Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Còn nhiều hạn chế trong kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc
Hoài Sương - 10/01/2024 08:48
 
Việc liên thông dữ liệu tại các cơ sở kinh doanh dược trên Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia còn mang tính hình thức. Người hành nghề không chủ động hoặc thực hiện mang tính đối phó khi đến thời điểm tiến hành tái đánh giá GPs.

100% cơ sở được cấp tài khoản kết nối cung ứng thuốc

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản báo cáo tình hình, kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, kết nối cung ứng thuốc thông qua hoạt động kết nối phần mềm dữ liệu Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia.

TP.HCM là trung tâm kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, y tế trọng điểm của cả nước, nơi tập trung nhiều các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, là đầu mối phân phối thuốc cho các khu vực trên cả nước. Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 48 cơ sở sản xuất thuốc, hơn 1.400 cơ sở bán buôn thuốc và hơn 8.000 cơ sở bán lẻ thuốc.

100% cơ sở được cấp tài khoản kết nối cung ứng thuốc.

Theo đó, thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay TP.HCM có 8.279 nhà thuốc và 1.483 cơ sở bán buôn thuốc đã được cấp tài khoản kết nối cơ sở cung ứng thuốc. Ngoài ra, có 5.967 nhà thuốc (chiếm tỷ lệ 72,07% trong tổng 8.279 nhà thuốc), 1.245 cơ sở bán buôn thuốc (chiếm 83,95% trong tổng 1.483 cơ sở bán buôn thuốc) đã được cập nhật thông tin vào hệ thống của các cơ sở đã được cấp tài khoản kết nối liên thông.

Qua công tác thanh kiểm tra định kỳ của Phòng Y tế và Sở Y tế về việc kết nối dữ liệu của các nhà thuốc từ năm 2019 đến nay, các nhà thuốc trên địa bàn đã trang bị đầy đủ máy tính, mua bản quyền phần mềm của các đơn vị cung cấp các giải pháp phần mềm.

Đồng thời, Sở Y tế đã nhắc nhở các cơ sở kinh doanh dược thực hiện liên thông dữ liệu Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia; tiến hành xử phạt các cơ sở không thực hiện liên thông dữ liệu, không chấp hành nghiêm quy định hành nghề dược, không thực hiện kê đơn, mua bán thuốc theo đơn; đưa vào thang điểm chấm điểm, xếp loại Phòng Y tế cuối năm…

Việc quy định nội dung kết nối phần mềm dữ liệu Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia là tiêu chí đánh giá đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (GPP) nên 100% các cơ sở bán lẻ thuốc đã trang bị thiết bị và phần mềm kết nối dữ liệu Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia. Tuy nhiên, người dân vẫn còn thói quen tự ý mua thuốc, ngại đi khám bệnh vì sợ tăng chi phí, mất thời gian nên việc bán thuốc kê đơn không theo đơn thuốc đúng quy định còn xảy ra tại các cơ sở bán lẻ thuốc.

Còn nhiều hạn chế khi triển khai

Theo Sở Y tế TP.HCM, việc tra cứu thông tin cơ sở đã được cấp tài khoản chỉ có thể tìm kiếm theo tên cơ sở, không tìm được theo tên dược sĩ hay số giấy phép đăng ký hộ kinh doanh, nếu cơ sở có thay đổi thông tin nhưng vẫn đề nghị cấp tài khoản mới có thể sẽ bị trùng tài khoản.

Đồng thời, khi Sở Y tế cấp tài khoản cho cơ sở kinh doanh dược (cơ sở mới) trước khi cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh được. Sau khi được cấp giấy chứng nhận, cán bộ phụ trách cấp tài khoản phải cập nhật thông tin lên Hệ thống cơ sở dữ liệu Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia nên tốn nhiều thời gian cho công việc này.

Việc liên thông dữ liệu tại các cơ sở kinh doanh dược còn mang tính hình thức, gây khó khăn khi kiểm tra.

Ngoài ra, cơ sở đã thực hiện liên thông dữ liệu nhưng khi kiểm tra trên Hệ thống cơ sở dữ liệu Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia thì không hiển thị thông tin hoặc có hiển thị nhưng không đầy đủ, hoặc hiển thị trùng lặp.

Không những thế, việc tạo tài khoản các cơ sở trên Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia thường xuyên xảy ra lỗi như: Tài khoản mới tạo lấy mã đăng nhập của tài khoản cơ sở tương tự đã có, do đó cơ sở cũ mất thông tin đăng nhập; cùng thời điểm cấp tải khoản cho một cơ sở nhưng lỗi hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia cấp hai tài khoản.

Đến nay, hệ thống vẫn thường xuyên bảo trì, thời gian kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, ảnh hưởng đến việc truy cập của các cơ sở kinh doanh dược và việc thực hiện các nghiệp vụ quản lý theo phân quyền được giao cho Sở Y tế.

Không những thế, dữ liệu danh mục thuốc quốc gia không cập nhật đầy đủ thông tin về số đăng ký dẫn tới khó khăn cho việc cập nhật đúng hàng hóa của các cơ sở cung ứng thuốc, đồng thời khó khăn cho Sở Y tế trong việc theo dõi việc cập nhật dữ liệu của cơ sở cung ứng thuốc.

Đặc biệt, nhiều lỗi kỹ thuật như hiển thị dữ liệu không đồng bộ, một số chức năng trên Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia thống kê chưa phù hợp với thực tế… gây khó khăn cho công tác quản lý chung.

Theo Sở Y tế TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến các tồn tại này là do địa bàn quản lý có số cơ sở kinh doanh dược nhiều, tình hình nhân sự - chuyên viên phụ trách công tác quản lý cấp tài khoản kết nối kiêm nhiệm còn thiếu… dẫn đến việc cấp và cập nhật thông tin tài khoản chưa được nhanh chóng.

Ngoài ra, việc liên thông dữ liệu tại các cơ sở kinh doanh dược còn mang tính hình thức. Người hành nghề không chủ động hoặc chỉ thực hiện mang tính đối phó khi đến thời điểm tiến hành tái đánh giá GPs.  

TP.HCM: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân
Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp, sốt xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư