Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Chủ động kiến tạo tương lai
Hà Nguyễn - 11/01/2024 07:01
 
Là cơ quan tham mưu tổng hợp về kinh tế - xã hội, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không chỉ là tham mưu các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là làm sao phát huy bản lĩnh, hội tụ trí tuệ để tiên phong xây dựng tầm nhìn phát triển của đất nước, chủ động kiến tạo tương lai... Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chia sẻ như vậy.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Thưa Thứ trưởng, vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức, năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Điều gì đã làm nên thành công đó?

Năm 2023 là một năm vô cùng khó khăn, thậm chí khó khăn, thách thức còn nhiều hơn cơ hội. Nhưng vượt qua tất cả, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi, tăng trưởng GDP đạt 5,05%, cao gấp 1,68 lần mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% mà Quốc hội đã quyết nghị; thu hút đầu tư nước ngoài ở mức cao; giải ngân vốn đầu tư công tích cực; thặng dư thương mại lớn...

Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến công tác chỉ đạo, điều hành.

Năm 2023, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, tiếp tục bám sát thực tiễn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Trước những diễn biến nhanh, khó lường của bối cảnh địa chính trị và kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã có những phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, đúng thời điểm, nhờ vậy đã xoay chuyển được tình thế, chuyển đổi trạng thái, đưa kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và cuối cùng mới có được kết quả như chúng ta đã thấy. Điều này đã được khẳng định tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam.

Thứ trưởng vừa nhắc tới công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Trong công tác quan trọng đó, vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, như thế nào?

Có thể khẳng định, trong thành tựu của kinh tế Việt Nam hôm nay, có đóng góp không nhỏ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược của Đảng và Nhà nước, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành một khối lượng công việc lớn, bảo đảm tiến độ, chất lượng, trong đó phần lớn là những việc quan trọng của nền kinh tế. 

Trong suốt năm vừa qua, chúng tôi đã chủ động tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, nhằm tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước...

Trong dấu ấn điều hành của Chính phủ năm 2023, chúng ta có thể nhắc đến rất nhiều nỗ lực lớn. Ví dụ, khi Chính phủ quyết định thực thi hài hòa, hợp lý giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, kết hợp hiệu quả với các chính sách vĩ mô khác để giữ ổn định kinh tế vĩ mô; hay khi Chính phủ nhanh nhạy, kịp thời đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; quyết liệt giải quyết các vấn đề còn hạn chế, tồn đọng của nền kinh tế, như xử lý các dự án thua lỗ, những tổ chức tín dụng đang phải tái cơ cấu...

Đằng sau những dấu ấn đó, đều có “bóng dáng” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhiều quyết sách của Chính phủ được đưa ra dựa trên tham mưu, đề xuất của chúng tôi.

Năm 2023, cả thu hút đầu tư nước ngoài và giải ngân vốn đầu tư công đều là điểm sáng. Có được kết quả đó một phần nhờ những nỗ lực không nhỏ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chúng tôi đã làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như trong nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, bao gồm cả các đối sách liên quan đến việc thực thi thuế tốt thiểu toàn cầu, giải pháp để thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có các tập đoàn hàng đầu trong các lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, AI, hydrogen...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tham mưu nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm cả cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách. Năm 2023, Chính phủ thành lập nhiều đoàn công tác để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh. Vừa đóng vai trò là một tổ công tác để trực tiếp xuống từng địa phương, vào từng dự án để tháo gỡ, đôn đốc, thúc đẩy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đóng vai trò là cơ quan tổng hợp để phối hợp rà roát khó khăn, vướng mắc, từ đó tham mưu Chính phủ, Quốc hội sửa đổi thể chế, chính sách...

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận được sự phối hợp, hợp tác và hỗ trợ rất chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, của các đối tác nước ngoài, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…, giúp chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ lớn, quan trọng và khó của năm 2023.

Ngoài các động lực tăng trưởng truyền thống, như đầu tư, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, gần đây, chúng ta đã nhắc rất nhiều đến những động lực tăng trưởng mới, như kinh tế số, phát triển xanh, đổi mới sáng tạo... Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực để tạo dựng và phát triển các động lực mới này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Năm 2023, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bước đầu viết nên câu chuyện tuyệt vời về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, về việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Cuối tháng 10/2023, sau nhiều năm chuẩn bị, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã chính thức được khánh thành. Chúng tôi kỳ vọng sẽ biến nơi đây thành “cái nôi” cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo của không chỉ Việt Nam, mà còn của khu vực và toàn cầu, qua đó góp phần quan trọng đưa Việt Nam đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên trong cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với việc phát triển các ngành công nghiệp mới nổi như bán dẫn, AI, hydrogen..., kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc, bứt phá và phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Để mở rộng không gian phát triển của đất nước, những năm qua, đặc biệt trong năm 2023, chúng tôi đã tiên phong và nỗ lực trong tham mưu cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội địa phương và vùng lãnh thổ, thúc đẩy liên kết vùng, đẩy nhanh công tác xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh... và đặc biệt là Quy hoạch tổng thể quốc gia. Các định hướng chiến lược, cơ chế, chính sách liên quan đến các mô hình kinh tế mới, như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế ban đêm... cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nỗ lực thực hiện.

Năm 2024, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được đặt ra khá thách thức, với tăng trưởng kinh tế phải đạt 6 - 6,5%, nhằm tạo nền tảng quan trọng cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm thế nào để góp phần quan trọng đưa nền kinh tế hoàn thành nhiệm vụ đề ra, thưa Thứ trưởng?

Để thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch của năm 2024, Chính phủ vừa ban hành hai nghị quyết số 01 và 02 về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh, với nhiều giải pháp trọng tâm.

Nhìn vào các giải pháp này, như ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững..., chúng tôi hiểu rằng, nhiệm vụ của mình rất nặng nề. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt trong suốt quá trình phát triển của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chúng tôi đã luôn bằng bản lĩnh, trí tuệ của mình để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nhưng bối cảnh mới, tình hình mới đặt ra nhiều thử thách hơn, chúng tôi cũng cần thực hiện tốt hơn nữa những trọng trách này.

Trong Nghị quyết của Chính phủ, nhiều giải pháp mới cũng đã được nhấn mạnh, như tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chip và chất bán dẫn...; thúc đẩy phát triển liên kết vùng, hội đồng vùng hoạt động có hiệu quả... là giải pháp chung của nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ riêng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nhiệm vụ là nặng nề, nên chúng tôi xác định, năm 2024 phải “hội tụ trí tuệ” để “kiến tạo tương lai”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, vai trò tiên phong trong xây dựng tầm nhìn phát triển của đất nước, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Chúng tôi tin rằng, với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và dưới sự chỉ đạo điều hành sáng suốt, quyết liệt của Chính phủ, chúng ta có thể đạt được các mục tiêu kế hoạch năm 2024.

Trong năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 2 luật, 8 nghị quyết của Quốc hội, 5 nghị định của Chính phủ, 11 thông tư, 17 nghị quyết của Chính phủ, 5 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan thường trực hoặc giữ vai trò chủ trì, đầu mối tổng hợp của 6 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, 26 đoàn công tác của Thành viên Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, 7 hội đồng điều phối vùng và nhiều ban chỉ đạo khác. Bộ cũng đã làm thường trực hội đồng thẩm định và đã tổ chức thẩm định 5 quy hoạch vùng, 59 quy hoạch tỉnh, 1 chương trình mục tiêu quốc gia, 4 dự án quan trọng quốc gia, 41 chương trình, dự án lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền nhiều đề án, báo cáo lớn…
Kinh tế Việt Nam 2024: Dồn lực cho tăng trưởng
Nền kinh tế, cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân bước vào năm 2024 với những kỳ vọng lớn hơn về sự phục hồi của nền kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư