Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Còn nhiều dư địa để cắt giảm điều kiện kinh doanh
Thu Hà (VGPNews) - 23/07/2019 14:33
 
Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có đánh giá mức độ thay đổi của những cải cách về bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh và tác động thực chất đối với doanh nghiệp.
Vẫn còn có Bộ chưa đăng tải công khai các điều kiện kinh doanh sau khi cắt giảm. Ảnh minh họa
Vẫn còn có Bộ chưa đăng tải công khai các điều kiện kinh doanh sau khi cắt giảm. Ảnh minh họa

Trong báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết vì nhiều lý do khác nhau, Bộ không nhận được thông tin đầy đủ của các Bộ và phải chủ động tìm kiếm, rà soát các văn bản liên quan nhằm thực hiện việc đánh giá.

Qua nghiên cứu rà soát và làm việc trực tiếp với một số Bộ, ngành cho thấy có sự khác biệt về cách tính toán số lượng điều kiện kinh doanh. Một số ít Bộ có thể rà soát ở cấp độ điều kiện kinh doanh chung (trong đó có thể gồm nhiều điều kiện kinh doanh nhỏ), một số Bộ khác tính đến điều kiện kinh doanh con (ở cấp độ nhỏ hơn) trong khi có Bộ tính đến điều kiện kinh doanh cháu (ở cấp độ nhỏ hơn nữa). Vì thế, có sự không thống nhất giữa các Bộ, ngành trong tính toán số lượng điều kiện kinh doanh.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã thực hiện rà soát độc lập về điều kiện kinh doanh của các Bộ, ngành, theo đó, trung bình, tỷ lệ bãi bỏ, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh đạt 32%. Kết quả trung bình này không tính số liệu trong lĩnh vực ngân hàng do đây là ngành đặc thù, điều kiện kinh doanh khó cắt giảm theo mục tiêu 50% do yêu cầu đảm bảo an toàn tín dụng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong đó, 02 Bộ đạt vượt mức yêu cầu, gồm: Nông nghiệp phát triển nông thôn (73%); Y tế (55%). 02 Bộ về cơ bản đạt yêu cầu, gồm: Công Thương (47%); Xây dựng (44%). 03 Bộ có kết quả bãi bỏ, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh đạt từ 31-40%, gồm: Lao động - Thương binh và Xã hội (40%); Tài nguyên và Môi trường (38%); Giao thông vận tải (36%).

05 Bộ đạt kết quả từ 11-30%, gồm: Khoa học và Công nghệ (26%); Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Tài chính (cùng đạt 20%); Giáo dục và Đào tạo (18%); Thông tin và Truyền thông (14%).

Các lĩnh vực đạt kết quả dưới 10%, gồm Tư pháp (6%) và an ninh - quốc phòng (4%).

Đáng chú ý là phương pháp kiểm đếm của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tính tới “điều kiện kinh doanh con – cấp độ cành”, chứ chưa bao quát được đến hết tới “điều kiện kinh doanh cháu, chắt… - cấp độ lá”. Vì vậy, kết quả đánh giá độc lập của Viện có thể có sự khác biệt so với kết quả báo cáo của các Bộ.

Tuy nhiên, kết quả nêu trên cũng cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để các Bộ, ngành tiếp tục cải cách và cần nỗ lực cải cách thực chất hơn nữa về điều kiện kinh doanh. Trong thời gian tới, từng Bộ, ngành cần nghiên cứu, rà soát, phân tích chi tiết các nội dung quy định hiện hành về điều kiện kinh doanh; từ đó nhận diện các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, không đạt hiệu quả quản lý để tiếp tục kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi.

Còn theo báo cáo của Bộ Tư pháp, quá trình nghiên cứu xây dựng Luật sửa đổi các Luật chuyên ngành để thực hiện phương án cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt còn gặp những khó khăn, vướng mắc như: việc sửa đổi các Luật này sẽ không chỉ đơn giản là việc cắt cơ học các điều kiện kinh doanh mà sẽ tác động đến các nội dung của các điều luật chuyên ngành khác. Ngoài ra, việc có nhiều văn bản luật sửa nhiều luật sẽ phá vỡ tính hệ thống, đồng bộ của hệ thống pháp luật…

Mặt khác, Nghị quyết số 02 yêu cầu các Bộ “tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi”, nhưng theo thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được mới chỉ có 02 Bộ (gồm Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có kế hoạch thực hiện yêu cầu này.

Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018. Tuy vậy, vẫn còn có Bộ chưa đăng tải công khai các điều kiện kinh doanh sau khi cắt giảm. Bên cạnh đó, hầu hết các Bộ chưa có hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương hoặc đơn vị thực thi và doanh nghiệp về những cải cách cắt giảm điểu kiện kinh doanh; cũng như chưa giám sát quá trình thực thi những cải cách này.

Qua hoạt động khảo sát thực tế, hầu hết các Sở, ngành ở địa phương đều lúng túng, không biết thông tin khi được hỏi về những cảỉ cách điều kiện kinh doanh. Kết quả khảo sát PCI 2018 của VCCI cho thấy điều kiện kinh doanh vẫn còn là trở ngại lớn của doanh nghiệp.

“Điều đó cho thấy, kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh dường như chưa được hiện thực hoá ở cấp độ thực thi. Do đó, các Bộ, ngành cần ưu tiên thực hiện ngay các hoạt động hướng dẫn, theo dõi, giám sát việc thực thi để đảm bảo các cải cách về điều kiện kinh doanh được thực hiện đầy đủ, doanh nghiệp ghi nhận sự thay đổi tích cực’, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Tác động thực của cắt giảm điều kiện kinh doanh?
Nghị quyết 19 Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư