Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cổ phần hóa đại gia ngành xây dựng: "Thay máu" mới tránh được làm hình thức
Hà Quang - 23/02/2017 08:18
 
Khi những doanh nghiệp lớn của ngành xây dựng là Sông Đà, HUD, IDICO, VICEM... không được “thay máu” kịp thời, thì việc cổ phần hóa doanh nghiệp ngành này sẽ chỉ mang tính hình thức.

Cổ phần hóa, nhưng không niêm yết

Trong buổi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra nhiều bất cập của việc cổ phần hóa doanh nghiệp ngành này.

Báo cáo Chính phủ tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ngành xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, năm 2016, Bộ đã cổ phần hóa thêm 5 tổng công ty là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng công ty Xây dựng dân dụng số 1 (CC1), Tổng công ty Vật liệu số 1 (FICO), Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) và Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA), nâng tổng số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là 12/16 đơn vị.

Tổng công ty Sông Đà là một trong 4 doanh nghiệp của ngành xây dựng chưa cổ phần hóa. Ảnh: Đức Thanh
Tổng công ty Sông Đà là một trong 4 doanh nghiệp của ngành xây dựng chưa cổ phần hóa. Ảnh: Đức Thanh

Trong năm 2016, các tổng công ty cũng đã tiến hành thoái vốn thành công 17 danh mục đầu tư ngoài ngành, giá trị thu về 1.351 tỷ đồng; chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 4 công ty mẹ gồm: VNCC, COMA, CC1 và FICO. Tổng số tiền thu được từ cổ phần hóa là 1.770,8 tỷ đồng, chuyển về Quỹ Hỗ trợ, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp 1.196 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong số 12 doanh nghiệp nhà nước ngành xây dựng đã hoàn thành việc cổ phần hóa (gồm Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng - DIC, Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, Tổng công ty Viglacera - CTCP, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng, Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam - VIWASEEN, Tổng công ty LICOGI, LILAMA, FICO, CC1, COMA và VNCC), mới chỉ có 3 doanh nghiệp là DIC, Viglacera và Sông Hồng tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán.

“Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cần báo cáo, giải trình thêm với Chính phủ và tiếp tục chỉ đạo việc niêm yết, thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp, tránh để xảy ra tình trạng trục lợi trong quá trình cổ phần hóa”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nói.

Khó xác định giá trị thương hiệu

Nhìn vào số lượng 12/16 doanh nghiệp nhà nước ngành xây dựng đã tiến hành cổ phần hóa, tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Bộ Xây dựng cơ bản là đúng tiến độ, kế hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho những doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa là Nhà nước vẫn nắm giữ phần lớn cổ phần, trong khi những doanh nghiệp đầu ngành, quản lý nhiều bất động sản thì vẫn tồn đọng, chưa cổ phần hóa.

Cụ thể, 2 trong số 4 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa là Tổng công ty HUD và Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) đang quản lý hơn 50 triệu m2 đất đai, nhà xưởng (HUD quản lý 31 triệu m2, VICEM quản lý hơn 21,5 triệu m2).

Bộ Xây dựng phải bán hết vốn nhà nước vào năm 2018

Trong buổi làm việc mới đây với Bộ trưởng Bộ Xây dựng về phương án sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu: Bộ Xây dựng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp đầy đủ và đúng theo chủ trương của Chính phủ (tại Quyết định số 58/QĐ - TTg ngày 28/12/2016 của Chính phủ), nhằm tối đa hóa lợi ích của Nhà nước.

Đối với 10 tổng công ty - công ty cổ phần, Bộ Xây dựng phải bán hết vốn nhà nước vào năm 2018; doanh nghiệp nào còn giữ 36% vốn thì phải báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ. Đối với nhóm 5 tổng công ty, chậm nhất năm 2019 phải thoái vốn dưới 51%.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước như hiện tại ở Tổng công ty LICOGI (40%) và chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) từ quý I/2017; nhóm 10 tổng công ty - công ty cổ phần sẽ thực hiện thoái vốn về mức 36% hoặc Nhà nước không nắm giữ, mà chuyển giao về SCIC hay cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong các năm 2018 - 2019.

Cũng theo người đứng đầu Bộ Xây dựng, nhóm 5 tổng công ty (LILAMA, VICEM, Sông Đà, VIGLACERA, HUD) do nắm giữ khối tài sản lớn hay đã và đang tham gia xây dựng các công trình trọng yếu quốc gia sẽ thoái bớt vốn để Nhà nước giữ chi phối 51% đến hết năm 2020, từ năm 2021 sẽ thoái tiếp theo quy định và chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Nguồn tin từ Bộ Xây dựng cho biết, vướng mắc lớn nhất trong việc chuyển đổi mô hình từ doanh nghiệp nhà nước ngành xây dựng sang mô hình công ty cổ phần nằm ở việc xác định giá trị tài sản có và khoản nợ của doanh nghiệp, khiến một số đợt IPO của doanh nghiệp ngành xây dựng không hấp dẫn nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp lớn không đảm bảo tiến độ cổ phần hóa theo yêu cầu của Chính phủ.

Bên cạnh đó, việc xác định giá trị thương hiệu doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Lấy ví dụ trường hợp của Tổng công ty Sông Đà là đơn vị đã thi công nhiều dự án thủy điện, trong đó có Dự án Thủy điện Lai Châu - công trình trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, trong tương lai, việc xây dựng thủy điện sẽ ít dần, mà Việt Nam sẽ phải xây dựng các nhà máy nhiệt điện, điện hạt nhân… Ở những lĩnh vực này, Sông Đà không có thế mạnh và sẽ phải cạnh tranh rất lớn mới có thể giành được các hợp đồng thầu phụ từ chủ đầu tư. Trong khi đó, Sông Đà đang “gánh” trên vai khoản nợ 10.190 tỷ đồng, gấp khoảng 3,8 lần vốn chủ sở hữu.

Công khai toàn bộ danh sách doanh nghiệp sắp cổ phần hóa
Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản và Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất nằm trong danh sách các doanh nghiệp nhà nước phải tiến hành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư