Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 31 tháng 07 năm 2024,
Chủ tịch HĐQT Shinec: Mạnh dạn xanh hoá khu công nghiệp, thành quả sẽ đến
Hoài Sương - 30/07/2024 22:11
 
Khu công nghiệp sinh thái là xu hướng tất yếu chứ không còn là lựa chọn. Vì vậy, các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Việt Nam hãy mạnh dạn xanh hoá nhanh để tăng khả năng cạnh tranh.

Đó là chia sẻ của ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) 2024 do Báo Đầu tư tổ chức tại TP.HCM ngày 30/7.

Theo ông Điệp, Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế (Nghị định 35) đang rất tiệm cận với tiêu chí ESG. Tuy nhiên, để công nhận khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh thì Nghị định 35 chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, cần lấy tiêu chuẩn ESG làm nền tảng để chứng nhận khu công nghiệp phát triển bền vững vì đây là tiêu chuẩn quốc tế và báo cáo của ESG có cả 3 thành phần: Quản trị, môi trường, xã hội.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec tại Diễn đàn VIPF.

“Hiện nay, giá trị mang lại của ESG đang tương đồng với mong muốn của một loạt nhà đầu tư trong các ngành như: Điện tử, công nghệ cao, sản xuất hàng xuất khẩu… vì hàm lượng xanh cao. Nếu khu công nghiệp sinh thái có chứng chỉ ESG tương thích với tiêu chuẩn ESG của các nhà đầu tư sẽ giúp việc lựa chọn điểm đến dễ dàng hơn”, ông Phạm Hồng Điệp chia sẻ.

Ví dụ điển hình với Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), ông Điệp thông tin, để thực hiện được ESG là điều không dễ dàng bởi tiêu chí rất ngặt nghèo. Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền được xây dựng từ năm 2008, toàn bộ hệ thống thoát nước mưa, nước mặt, nước thải theo tiêu chuẩn của Việt Nam giai đoạn trước đều phải theo đường ống bê tông. Trong quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hoá trong khuôn viên nhà máy, toàn bộ hệ thống cống rung, lún đất… Như vậy, việc đáp ứng tiêu chuẩn môi trường không đạt.

Vì vậy, Shinec phải ký hợp đồng chiến lược toàn diện với Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, sử dụng ống HDPE để thay thế ống bê tông và xây dựng lại hệ thống xử lý nước thải nhằm giảm tình trạng đưa nước thải ra môi trường.

“Với một nhà đầu tư, việc bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư lại toàn bộ hệ thống này là một điều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đành phải chấp nhận và không có một giải pháp nào khác để thay thế trong quá trình tiên phong xây dựng khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam nhằm tăng khả năng cạnh tranh”, Chủ tịch HĐQT Shinec cho hay.

Ngoài ra, Shinec đã xây dựng được mối liên kết cộng sinh với các nhà đầu tư để tạo ra giá trị từ xử lý rác thải trong khu công nghiệp, tạo ra được lợi nhuận và có thêm nguồn vốn cải tạo môi trường. Nam Cầu Kiền còn mang giá trị văn hoá khi được đầu tư cảnh quan từ di sản Việt. Nhờ đó, các doanh nghiệp đầu tư, các tổ chức quốc tế đã có một cái nhìn khác và thay đổi tư duy trong việc đầu tư khu công nghiệp. 

Vì vậy, ông Điệp đánh giá Nam Cầu Kiền đã tăng thêm lợi thế cạnh tranh so với các khu công nghiệp trong và ngoài nước hiện nay.

“Đây là một trong những lý do để tôi làm báo cáo ESG trong suốt 9 tháng mới có thể thành công. Thời điểm đó, chúng tôi phải đào tạo lại nhân viên, bổ sung thêm thiết bị quan trắc tự động, quản trị online… và phải đầu tư với nguồn vốn rất lớn để thực hiện. Báo cáo ESG hàng năm đều phải thẩm định và kiểm định lại nên việc duy trì được ESG, chúng tôi sẽ tạo ra giá trị thương hiệu rất lớn cho một khu công nghiệp”, ông Điệp chia sẻ.

Trước kinh nghiệm từ hoạt động tiên phong và có được những bài học thực tiễn, ông Điệp đánh giá, xanh hoá khu công nghiệp là xu hướng tất yếu chứ không còn là lựa chọn. Vì vậy, các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Việt Nam cần nhanh xanh hoá hoạt động đầu tư. Hãy thực hiện, kết quả và thành quả sẽ đến với chính chúng ta”, ông Điệp nhấn mạnh.

Tuy nhiên, muốn làm tốt hơn và giải quyết các vướng mắc của các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trong quá trình xanh hoá, Chủ tịch HĐQT Shinec kiến nghị cần có một bộ luật về đầu tư khu công nghiệp và xây dựng tiếp một bộ luật kinh tế tuần hoàn. Hai bộ luật này đã được Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thực hiện. 

Đẩy nhanh tiến trình xanh hóa nền công nghiệp Việt Nam
Là nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam có vị thế đặc biệt để dẫn đầu sự chuyển đổi theo xu hướng xanh và bền vững hơn của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư