Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chuyện đắt rẻ suất đầu tư các nhà ga hàng không tại Việt Nam
Anh Minh - 21/02/2020 08:26
 
Nếu không đưa về mặt bằng quy chiếu nhất định như công năng, độ tiện nghi phục vụ… sẽ là võ đoán để đưa ra những kết luận về suất đầu tư tại một dự án hạ tầng hàng không là đắt hay rẻ.
Nhà ga quốc tế Đà Nẵng do Công ty AHT làm chủ đầu tư có suất đầu tư xây dựng và thiết bị  là 53 triệu đồng/m2sàn, tổng suất đầu tư là 60 triệu đồng/m2 sàn (theo quy đổi theo thời giá năm 2019).
Nhà ga quốc tế Đà Nẵng do Công ty AHT làm chủ đầu tư có suất đầu tư xây dựng và thiết bị là 53 triệu đồng/m2sàn, tổng suất đầu tư là 60 triệu đồng/m2 sàn (theo quy đổi theo thời giá năm 2019).

"Tư nhân làm nhà ga hàng không chưa chắn đã rẻ" - đây là khẳng định của ông Mai Thế Vinh, người có thời gian nghiên cứu chuyên sâu về các dự án đầu tư hạ tầng do khối tư nhân đầu tư tại Trung tâm PPP giao thông, Đại học Virginia – Hoa Kỳ.

Theo vị chuyên gia này, việc phải đưa lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư; lãi suất cho phần vốn vay thương mại; chi phí thuê tư vấn quản lý dự án, trong trường hợp là các nhà đầu tư tài chính không có nhiều kinh nghiệm quản lý… vào phương án hoàn vốn sẽ khiến chi phí đầu tư tại các dự án PPP hạ tầng do khối nhà đầu tư tư nhân cao tối thiểu từ 15% - 25% so với phương án đầu tư công hoặc do các doanh nghiệp nhà nước/có tính chất nhà nước đầu tư. Điều này đúng không chỉ với các dự án PPP đường cao tốc mà cả đối với các trường hợp nhà ga hàng không hay đường sắt đô thị.

“Việc xã hội hoá nguồn vốn đầu tư thường xuất phát là để giải quyết việc nhà nước phải giải quyết sự thiếu hụt về nguồn vốn để phát triển các dự án hạ tầng. Trên thế giới, không có nhiều ví dụ để nói là khối tư nhân làm rẻ hơn nhà nước bởi mục tiêu của các nhà đầu tư tư nhân là tối đa hóa lợi nhuận càng nhiều càng tốt”, ông Vinh cho biết.

Trên thực tế, do các dự án hạ tầng hàng không, đặc biệt là các công trình nhà ga hàng không có nhiều yếu tố khác biệt như công năng, độ tiện nghi phục vụ hành khách, yêu cầu về yếu tố thẩm mỹ trong kiến trúc nhà ga, thời điểm triển khai xây dựng… khiến việc so sánh suất đầu tư giữa dự án là rất khập khiễng nếu như không đưa về mặt bằng quy chiếu chung. Do vậy, một nhà ga hành khách có yêu cầu phải đẹp, độc đáo về kiến trúc, tuổi thọ khai thác đương nhiên là sẽ đắt hơn một nhà ga đặt yếu tố công năng là ưu tiên hàng đầu.

“Chính vì vậy, việc so sánh đơn giá cao, thấp của các hạng mục công trình với nhau phải được dựa trên tính chất, diện tích mỗi nhà ga và mức độ yêu cầu của mỗi dự án và phải có cơ sở các tiêu chí rõ ràng”, ông Vinh chia sẻ.

Về nguyên tắc, diện tích nhà ga được xác định trên cơ sở lượng hành khách tập trung giờ cao điểm nhân với tiêu chuẩn diện tích trên mỗi hành khách. Tại Việt Nam, các đơn vị tư vấn đã nghiên cứu và tham khảo nhiều tài liệu khác nhau, bao gồm cả tài liệu trong nước và nước ngoài. Theo TCVN 12575:2019, tiêu chuẩn diện tích cho hành khách quốc nội từ 14-16 m2/HK. Theo IATA (International Air Transport Association), thì định mức diện tích cho 1 hành khách giờ cao điểm của các nhà ga trên thế giới thường khoảng 12-30 m2 tuỳ theo mức độ phục vụ chọn. Giá trị trên được lấy không vượt quá 25m2/hành khách đối với Ga trong nước và không vượt quá 30m2/hành khách đối với Ga quốc tế.

Tính toán diện tích nhà ga theo tiêu chuẩn TCVN 12575:2019 là để xác định quy mô cơ bản làm cơ sở để lựa chọn quy mô hợp lý (tối thiểu) của nhà ga. Ngoài ra, nhà ga còn phải đáp ứng các yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, công năng, các khu dịch vụ thương mại để nâng cao hiệu quả đầu tư và công suất khai thác.

Trong khi đó, theo Quyết định 706/QĐ-BXD năm 2017 của Bộ Xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng công trình là mức chi phí cần thiết để đầu tư xây dựng công trình mới tính theo một đơn vị diện tích, công suất hoặc năng lực phục vụ theo thiết kế của công trình. Suất vốn đầu tư xây dựng công trình là một trong những cơ sở phục vụ cho việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư dự án, xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng ở giai đoạn chuẩn bị dự án và có thể được sử dụng trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thực tế của tài sản là sản phẩm xây dựng cơ bản khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa theo hướng dẫn của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Suất vốn đầu tư bao gồm các chi phí: xây dựng, thiết bị, quản lý dự án đầu tư xây dựng, tư vấn đầu tư xây dựng và các khoản chi phí khác. Đây là chi phí chung tại mọi dự án đầu tư kể cả dự án sử dụng vốn ngân sách hay vốn xã hội hóa. 

“Tại Việt Nam, kể cả các dự án nhà ga hàng không do tư nhân đầu tư, tổng mức đầu tư cũng đều được dựa trên các bộ tiêu chuẩn, định mức do Bộ Xây dựng lập hoặc được thẩm định, phê duyệt trên cơ sở bộ tiêu chuẩn, định mức này. Nguyên tắc và cơ sở xây dựng các suất đầu tư giữa các nhà ga, công trình hàng không là không có sự khác biệt giữa khối tư nhân và nhà nước, nhất là khi đây là một trong những cơ sở quan trọng nhất đ tính toán hoàn vốn cho các dự án theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT”, một chuyên gia thuộc Cục Quản lý xây dựng và chất lượng giao thông – Bộ Giao thông - Vận tải giải thích.

Trên thực tế, không khó để đưa ra các ví dụ về suất đầu tư tại các dự án nhà ga hàng không do tư nhân đầu tư tại Việt Nam là không rẻ như nhiều người vẫn hiểu.

Theo báo cáo thẩm định tổng dự toán của Bộ Xây dựng ngày 30/9/2019 và hồ sơ trình Cục Hàng không Việt Nam, Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có công suất thiết kế 2,5 triệu lượt khách/năm, được khai thác năm 2018, có suất đầu tư xây dựng và thiết bị là 72 triệu đồng/m2 sàn, tổng suất đầu tư là 83 triệu đồng/m2 sàn.

Trong khi đó, nhà ga được doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tham gia đầu tư là Nhà ga quốc tế Đà Nẵng do Công ty AHT làm chủ đầu tư có công suất thiết kế 4 triệu lượt khách/năm được xây dựng từ năm 2015, khai thác năm 2017, theo phê duyệt tổng dự toán điều chỉnh tháng 4/2018, nếu quy đổi đến thời điểm năm 2019 có suất đầu tư xây dựng và thiết bị  là 53 triệu đồng/m2 sàn, tổng suất đầu tư là 60 triệu đồng/m2 sàn.

Tiếp sau đó là Nhà ga quốc tế Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh do CRTC làm chủ đầu tư có công suất thiết kế 4 triệu lượt khách/năm được khai thác từ năm 2018, theo phê duyệt tổng dự toán điều chỉnh tháng 4/2019 cho giai đoạn 1A và tháng 8/2019 cho giai đoạn 1B, có suất đầu tư xây dựng và thiết bị là 58 triệu đồng/m2 sàn, tổng suất đầu tư là 68 triệu đồng/m2 sàn.

Trong khi đó, Nhà ga hành khách - Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, khai thác năm 2009, có công suất thiết kế 3 triệu lượt khách/năm, theo phê duyệt tổng dự toán điều chỉnh năm 2008 nếu quy đổi đến thời điểm năm 2019, có suất đầu tư xây dựng và thiết bị là 39 triệu đồng/m2 sàn, tổng suất đầu tư là 43 triệu đồng/m2 sàn.

Nhà ga hành khách T1 - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi do ACV làm chủ đầu tư đưa vào khai thác năm 2016, có công suất thiết kế 2 triệu lượt khách/năm, theo phê duyệt tổng dự toán tháng 01/2017, nếu quy đổi đến thời điểm năm 2019 thì có suất đầu tư xây dựng và thiết bị là 47 triệu đồng/m2 sàn, tổng suất đầu tư là 52 triệu đồng/m2 sàn.

Nhà ga hành khách - Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc do ACV làm chủ đầu tư đưa vào khai thác năm 2012, có công suất thiết kế 2,6 triệu lượt khách/năm, theo phê duyệt dự án điều chỉnh tháng 8/2012, nếu quy đổi đến thời điểm năm 2019 có suất đầu tư xây dựng và thiết bị là 54 triệu đồng/m2 sàn, tổng suất đầu tư là 58 triệu đồng/m2 sàn.

Thêm một ví dụ nữa về suất đầu tư đối với dự án mới được ACV báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2019 là Nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là dự án có công suất thiết kế 20 triệu khách/năm, tổng diện tích xây dựng là 110 nghìn m2, có suất đầu tư xây dựng và thiết bị là 49 triệu đồng/m2 sàn, tổng suất đầu tư là 54 triệu đồng/m2 sàn.

Nguyên tắc “một sân bay, một nhà khai thác”
Dù còn phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, nhưng Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang đứng trước cơ hội rất lớn để...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư