Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa: “Bốc hơi” ngàn tỷ như chơi!
Hữu Tuấn - 05/02/2017 08:32
 
“Cây đũa phù thủy” mang tên “phương pháp định giá tài sản” khiến Nhà nước mất đi số tiền khổng lồ khi tiến hành cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…

Chênh lệch lớn trong xác định giá trị tài sản

Báo cáo với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại một cuộc làm việc vừa qua, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, cập nhật kết quả kiểm toán đến thời điểm 12/1/2017 cho thấy, việc định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của nhiều đơn vị còn thiếu chính xác, chưa phù hợp với quy định hiện hành, làm giảm giá trị tài sản được định giá, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước.

Theo đó, năm 2016, KTNN đã tiến hành kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý vấn đề về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp của 7 đơn vị. Qua kiểm toán, KTNN đã xác định vốn nhà nước tăng thêm tại 6 doanh nghiệp theo phương pháp định giá tài sản là hơn 4.625 tỷ đồng. Cụ thể: Công ty Mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam 440 tỷ đồng, Công ty Mẹ - Tổng công ty Lương thực Miền Nam 393 tỷ đồng, Công ty Mẹ - Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp 1.333 tỷ đồng, Công ty Mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí 2.050 tỷ đồng, Công ty Truyền hình Cáp Saigontourit (SCTV) 140 tỷ đồng, Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) 267,7 tỷ đồng.

Theo KTNN, SCTV và VTVcab đủ điều kiện định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu, nhưng đơn vị tư vấn chỉ xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp định giá tài sản. KTNN đã sử dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu dựa trên tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong quá khứ, thì giá trị phần vốn nhà nước tăng so với kết quả định giá doanh nghiệp theo phương pháp định giá tài sản của SCTV là 12.030 tỷ đồng, của VTVCab là 3.873 tỷ đồng.

KTNN cũng sử dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu dựa trên kế hoạch chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế trong 4 năm tương lai của doanh nghiệp, thì chênh lệch tăng giá trị thực tế phần vốn nhà nước so với kết quả định giá doanh nghiệp theo phương pháp định giá tài sản của SCTV là 5.608 tỷ đồng. KTNN đã kiến nghị VTV xem xét lại việc lựa chọn phương pháp định giá tài sản với SCTV và VTVcab.

“KTNN nhận thấy, việc định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của các đơn vị còn thiếu chính xác, chưa phù hợp với quy định hiện hành và làm giảm giá trị tài sản được định giá, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước”, KTNN khẳng định và kiến nghị, Chính phủ và các bộ nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa nhiều quy định, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp và ngăn ngừa thất thoát nguồn lực của Nhà nước.

Không bán hay thoái vốn nhà nước bằng mọi giá

Tại cuộc làm việc nêu trên, Phó thủ tướng Vướng Đình Huệ đã đánh giá cao kết quả kiểm toán công tác tái cơ cấu và xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước của KTNN. Phó thủ tướng khẳng định, qua kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị để bịt nhiều lỗ hổng pháp luật, thu hồi vốn nhà nước và tăng hiệu lực, hiệu quả thực hiện các kết luận của KTNN.

Đồng tình với những kiến nghị của KTNN, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện sửa đổi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần để trình Chính phủ ngay đầu năm 2017 theo hướng quan tâm tới xác định giá trị của doanh nghiệp nhà nước về lợi thế thương hiệu, thương mại.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Kiểm toán Nhà nước đánh giá sâu sát hơn việc sắp xếp đất đai trước khi cổ phần hóa. Theo Phó thủ tướng, khi thực hiện cổ phần hóa, nhà đầu tư cam kết sử dụng đất đai theo quy hoạch, nhưng sau khi cổ phần hóa xong, thì lại có tình trạng chuyển đổi quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch ban đầu. Do đó, việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nhà nước gắn với các lợi ích về đất đai đang được các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn là tăng cường năng lực quản trị của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa.

Để nhìn nhận rõ hơn thực tế này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Chính phủ đang giao các bộ, ngành nghiên cứu có cho phép doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa được chuyển đổi quyền sử dụng đất hay không? Trường hợp nào được phép và cấp nào có thẩm quyền nào sẽ ra quyết định cho phép chuyển đổi?”.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thông báo về việc Chính phủ đã và sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn mới theo tinh thần không bán hay thoái vốn nhà nước bằng mọi giá. Việc giữ lại các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm 100% vốn phải bảo đảm các doanh nghiệp này phát triển thành các tập đoàn có thương hiệu mạnh và cạnh tranh hiệu quả.

Chậm cổ phần hoá do tắc ở khâu định giá
Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán từ thị trường cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn chậm cổ phần hóa theo kế hoạch do ách ở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư