Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cổ đông Thái cam kết đưa nhựa Bình Minh dẫn dắt thị trường Việt Nam
Hồng Phúc - 24/06/2020 08:00
 
“Chúng tôi cam kết giữ vững vai trò dẫn dắt thị trường Việt Nam, trở thành một trong số các doanh nghiệp tốt nhất trong ASEAN”, ông Sakchai Patiparnpreechavud, Chủ tịch Công ty cổ phần nhựa Bình Minh nói.

Tính đến cuối năm 2019, NawaPlastic Industries Co., Ltd sở hữu gần 54,4% vốn Công ty cổ phần nhựa Bình Minh (mã: BMP) trong khi Templeton Frontier Markets Fund nắm 6,25% và Kwe Beteiligungen AG là 5,03%.

Trước khi giữ chức Chủ tịch nhựa Bình Minh từ tháng 04/2018, ông Sakchai từng nắm vị trí giám đốc điều hành Công ty TNHH SCG Plastics, công ty TNHH SCG Chemicals và Phó Chủ tịch ngành Polyolefins & Vinyl SCG – Thái Lan. 

Doanh nhân sinh năm 1967 này cho biết, năm 2019, nhựa Bình Minh ghi nhận sản lượng tiêu thụ cao nhất trong lịch sử hình thành đến nay (105.000 tấn), vượt chỉ tiêu kế hoạch 6% và tăng 11% so với năm trước đó. 

Dù vậy, nhựa Bình Minh phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp cùng ngành hiện tại và mới nổi; tình trạng cung vượt quá cầu và thị trường thiếu ổn định do ảnh hưởng căng thẳng của nền kinh tế thế giới. 

“Tuy nhiên, nhựa Bình Minh vẫn đang đi đúng hướng trong việc giữ vững vị thế tại Việt Nam và mở rộng đến một số khu vực các nước Đông Nam Á với sự liên minh cùng Nawaplastic Industries Co., Ltd”, ông Sakchai nói.  

Nhựa Bình Minh là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm ống nhựa và phụ tùng ống nhựa, phục vụ cho ngành cấp thoát nước, bưu chính viễn thông, điện lực, xây dựng công nghiệp và dân dụng.

Theo SCG Research, doanh nghiệp này chiếm khoảng 43% thị phần ống nhựa và phụ tùng tại khu vực miền Nam, 5% thị phần ống nhựa và phụ tùng tại khu vực miền Bắc và 28% thị phần ống nhựa thị trường nội địa; với 4 nhà máy sản xuất tại TP. HCM, Bình Dương, Long An và Hưng Yên với công suất 150.000 tấn/năm. 

.
So sánh lợi nhuận của nhựa Bình Minh và nhựa thiếu niên Tiền Phong, nhựa Đồng Nai năm 2018-2019 (Nguồn: BMP).

Ban tổng giám đốc nhựa Bình Minh dự báo nhu cầu tiêu thụ trong thời tới có thể không tăng cao do các dự án địa ốc, xây dựng chưa phục hồi. 

Cùng với đó, nguồn cung cao gấp nhiều lần so với nhu cầu do các đối thủ đầu tư nhiều trong các năm qua và phải giảm giá bán hàng để “tồn tại”, đồng thời đang tập trung “lôi kéo” các nhà phân phối lớn của nhựa Bình Minh bằng những lợi ích lớn hơn. 

Tính đến cuối năm 2019, doanh nghiệp này có gần 1.900 cửa hàng nhưng hệ thống phân phối được đánh giá vẫn gặp tình trạng cạnh tranh khó khăn với bên ngoài về giá và chiết khấu. 

Sự trung thành và động lực có giảm sút do lợi ích không đạt kỳ vọng khi khoảng cách chiết khấu giữa nhựa Bình Minh và các đối thủ vẫn còn khá xa. 

Việc hạn chế bán trực tiếp cho khách hàng dự án (do phải chiết khấu cao, nợ lâu) ít tác động đến lợi nhuận nhưng sẽ làm giảm doanh thu và sản lượng tiêu thụ của thương hiệu nhựa có hơn 43 năm trên thị trường.

Năm 2018, tỷ lệ bán trực tiếp khoảng 7,3%/ doanh thu và đến năm 2019, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 2,5%. 

Ban tổng giám đốc nhựa Bình Minh lý giải, mục tiêu chính khi bán cho đối tượng khách hàng này là giữ khách hàng và hỗ trợ nhà phân phối để giữ thị phần chứ không vì lợi nhuận. 

Việc chuyển các khách hàng này sang cho hệ thống phân phối  cũng sẽ phải giữ mức chiết khấu tương đương như cũ thì nhà phân phối mới có cơ hội cạnh tranh với các đối thủ khi bán hàng vào dự án.  

Năm 2020 nếu không tăng hoặc duy trì mức chiết khấu cho đối tượng khách hàng này, ban lãnh đạo nhựa Bình Minh dự kiến doanh thu có thể giảm khoảng 200 tỷ đồng (khoảng 5.000 tấn), kéo theo giảm thị phần. 

Việc mất khách hàng dự án, ban đầu có thể chưa giảm lợi nhuận nhưng tiềm ẩn rủi ro lâu dài có thể sẽ làm giảm doanh thu, thị phần và sẽ có ảnh hưởng đến lợi nhuận. 

.
Kế hoạch kinh doanh 2020 của nhựa Bình Minh (Nguồn: BMP).

Ngoài ra, doanh nghiệp này phải đối mặt rủi ro về tỷ giá- một trong những ảnh hưởng lớn đến chi phí của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. 

Do nguyên liệu chiếm khoảng 60 – 70% tổng chi phí tại nhựa Bình Minh nên chỉ cần biến động tỷ giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu vào. 

Dù hiện nay, họ sử dụng chủ yếu nguyên liệu từ nguồn cung cấp trong nước nhưng vẫn chịu ảnh hưởng “bắc cầu” do giá nguyên liệu đầu vào của các nhà cung ứng vẫn phải nhập khẩu.

Nguyên liệu cho ngành nhựa chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài tới 80%, nguồn cung trong nước hạn chế. 

Công nghiệp hóa dầu của Việt Nam còn non trẻ, sản phẩm của ngành chưa đáp ứng được về cả chủng loại cũng như sản lượng, khả năng tự chủ được nguồn nguyên liệu của ngành nhựa trong nước sẽ chưa thể cải thiện trong tương lai gần mặc dù các dự án phát triển hóa dầu đã được triển khai.

Ban lãnh đạo nhựa Bình Minh kỳ vọng trong giai đoạn 2020-2024 sẽ đưa doanh nghiệp này dẫn đầu thị phần sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam (khoảng 30%) và tốp 3 công ty dẫn đầu về thị phần tại Đông Nam Á. 

Nhựa Bình Minh căng sức giữ thị phần
Tổng sản lượng cung gấp đôi nhu cầu toàn thị trường, các nhà máy liên tục được thành lập và mở rộng cùng chính sách chiết khấu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư