Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Chuyên gia gợi ý TP.HCM nên trở thành "hộp thử nghiệm chính sách"
Trọng Tín - 30/03/2023 16:53
 
Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14, một số chuyên gia gợi ý TP.HCM nên trở thành chiếc hộp thử nghiệm chính sách (sandbox).

Đóng góp ý kiến tại tọa đàm góp ý dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, diễn ra vào ngày 30/3, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, trong thời đại hiện nay, mọi quốc gia đều cần những sự thử nghiệm về cơ chế, chính sách.

Đề cập tới 2 cách mà Thành phố có thể tiếp cận đối với khái niệm hộp thử nghiệm cơ chế, chính sách, ông Dũng nói cách đầu tiên là coi toàn bộ Thành phố là một chiếc hộp thử nghiệm, đây là phương án khó bởi các lĩnh vực, không gian, thời gian sẽ rất rộng chứ không có giới hạn.

Cách tiếp cận thứ 2 là coi từng lĩnh vực cụ thể là một chiếc hộp thử nghiệm. Ông Dũng lấy ví dụ như việc hình thành TP. Thủ Đức là một chiếc hộp thử nghiệm chính sách đối với lĩnh vực chính quyền đô thị, việc hình thành Trung tâm tài chính là một hộp thử nghiệm trong lĩnh vực kinh tế.

“Tôi nghiêng về cách tiếp cận thứ hai hơn. Vì khi thử nghiệm một lúc rất nhiều thứ sẽ tương đối khó khăn về nguồn lực, thời gian, chính sách”, ông Dũng gợi ý.

a
Các chuyên gia kiến nghị dự thảo Nghị quyết mới cho Thành phố cần chú trọng đến việc trao quyền nhiều hơn. Ảnh: Trọng Tín

Đồng tình với việc áp dụng khái niệm hộp thử nghiệm chính sách đối với thành phố, ông Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM, gợi mở thêm, Thành phố đủ tiềm năng, nguồn lực để thực hiện các thử nghiệm về chính sách. Nhưng sự thử nghiệm này cần trao quyền nhiều hơn, giúp Thành phố tìm ra các nhân tố để phát triển tương xứng với vị thế và kỳ vọng.

“Tuy nhiên, Dự thảo trao quyền chưa đủ khi nhiều quy định còn ràng buộc các bước cuối phải thông qua Quốc hội, Thủ tướng”, ông nói và đề nghị dự thảo Nghị quyết mới cho Thành phố cần chú trọng đến việc trao quyền nhiều hơn. Khi đó, lãnh đạo thành phố sẽ có trách nhiệm hơn và các sở, ngành sẽ có thêm động lực để phụng sự người dân hơn.

Trong khi đó, đưa góc nhìn khác về khái niệm hộp thử nghiệm chính sách, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Đại học Fulbright, cho rằng, tất cả chính sách của Việt Nam đang được thí điểm đều có thể coi là sandbox.

Thay vào đó, vị chuyên gia này cho rằng, nếu muốn tạo đột phá, nghị quyết mới không nên giới hạn trong địa bàn TP. HCM, nhất là trong việc phát triển các dự án đầu tư công. Chẳng hạn, các dự án của thành phố mà đi qua các địa phương khác thì HĐND thành phố và các tỉnh được quyết định các vấn đề như bổ sung ngân sách, tăng chi phí đầu tư theo cơ chế vượt trội này.

“Được vậy, sự thay đổi của Thành phố sẽ có tác động lan toả cho cả vùng, giúp giải quyết nhiều dự án trong ba năm tới”, ông Thành nói và cho rằng một trong những cơ chế có thể áp dụng với các dự án liên vùng là cho phép đấu thầu, chọn nhà đầu tư để phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (mô hình TOD).

Mô hình TOD là một chính sách đặc biệt cho các dự án độc lập, giúp tạo quỹ đất, thu hồi giá trị từ quỹ đất đó để phục vụ nhu cầu giao thông công cộng. Tuy nhiên, trong bản dự thảo nghị quyết, Thành phố mới đề xuất áp dụng mô hình TOD đối với 3 dự án gồm tuyến Metro số 1, Metro số 2 và đường vành đai 3.

Do đó, theo ông Thành, mô hình TOD cần được áp dụng cho tất cả dự án metro và các dự án giao thông đô thị, dự án giao thông liên kết vùng được triển khai thời gian tới.

a
Trong bản dự thảo nghị quyết, Thành phố mới đề xuất áp dụng mô hình TOD đối với 3 dự án gồm tuyến Metro số 1, Metro số 2 và đường vành đai 3. Ảnh: Lê Toàn

Ngoài mô hình TOD, trong dự thảo lần này, Thành phố cũng đề xuất được áp dụng trở lại phương thức xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT). Đồng thời, xin cơ chế đầu tư các dự án trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa theo phương thức đối tác công tư (PPP); thực hiện BOT trên các tuyến đường hiện hữu.

Về vấn đề này, Giảng viên Trường Đại học Fulbright cho rằng, đề xuất về hợp đồng BT sẽ vướng nhiều tranh cãi. Bởi cơ chế này trước đây bị chỉ trích vì không minh bạch và thực chất là né quy định đầu tư công.

Do đó, để giải quyết mối quan ngại này, Thành phố cần làm rõ thực hiện BT sẽ không đổi đất lấy hạ tầng, mà thanh toán từ nguồn ngân sách với cơ chế minh bạch. Còn cơ chế xét duyệt tổng mức đầu tư, chọn nhà thầu vẫn tuân thủ đầu tư công.

Cần cơ chế đột phá, vượt trội thay vì đặc thù

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết Nghị quyết 54 đang tập trung khai thác các nguồn thu cho địa phương, phù hợp với điều kiện, nhu cầu của Thành phố thời điểm bản nghị quyết được ban hành. Nghị quyết mới sẽ không còn đặt nặng, đặt trọng tâm về vấn đề này mà để xuất thí điểm các cơ chế vượt trội, đột phá để huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng.

Người đứng đầu chính quyền Thành phố phân tích, nghị quyết mới hướng đến mục tiêu giúp địa phương gỡ những vấn đề chưa có trong quy định pháp luật, hoặc có quy định nhưng còn chồng chéo. Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ giúp thành phố khai phá các nguồn lực, huy động nguồn lực để thành phố thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

“Chúng tôi không gọi đây là cơ chế đặc thù nữa, mà là cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội phát triển Thành phố. Trong bản dự thảo, chúng tôi tập trung nhiều hơn để có các cơ chế, chính sách phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, tạo sự chủ động cho Thành phố giải quyết vấn đề nhanh hơn”, ông Mãi nhấn mạnh.
Để TP.HCM sánh vai với các thành phố lớn của châu Á: Cần “bệ đỡ” chính sách tầm chiến lược
Để tăng tốc phát triển trong giai đoạn tới, cần có nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư