Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chuyển đổi số cho phép nông dân bán cả sự trải nghiệm
Tú Ân - 12/12/2021 11:20
 
Nông dân là trung tâm của chuyển đổi số trong nông nghiệp, quyết định thắng lợi công cuộc chuyển đổi số. Xây dựng được một thế hệ nông dân số sẽ giúp chấm dứt chuyện được mùa mất giá.
Tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Lợi ích thấy rõ

Thời điểm này, nhãn lồng Hưng Yên đang vào vụ với diện tích đạt khoảng 4.800 ha, sản lượng ước đạt 50.000-55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15 đến 20%. Nỗi lo dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ đã có hướng giải quyết khi hàng ngàn hộ dân được tập huấn, kết nối với sàn thương mại điện tử Postmart.vn để tiêu thụ.

Trước đó, trong vụ vải thiều ở Bắc Giang, Hải Dương, hơn 350.000 tấn vải đến kỳ thu hoạch rơi đúng đợt dịch bệnh lần thứ tư, việc tiêu thụ lượng vải này là nhiệm vụ cấp bách. Nhiệm vụ khó khăn đó đã được hoàn thành nhờ ứng dụng công nghệ số, từ cập nhật mọi thông tin về giống, quy trình chăm sóc, phân bón, thu hái, đóng gói, tem nhãn, đến việc hướng dẫn cách bán hàng trên môi trường điện tử...

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga (Hà Tĩnh) cho biết, hoạt động kinh doanh của HTX vẫn phát triển mạnh ngay trong thời gian dịch bệnh. Theo đó, bằng việc tham gia kết nối thương mại điện tử nông sản trên Cổng Blockchain chuyển đổi số HTX nông nghiệp, việc giao thương của HTX vẫn diễn ra thuận lợi thông qua hình thức bán hàng trực tuyến, qua đó tiêu thụ được hơn 7.000 lít mật ong, thu về khoảng 3 tỷ đồng.

Trong vụ quýt từ tháng 11 đến nay, bà Ma Thị Chú ở huyện Mường Khương (Lào Cai) đã xây dựng fanpage, trang Facebook cá nhân để bán quýt của gia đình. Hiện nay, fanpage chuyên bán hàng của bà có hơn 17.000 lượt người thích, hơn 32.000 lượt người theo dõi. Mỗi lần livestream bán quýt, bà đều “chốt đơn” và bán được 500 - 800 kg.

Tính đến tháng 11/2021, đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa đưa lên các sàn thương mại điện tử. Hàng ngàn giao dịch được thực hiện.

Nhờ áp dụng chuyển đổi số, những nông dân số sẽ không phải “trông trời, trông đất, trông mây” để sản xuất như truyền thống, mà có thể trông vào dữ liệu để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

“Chuyển đổi số cho phép nông dân bán cả sự trải nghiệm. Chẳng hạn trước kia bán nải chuối, bà con mang ra chợ bán trực tiếp cho người mua, nhưng áp dụng công nghệ số, vườn chuối được kết nối trên mạng thì người nông dân có thể bán cho người mua cả quy trình chăm sóc cây chuối đó ngay từ khi còn nhỏ, đến khi ra hoa, trổ buồng, để người mua có thể trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm”, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.

Xây dựng một thế hệ nông dân số

Chuyển đổi số cho 9,1 triệu hộ nông dân vốn thiếu kiến thức, nền tảng, thiết bị công nghệ, ngại thay đổi, thiếu vốn, là vấn đề không đơn giản.

Ông Đặng Duy Hiển, Phó chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ phó Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ đề xuất, việc chuyển đổi số tập trung vào 6 nội dung chính, gồm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Đặc biệt, xem xét thử nghiệm sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”, với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.

Còn theo ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cần xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và hướng dẫn người nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp để họ quyết định hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp. Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đã đề ra, mỗi nông dân sẽ là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số. Một thế hệ “nông dân thông minh” sẽ hình thành từ chính những thay đổi của hôm nay.

“Để chuyển đổi số thành công, phải bắt đầu từ người nông dân, chứ không chỉ là việc của Nhà nước hay doanh nghiệp. Phải xây dựng được một thế hệ nông dân số”, ông Đoàn nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam thì bày tỏ mong muốn có nhiều chính sách hấp dẫn hơn nữa để đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp. Ví dụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể kết hợp với các tập đoàn để cấp học bổng cho sinh viên ngành nông nghiệp, hấp dẫn những sinh viên có học vấn, năng lực tốt tham gia vào ngành.

“Nếu thực hiện được điều này, trong vòng 5-10 năm tới, chúng ta sẽ có được nhóm nhân lực chủ chốt để thích ứng hoặc sáng tạo ra công nghệ, bù đắp được khuyết thiếu trong quá trình đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam”, ông Tùng nhận định.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng, trong chuyển đổi số thì ứng dụng quan trọng hơn công nghệ. Người ứng dụng quan trọng hơn người làm ra công nghệ. Không có người đi tiên phong ứng dụng công nghệ thì không có công nghệ. Với công nghệ số thì càng ứng dụng nhiều, công nghệ sẽ càng thông minh, càng nhiều người dùng thì giá càng rẻ. Làm cho công nghệ số thông minh lên và giá rẻ đi là do nhiều người ứng dụng.

Với 60-70% dân số Việt Nam là nông dân, thì chính họ mới là người quyết định thắng lợi của công cuộc chuyển đổi số Việt Nam.
Chuyển đổi số nông nghiệp để bắt kịp xu thế thị trường
Chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ là giải pháp tình thế trong dịch bệnh, mà còn là cơ hội để đưa Việt Nam trở thành kho nông sản của thế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư