Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Cơn sốt sầu riêng ở Trung Quốc đẩy nhu cầu thế giới tăng 400%
Nhung Bùi - 16/09/2023 13:04
 
Trung Quốc cũng là quốc gia nhập khẩu sầu riêng nhiều nhất thế giới, chiếm tới 91% tổng nhu cầu của toàn cầu.

Nhiều người thực sự yêu thích hương vị ngọt, béo của trái sầu riêng, trong khi với số khác, sầu riêng được coi là loại trái cây “có mùi kinh khủng”. Nhưng dù thích hay không, sầu riêng đang tạo nên cơn sốt ở Trung Quốc.

Theo một báo cáo của HSBC, nhu cầu toàn cầu về sầu riêng trong năm nay đã tăng tới 400% so với cùng kỳ năm trước, mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ Trung Quốc

Báo cáo HSBC cho thấy trong hai năm qua, Trung Quốc đã nhập khẩu sầu riêng với tổng trị giá 6 tỷ USD, chiếm 91% nhu cầu toàn cầu. Còn theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, chỉ riêng trong năm ngoái, quốc gia này đã nhập khẩu sầu riêng tươi với giá trị 4 tỷ USD, nhiều gấp bốn lần con số của năm 2017.

“Làn sóng sầu riêng” bùng nổ ở Trung Quốc chủ yếu diễn ra vào nửa sau 2022, khi người tiêu dùng không chỉ xem sầu riêng là một loại trái cây thông thường mà còn là một món quà thể hiện sự giàu có của người tặng.

Hiện tại, ở Trung Quốc, việc tặng sầu riêng đang ngày càng trở nên phổ biến. Sầu riêng là món quà được người tiêu dùng Trung Quốc dành tặng nhau trong các buổi lễ đính hôn, làm quà cưới cho cô dâu, chú rể hoặc con cái tặng cho mẹ chồng, mẹ vợ.

Các nước xuất khẩu sầu riêng chủ chốt

Theo CNBC, “trái cây vua” được bán ở Trung Quốc với giá hơn 10 USD/kg, cao hơn so với mức trung bình khoảng 6 USD/kg ở các nước Đông Nam Á.

Các nhà cung cấp chính có thể đáp ứng cơn sốt sầu riêng của Trung Quốc đến từ ASEAN, khu vực chiếm 90% tổng lượng xuất khẩu sầu riêng của thế giới vào năm 2022. Trong đó, chỉ riêng Thái Lan đã chiếm khoảng 90% tổng lượng sầu riêng xuất khẩu của toàn khối ASEAn vào thị trường tỷ dân.

“Biết đâu một ngày nào đó, việc tặng sầu riêng cho mẹ chồng tương lai sẽ trở thành một truyền thống trên thế giới. Chỉ thời gian mới trả lời được”, nhà kinh tế Aris Dacanay của HSBC chia sẻ.

Nhà kinh tế này cũng cho biết, nhu cầu sầu riêng tăng cao ở Trung Quốc sẽ mang lại cơ hội cho nhiều quốc gia Đông Nam Á, không chỉ riêng Thái Lan.

“Thị trường ở Trung Quốc rộng lớn đến mức luôn tồn tại rất nhiều cơ hội cho các quốc gia ASEAN khác nhảy vào tham chiến, trong một kiểu ‘cơn sốt’ như hiện tại”.

Báo cáo của HSBC khẳng định thỏa thuận thương mại tự do đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm khối ASEAN cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, sẽ cho phép các bên tham gia tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách tự do và bình đẳng hơn.

 “Cơ hội đang mở ra. Thị trường sầu riêng sẽ ngày càng lớn hơn khi các nền kinh tế khác trong ASEAN cạnh tranh vị trí thống trị của Thái Lan", Dacanay cho biết.

Năm ngoái, Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, đưa Việt Nam đã trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ hai sau Thái Lan được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng tươi sang Trung Quốc tại thời điểm đó.

Đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp Philippines và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc; giúp trái sầu riêng tươi của Phillippines chính thức tiếp cận thị trường Trung Quốc vào tháng 4 vừa qua.

Malaysia hiện mới chỉ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc và cũng đang tìm cách để đưa quả sầu riêng tươi vào thị trường này.

Trong khi đó, ở một diễn biến khác, Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm trồng sầu riêng tại đảo Hải Nam và năm nay là mùa thu hoạch đầu tiên. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến hương vị và chất lượng của loại trái cây vua do Trung Quốc tự chăm sóc, thu hoạch.

Nghịch lý sầu riêng: Giá càng cao, doanh nghiệp càng lỗ
Giá sầu riêng lên cao đẩy nhiều doanh nghiệp trong ngành vào thế khó: Không bán không giữ được uy tín, nhưng bán thì phải chịu lỗ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư