Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Có tiềm năng, Việt Nam vẫn chưa có vắc xin Covid-19
- 10/10/2022 15:09
 
Nhiều vấn đề cần quan tâm qua thẩm tra việc thực hiện các biện pháp đặc cách, đặc thù, đặc biệt trong phòng chống dịch Covid-19.
.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh báo cáo thẩm tra.

Việt Nam vẫn chưa cấp phép đăng ký, sử dụng cho bất kỳ vắc xin Covid-19 nào sản xuất trong nước dù là quốc gia thứ 3 trên thế giới nuôi cấy và phân lập thành công virus và được đánh giá có tiềm năng trong nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng Covid-19.

Thực tế trên được Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu tại báo cáo thẩm tra việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 (Nghị quyết 30).

Sốt ruột với vắc xin

Cơ quan của Quốc hội đánh giá, Nghị quyết 30 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch.

Cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đã giúp tháo gỡ nhiều rào cản pháp lý, kịp thời huy động lực lượng lớn quân và dân, y tế tư nhân cùng y tế công lập tham gia phòng, chống dịch, bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc, vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế, thực hiện các biện pháp hỗ trợ an sinh, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Xã hội, nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ còn chưa cụ thể, thiên về định tính, chưa có số liệu, địa chỉ cụ thể.

Ví dụ như đánh giá: Việc mua vắc xin Covid-19, vật tư, sản phẩm trang thiết bị y tế… trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu. Các đánh giá tại phần thuận lợi, khó khăn chỉ nêu “một số nơi”, “một số thời điểm”, “một số đơn vị” hay phần đánh giá nguyên nhân chủ quan vẫn chỉ nêu “có lúc, có nơi”.

Cơ quan thẩm tra cũng nêu rõ, việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện một số cơ chế chính sách còn chậm, gây lúng túng và làm ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai ở địa phương và một số cơ sở, làm giảm tính cấp bách, hiệu quả của chính sách . Một số quy định về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có lúc, có nơi còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt, không phù hợp với thực tế ở địa bàn dân cư, gây ra nhiều ý kiến trái chiều, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Báo cáo thẩm tra cũng nêu một số vấn đề cần quan tâm trong thực hiện Nghị quyết 30.

Như, Việt Nam vẫn chưa cấp phép đăng ký, sử dụng cho bất kỳ vắc xin Covid-19 nào sản xuất trong nước dù là quốc gia thứ 3 trên thế giới nuôi cấy và phân lập thành công virus và được đánh giá có tiềm năng trong nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng Covid-19.

Cơ quan thẩm tra chú thích, hiện có 5 vắc xin đang được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, gồm: Vắc xin Nanocovax, Vắc xin COVIVAC, Vắc xin ARCT-154, Vắc xin COVID-19 HIPRA và Vắc xin S - 268019, trong đó có 3 vắc xin đã thử nghiệm giai đoạn 3.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra còn nhận xét, nội dung về việc mua sắm, quản lý, sử dụng Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19 trong báo cáo của Chính phủ còn chưa cụ thể, một số thông tin về số lượng vắc xin đã mua, số lượng vắc xin đã tiêm, số lượng vắc xin bị hủy bỏ chưa được làm rõ dẫn đến khó đánh giá toàn diện kết quả hoạt động của Quỹ này.

Lo thiếu thuốc trong năm 2023

Yêu cầu bảo đảm thuốc, vắc xin, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, theo cơ quan thẩm tra cũng còn hạn chế.

Đó là, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất y tế, kít xét nghiệm phục vụ công tác điều trị Covid-19 gặp nhiều khó khăn , chủ yếu sử dụng trang thiết bị y tế được tài trợ hoặc do Bộ Y tế cấp hoặc chỉ thực hiện mua sắm các trang thiết bị đã được đấu thầu từ trước; việc quản lý trang thiết bị y tế từ viện trợ còn một số bất cập, hạn chế nhất định. Việc  quản lý thuốc điều trị Covid-19 có lúc còn chưa chặt chẽ .

Đã xảy ra một số sai phạm nghiêm trọng trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, gây bức xúc trong dự luận, tác động tiêu cực nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nhấn mạnh.

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, việc mua sắm vắc xin, thuốc, trang thiết bị, hóa chất phục vụ phòng, chống dịch với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh là rất cần thiết, vì vậy, báo cáo của Chính phủ cần bổ sung nhu cầu thực tế và đã thực hiện mua sắm số lượng cao hơn nhu cầu thực tế là bao nhiêu theo từng giai đoạn để có cơ sở đánh giá khách quan. Ngoài ra, cần báo cáo cụ thể về giải pháp xử lý số lượng vắc xin, thuốc, trang thiết bị, hóa chất còn dư khi dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát .

Ủy ban Xã hội ghi nhận 2 kiến nghị của Chính phủ đối với Quốc hội về việc cho phép phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc và cho phép Chính phủ áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám, chữa bệnh, thuốc, vắn xin, trang thiết bị y tế.

Tuy nhiên, để có đủ cơ sở cho Quốc hội quyết định việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết và để thực hiện đạt hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực, đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá tổng quan, đánh giá tác động, từ đó đề ra phương hướng, danh mục cụ thể các nội dung cần làm cho thời gian tới phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Đặc biệt, theo một số thông tin, trong năm 2023 sẽ xuất hiện nguy cơ thiếu thuốc khi hơn 14.000 thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành, sẽ ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh nói chung, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của nguy cơ thiếu thuốc này và có Tờ trình chính thức để Quốc hội xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, một số ý kiến trong Ủy ban Xã hội cho rằng, các biện pháp nêu trên là đặc biệt, đặc thù chỉ áp dụng trong thời gian có dịch bệnh. Hiện nay tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát cả trên thế giới và nước ta cho nên cần áp dụng theo quy định trong trạng thái bình thường của pháp luật hiện hành.

Trường hợp các quy định của pháp luật hiện hành không còn phù hợp, không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thì Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo trình tự do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra kiến nghị Quốc hội quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc về thể chế liên quan tới đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, giá dịch vụ y tế và các nội dung khác thuộc lĩnh vực y tế.

Băn khoăn thanh tra, kiểm tra

Tại báo cáo, Ủy ban Xã hội chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ khi vừa phải tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19, vừa phải thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19. Một số vụ việc đã được phát hiện, khởi tố, mang tính răn đe, phòng ngừa lớn.
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, quá trình thanh tra, kiểm tra, quyết toán không xem xét các yếu tố cấp bách, tính nghiêm trọng của tình huống mà chỉ áp dụng các văn bản quy phạm pháp pháp luật hiện hành trong điều kiện bình thường để đối chiếu, xem xét xử lý, gây ra tâm lý hoang mang của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong lĩnh vực y tế và công tác thanh quyết toán của các cơ quan, ở cơ sở, tiềm ẩn tác động bất lợi khi phải quyết định các giải pháp ứng phó với tình huống khẩn cấp sau này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư