Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Có nên tiêm vắc-xin HPV cho trẻ em trai?
D.Ngân - 17/01/2024 11:24
 
Cứ 5 phụ nữ ở tuổi 50 thì có ít nhất 4 người nhiễm HPV tại một thời điểm trong cuộc đời. Một trong 3 nam giới trên 15 tuổi bị nhiễm ít nhất một loại HPV.

HPV lây nhiễm ở cả nam và nữ, khả năng gây bệnh tương đương đối với cả hai giới, do đó, tiêm vắc-xin HPV là biện pháp phòng bệnh chủ động cho cả nam và nữ.

Ảnh minh hoạ.

Human Papillomavirus (HPV) là virus lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. HPV có khoảng 200 chủng, trong đó 40 chủng gây bệnh ở cơ quan sinh dục.

HPV được phân loại thành nhóm nguy cơ thấp và nguy cơ cao. Nhóm HPV nguy cơ thấp thường gặp là HPV 6 và HPV 11 gây bệnh sùi mào gà, mụn cóc sinh dục.

Nhóm HPV nguy cơ cao thường gặp là HPV 16, 18, 31, 33, 45… gây ra các tổn thương nội biểu mô cổ tử cung và ung thư cổ tử cung, âm đạo, hậu môn, dương vật, hầu họng…

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho hay, HPV thường lây nhiễm khi tiếp xúc bộ phận sinh dục với nhau, quan hệ qua đường miệng và hậu môn; lây từ mẹ sang con khi sinh nở.

Bên cạnh đó, HPV có đường lây âm thầm khác qua tiếp xúc với đồ dùng cá nhân, sử dụng chung dụng cụ y tế phụ khoa và nam khoa dính mầm bệnh. Do đó, dù không quan hệ tình dục, mọi người vẫn có thể nhiễm HPV.

Xác suất nhiễm HPV trung bình trong suốt cuộc đời của nam giới lên đến 91%, trong khi tỷ lệ này ở nữ giới chỉ 85%. Ngoài ra, các nghiên cứu ước tính nam giới có khả năng lây nhiễm và tái nhiễm HPV cao hơn nữ giới. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đào thải HPV ở nam giới thấp hơn nữ giới 26%.

Mặt khác, nam giới hiện chưa có biện pháp tầm soát phát hiện nhiễm HPV và các bệnh lý ung thư liên quan đến HPV, dẫn đến dễ lây cho bạn tình, chẩn đoán trễ, tỷ lệ tử vong cao. Do đó, không chỉ nữ giới, nam giới, cộng đồng đặc biệt (người chuyển giới nữ, đồng tính) cũng cần tiêm vắc-xin HPV để phòng bệnh.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho hay, hiện nay, Việt Nam đang có hai loại vắc-xin ngừa HPV là Gardasil và Gardasil 9.

Trong đó, vắc-xin Gardasil 9 phòng được 9 chủng HPV (6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58) tiêm cho nữ giới, nam giới và cộng đồng những người có giới tính đặc biệt (LGBT) từ 9-26 tuổi, hiệu quả bảo vệ 94%.

Trẻ từ 9-14 tuổi tiêm Gardasil 9 chỉ cần phác đồ 2 mũi cách nhau 6 tháng còn sau độ tuổi này cần tiêm 3 mũi. Còn vắc-xin Gardasil phòng 4 chủng HPV (6, 11, 16, 18) tiêm cho nữ giới từ 9-26 tuổi, phác đồ tiêm 3 mũi trong 6 tháng.

Người trên 26 tuổi vẫn có thể tiêm vắc-xin HPV nhưng hiệu quả bảo vệ sẽ không tối ưu. Mọi người có thể đến trực tiếp các đơn vị tiêm chủng để được các bác sĩ tư vấn nếu có nhu cầu tiêm chủng.

Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, đối tượng sử dụng vắc-xin ngừa HPV nay đã được mở rộng cho cả nam và nữ giới trưởng thành, điều này giúp cơ hội phòng các bệnh ung thư nguy hiểm do HPV gây ra là bình đẳng như nhau. 

Với nam giới, ung thư dương vật cũng là căn bệnh khá phổ biến, trên thế giới ước tính có khoảng 36.000 người được chẩn đoán mắc bệnh này vào năm 2020. 

Ung thư dương vật có thể chữa khỏi nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến di căn, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ còn 9%.

Điều đáng nói là hiện nay, ở nam giới, chưa có biện pháp tầm soát, sàng lọc nào phát hiện được các bệnh ung thư do HPV gây ra, khi triệu chứng bệnh rõ ràng thì tình trạng sức khỏe đã trở nên nguy hiểm.

Theo thống kê, virus HPV lưu hành với tỷ lệ rất cao ở cả nam và nữ, trong đó nam giới có mức cao hơn với 91% so với nữ giới là 85% khiến cho nguy cơ mắc bệnh luôn hiện hữu.

Hiện chưa có loại thuốc điều trị đặc hiệu đối với virus HPV, và ngoài ung thư cổ tử cung thì 5 bệnh ung thư còn lại do HPV chưa có biện pháp sàng lọc. 

Do vậy, tiêm vắc-xin ngừa HPV là cách duy nhất để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Đồng thời, tiêm vắc-xin cũng là giải pháp nhằm tăng miễn dịch cộng đồng, làm giảm tỷ lệ virus HPV lưu hành trong dân chúng. 

Tình trạng chung hiện tại là miễn dịch cộng đồng HPV cho nam lại đang phụ thuộc vào việc bao phủ vắc-xin ở nữ, do tỷ lệ tiêm vắc-xin HPV ở nam giới còn rất thấp. 

Đặc biệt, nam giới có tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh thấp sau nhiễm HPV tự nhiên, tỷ lệ thải loại HPV thấp hơn 26% so với nữ. Không chỉ nữ giới mà nam giới cũng rất cần tiêm vắc-xin phòng các căn bệnh ung thư gây ra do virus HPV đang ngày càng tăng cao.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư