ngành mà xã hội có nhu cầu để cơ hội việc làm cao hơn.

Kết hợp cả ba yếu tố trên, thí sinh sẽ chọn được ngành phù hợp với bản thân mình.

Chon nghe gi khi the gioi viec lam bien doi voi cong nghe 4.0? hinh anh 2Sinh viên tìm hiểu thông tin trong ngày hội việc làm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chọn nghề hay ngành?

- Với sự tác động của công nghệ 4.0, rất nhiều nghề nghiệp được dự báo sẽ mất đi và nhiều nghề mới sẽ hình thành. Theo phó giáo sư, làm sao để thí sinh có thể chọn nghề và yên tâm sau 4 đến 5 năm ngồi trên giảng đường, ra trường vẫn sẽ có cơ hội công việc rộng mở?

Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà: Đây đúng là điều thí sinh cần lưu ý. Trong bối cảnh ngày nay, thế giới công việc luôn biến động. Có những ngành nghề hiện nay rất “hot” dù trước đây chúng ta chưa nghĩ đến như youtuber, hoặc vlogger. Vì vậy, khi chọn nghề, thí sinh cũng phải tính toán đến khả năng chuyển đổi nghề nghiệp để mình có thể làm việc trong nhiều nghề. Chọn ngành phù hợp với đam mê, năng lực, tính cách nhưng không hướng vào một nghề cụ thể mà hướng vào lĩnh vực nghề nghiệp. Ví dụ, chọn lĩnh vực sư phạm nhưng không chỉ làm giáo viên mà có thể làm nghiên cứu giáo dục, tham vấn học đường... Như vậy sẽ tăng cơ hội thành công và giảm nguy cơ thất nghiệp.

-  Nhưng những ngành học ở các trường đa số lại cụ thể, thưa phó giáo sư?

Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà: Cái khó là hiện nay ngành học luôn cụ thể. Trước đây, đại học thường dạy kiến thức chung, nền tảng của một lĩnh vực. Khi ra trường, tùy theo vị trí việc làm, sinh viên có thể học thêm chuyên sâu.

Tuy nhiên hiện nay, các trường có xu hướng tổ chức các ngành đào tạo chuyên sâu để tạo sự khác biệt. Ví dụ không chỉ ngành Công nghệ thông tin nói chung mà còn có các ngành An ninh mạng, Quản trị mạng... Vì thế, khi ra trường, việc chuyển đổi nghề nghiệp sẽ khó khăn hơn. Khi chọn theo lĩnh vực, khả năng chuyển đổi nghề nghiệp cao hơn nhưng xác định sẽ phải học thêm. Điều này cũng bình thường vì hiện nay việc học là suốt đời.

Một giải pháp khác là các em cũng có thể học thêm văn bằng liên quan đến ngành học trong quá trình học đại học. Ví dụ sinh viên ngành kế toán có thể học thêm bằng về quản trị, quản lý văn phòng, thuế… để khi ra trường có thể làm kế toán, làm thuế, quản trị doanh nghiệp

Sinh viên ngày nay phải chuẩn bị tinh thần học tập suốt đời và tăng khả năng thích ứng với thị trường luôn luôn biến đổi. Tư duy học chuyên ngành gì ra trường làm đúng chuyên ngành đó đã không còn phù hợp.

- Xin cảm ơn phó giáo sư!

Doanh nhân Đỗ Hữu Thanh, CEO Golden Lion: Chọn nghề kiến tạo hình ảnh chuyên nghiệp cho doanh nghiệp
Sự chuyên nghiệp trong cách phục vụ cũng như đáp ứng nhiều hơn yêu cầu của khách hàng, đã làm nên thương hiệu của Công ty May Sư tử vàng (Golden...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư