Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Cổ phiếu dầu khí tiếp tục “đu” theo sức nóng của giá dầu
Thanh Thủy - 08/03/2021 17:49
 
GAS nỗ lực đóng góp kéo tăng nhưng vẫn không đủ để giành lại sắc xanh cho chỉ số chung. Cổ phiếu POW của PV Power – doanh nghiệp dầu khí đi làm điện tiếp tục giao dịch đột biến.

Thế trận giằng co: Cổ phiếu dầu khí, chứng khoán nổi sóng; ngân hàng dìm thị trường

VN-Index đã đóng cửa ở mức 1.168 điểm liên tục trong ba phiên gần đây. Mở cửa trở lại sau hai ngày cuối tuần, các cổ phiếu trên sàn HoSE giao dịch đầy hứng khởi trong phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa (ATO), tiến sát mốc 1.180 điểm. Tuy nhiên, thị trường giảm khá nhanh sau đó, có thời điểm xuống mốc 1.164 điểm trong buổi chiều, kéo biên độ giao dịch trong phiên lên tới 15 điểm.

Trái lại, HNX-Index tăng mạnh tới 1,39% lên hơn 263 điểm, tiếp tục thiết lập kỷ lục mới của chỉ số. Chỉ số này đã tăng gần 30% từ đầu năm đến nay. Tương tự, sàn UPCoM cũng đã có một phiên giao dịch tích cực, tăng gần 1,1%.

.
VN-Index giao dịch hứng khởi đầu phiên nhưng quay đầu giảm sau đó

Dòng tiền có sự phân hóa rõ ràng theo các nhóm ngành. Cổ phiếu dầu khí trở thành tâm điểm giao dịch trong phiên hôm nay cả về điểm số và khối lượng giao dịch.

Cổ phiếu GAS của ông lớn PV Gas tăng 2,7%, trở thành cổ phiếu đóng góp nhiều nhất kéo chỉ số tăng điểm. Nhưng ở chiều ngược lại, top 4 cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất đều giảm giá. Cổ phiếu VCB đã giảm phiên thứ 4 liên tiếp, xuống còn 95.200 đồng/cổ phiếu.

Không riêng hai ông lớn này, nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí đều đồng loạt theo xu hướng này. Chỉ 5/18 cổ phiếu của các nhà băng giữ được sắc xanh. Ba cổ phiếu giảm mạnh nhất đều là các ngân hàng quy mô lớn, gồm ACB (-2%), VCB (-1,24%) và VPB (-1,08%).

Trong khi đó, các cổ phiếu họ dầu khí “đu theo” diễn biến giá dầu lại giao dịch tích cực. Lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, giá dầu Brent Biển Bắc vượt mốc 70 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ chạm mức cao nhất trong hơn 2 năm, sau khi có tin tức về các cuộc tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia. Cổ phiếu PVC tăng kịch trần 9,62% lên 11.400 đồng/cổ phiếu. BSR, PVB, PVD và PVS tăng lần lượt 3,1; 2,4%; 1,78% và 1,2%.

Giá dầu Brent đã tăng hơn 25% chỉ từ đầu tháng 2/2021 đến nay. Cũng nhờ xu hướng này, nhiều cổ phiếu đã có mức tăng giá ấn tượng như cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn – chủ sở hữu nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tăng 68%.

Phiên giao dịch hôm nay cũng ghi nhận phiên tăng ấn tượng của nhóm cổ phiếu chứng khoán. 21/24 cổ phiếu chứng khoán trên sàn tăng giá, riêng BSI tăng kịch trần. Bài toán nghẽn lệnh trên sàn chứng khoán TP HCM đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn, không chỉ từ cơ quan quản lý mà còn từ các doanh nghiệp tư nhân. UBCKNN đang rốt ráo chuẩn bị cho cơ chế chuyển giao dịch cổ phiếu từ sàn HoSE sang HNX. Cùng đó, tại buổi Đối thoại 2045 vừa tổ chức cuối tuần trước, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet kiêm Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng HDBank, cho biết cần 2 tháng và chi phí khoảng 60 tỷ đồng để có thể giải quyết vấn đề. Tháo gỡ được cản trở này, thanh khoản thị trường có thể đạt được tầm cao mới, trực tiếp đóng góp vào hoạt động kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán.

Khối ngoại bán ròng 12 phiên liên tiếp

Đến phiên hôm nay, tình trạng nghẽn lệnh vẫn chưa được giải quyết, dù phải đến hơn 2h chiều thời gian hệ thống giao dịch mới bắt đầu khó nhận lệnh. Trên sàn HoSE, giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 14.416 tỷ đồng, tăng 3,9% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt mức 15.463 tỷ đồng. Trong hai tuần gần đây, thanh khoản trên sàn HNX quanh khoảng 2.000 tỷ đồng, cao hơn khá nhiều so với mặt bằng thời gian trước.

Khối ngoại vẫn chưa trở lại trạng thái mua ròng. Liên tục 12 phiên gần đây, giá trị bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài đều lớn hơn giá trị mua vào. Trong đó, sàn HoSE bị bán ròng 1.251 tỷ đồng còn sàn HNX bán ròng 9,56 tỷ đồng.

Các cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là POW (-212,8 tỷ đồng), VNM (-203,9 tỷ đồng) và HPG(-171,5 tỷ đồng).

Thông tin HĐQT PV Power thông qua phương án thoái toàn bộ vốn tại PV Machino đã kéo cổ phiếu của cả hai doanh nghiệp tăng mạnh.Khối ngoại tranh thủ chốt lời POW khi cổ phiếu này liên tục tăng giá với tổng giá trị bán ròng trong hai phiên gần đây là 509 tỷ đồng. Cổ phiếu POW giao dịch đột biến trong các phiên gần đây, xác lập kỷ lục thanh khoản trong phiên hôm qua với 44,4 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng và hôm nay (34,2 triệu cổ phiếu).

Thị trường chứng khoán: Nhà đầu tư "than trời" vì nghẽn lệnh
Dù không còn lạ lẫm với tình trạng đặt lệnh nhưng lệnh không vào, nhiều nhà đầu tư vẫn kêu than trên các diễn đàn, hội nhóm. Đã có tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư