Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cổ phần hóa chậm vì các “ông chủ giả”
Khánh An - 09/12/2016 08:07
 
Trong số 718 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện có, dự kiến chỉ còn khoảng 200 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối trong giai đoạn 2016 - 2020. Áp lực cổ phần hóa đang rất nặng nề với nhiều DNNN.
TIN LIÊN QUAN

DNNN đòi… bình đẳng

doanh nghiệp đăng đàn báo cáo đầu tiên với Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016 - 2020, nhưng ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lại đề nghị được… bình đẳng.

“Mọi người cứ cảm nhận DNNN được ưu ái nhiều. Chúng tôi chỉ mong được bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác”, ông Chi kiến nghị trực tiếp với Thủ tướng.

.
.

Nội hàm của sự bình đẳng này cũng được Chủ tịch SCIC làm rõ ngay, đó là được kinh doanh những ngành nghề, lĩnh vực pháp luật không cấm, giống như các doanh nghiệp khác. Đây là cách mà ông Chi cho rằng, sẽ nâng cao sự chủ động, năng động, sáng tạo của DNNN. “Hiện tại, DNNN chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”, ông Chi giải thích.

Tất nhiên, ông Chi cũng nhắc tới những kiến nghị khác, nhưng đề xuất trên có vẻ… sai sai khi soi lại hai câu hỏi mà chỉ trước đó vài chục phút, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra để thảo luận. Hai câu hỏi đó là vì sao cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước chậm và những DNNN nào Nhà nước cần nắm giữ 100% hoặc nắm cổ phần chi phối.

Thực ra, ông Chi không phải là người đầu tiên đòi hỏi quyền bình đẳng này. Ngay tại Hội nghị, cũng đã câu hỏi tại sao Nhà nước không tiếp tục đầu tư doanh nghiệp để… bán. Nhiều năm trước, không chỉ đề nghị, các DNNN đã hành động. Hệ quả là các công ty nhà nước kinh doanh đa ngành nghề xuất hiện rầm rộ.

Năm 2001, DNNN đã có chân ở 60 ngành, lĩnh vực. Mất 15 năm với vô vàn giải pháp, đến giờ, năm 2016, số ngành nghề, lĩnh vực mà DNNN đang tham gia kinh doanh giảm còn 19 ngành. Mới nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng, chọn đẩy nhanh tốc độ sắp xếp, đổi mới DNNN là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017.

Nhưng với đòi hỏi bình đẳng ở góc độ trên vào thời điểm này, nguyên nhân chậm cổ phần hóa, thoái vốn không khó để chỉ ra.

Nỗi lòng “ông chủ giả”

Thực ra, đòi hỏi được bình đẳng của DNNN cũng có lý do. Ông Chi đã chia sẻ thẳng, thị trường biến đổi nhanh, nếu không nắm bắt kịp thời thì hoạt động khó hiệu quả, nhưng lãnh đạo DNNN thường khó ra quyết định vì các trình tự bắt buộc phải tuân thủ. Đó là chưa kể tới nguyên tắc bảo toàn vốn luôn treo trên đầu lãnh đạo các DNNN.

“Cũng như các doanh nghiệp khác, kinh doanh của DNNN cũng có rủi ro, có thể có hiệu quả hoặc chưa, do nhiều nguyên nhân. Nhưng hoạt động của DNNN thường bị xét riêng, nên lãnh đạo DNNN hay bị đánh giá là chưa hoàn thành nhiệm vụ… Cách đánh giá này cũng hạn chế khả năng mạnh dạn, quyết liệt của lãnh đạo DNNN”, ông Chi nói.

Lý do này cũng được dùng để giải thích cho khoảng cách lớn giữa hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, năng lực quản trị, điều hành và nguồn lực nắm giữ của khu vực DNNN.

Nhưng lại có câu hỏi là, tại sao cổ phần hóa vẫn chậm khi đây là chìa khóa để các DNNN tháo gỡ các rào cản trên. Thêm nữa, trong nguyên nhân chậm cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, nguyên nhân chủ quan do tâm lý e ngại bị ảnh hưởng đến vị trí lãnh đạo của cán bộ quản lý DNNN được Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đưa lên hàng đầu.

Ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã gọi thẳng tên, đó là vấn đề của các “ông chủ giả” - những người làm chủ doanh nghiệp bằng tiền của Nhà nước. Vì là “chủ giả”, nên tâm lý của lãnh đạo DNNN thường chỉ lo bảo toàn vốn, chứ không có yêu cầu về chỉ tiêu cổ tức, tốc độ tăng trưởng, tiền lương cho người lao động…

“So với các ông chủ thật, thì tiêu chí bảo toàn vốn nhẹ nhàng hơn nhiều. Lãnh đạo DNNN chỉ cần không lỗ, không “phá phách” thì vẫn tồn tại được, nên cũng không cần thiết phải đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa để trở thành người làm thuê, để chạy theo các chỉ tiêu 10 - 15% cổ tức mà cổ đông giao”, ông Nghị không ngần ngại đặt thẳng vấn đề sau các kinh nghiệm từ cổ phần hóa Vinatex. Để giải quyết, ông Nghị đề xuất, nên có đặc phái viên về cổ phần hóa nằm tại doanh nghiệp để xử lý các vướng mắc.

Nhà nước sẽ phải rút lui dần

Ngay tại hội nghị này, người đứng đầu Chính phủ đã phải lưu ý với lãnh đạo các bộ, ngành, các DNNN về khái niệm chính phủ kiến tạo.

“Chúng ta chấp nhận cái gì khu vực kinh tế tư nhân làm tốt, thị trường làm tốt thì Nhà nước sẽ rút dần ra. Còn lĩnh vực nào cần có vai trò của Nhà nước thì phải tính toán quản lý minh bạch, hiệu quả hơn”, ông nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao thẳng trách nhiệm cho những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và lãnh đạo các DNNN.

Một lần nữa, thông điệp doanh nghiệp nào không thực hiện lộ trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa thì người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm được nhắc lại.

“Chúng ta cứ ngại, chúng ta không làm, chúng ta cứ để mãi vậy thì không bao giờ cổ phần hóa, sắp xếp được DNNN. Chúng ta cần phải sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đúng lộ trình, đúng cách làm để thay đổi quản trị DNNN, để tạo môi trường công bằng, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân cùng phát triển mạnh mẽ”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư