Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Công nghiệp đồ gỗ: Vật lộn tự cứu mình
Anh Hoa - Thanh Tân - 12/04/2013 07:06
 
Tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp là các giải pháp chính đang được nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ tập trung, để tự cứu mình.
TIN LIÊN QUAN

Tiếp cận vốn đang là khó khăn lớn với hầu hết doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đồ gồ

(baodautu.vn) Vùng vẫy vượt cạn

Sai lầm trong quyết định dự trữ nguyên liệu từ cuối năm 2007 đang đẩy Công ty cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) vào tình trạng khó khăn, do lượng hàng nguyên liệu tồn kho lớn (trước năm 2008, giá nguyên liệu tăng trung bình 18%/năm, trong khi lãi suất ở mức dưới 12%/năm, nên TTF đã đưa ra quyết định dự trữ nguyên liệu sau khi tăng vốn điều lệ vào cuối năm 2007).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo TTF cho biết, thực ra, nguyên liệu chậm luân chuyển cần thanh lý chỉ xấp xỉ 400 tỷ đồng, còn lại là nguyên liệu mới đang được dự trữ cho các đơn hàng hiện tại. Do đặc tính ngành hàng, nguyên liệu cần phải được dự trữ, phục vụ công tác chế biến ban đầu (cưa xẻ - sấy) trong vòng 2 - 4 tháng. Vì vậy, để thực hiện những đơn hàng lớn, phải có lượng hàng dự trữ lớn.

Đại diện lãnh đạo TTF cho biết, trong năm 2012, Công ty đã thanh lý được gần 40 tỷ đồng nguyên liệu chậm luân chuyển cần thanh lý. Kế hoạch năm nay tối thiểu phải thanh lý được 100 tỷ đồng.

Việc thanh lý nguyên liệu nhập khẩu sẽ khiến TTF bị lỗ 20 - 30% so với giá nhập khẩu (tùy chất lượng và phân loại gỗ). Tuy nhiên, TTF vẫn phải thực hiện, để thu hồi vốn trong bối cảnh tài chính khó khăn. Mặc dù chưa có kết quả kinh doanh quý I, nhưng ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc TTF khẳng định, quý I/2013, Công ty không có sự tăng trưởng.

Sở dĩ có kết quả không khả quan này, theo ông Thành, là do TTF tập trung tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp. Công ty đã cơ bản tái cấu trúc thành công, nên trong quý II sẽ không phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh và hy vọng kết quả kinh doanh sẽ được cải thiện.

Được biết, lũy kế cả năm 2012, lợi nhuận trước thuế của TTF đạt 15,2 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2011 và chỉ hoàn thành 20% kế hoạch. Tuy nhiên, ông Thành dự kiến, kế hoạch lợi nhuận năm nay của TTF có thể gấp đôi năm 2012, đó là chưa tính đến nguồn thu từ khai thác rừng (khoảng 40 tỷ đồng).

Cũng là doanh nghiệp lớn trong ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ, Công ty Gỗ Đức Thành đã có một quý kinh doanh khá êm xuôi. Tổng doanh thu quý I/2013 của Đức Thành đạt 42 tỷ đồng, đạt 16% kế hoạch năm. Hiện tổng giá trị đơn hàng mà Công ty đã nhận được là 3,8 triệu USD, đạt 40% so với kế hoạch đề ra năm 2013. “Chúng tôi không phải điều chỉnh kế hoạch trong quý II và không ảnh hưởng đến kế hoạch cả năm”, ông Lê Hồng Thắng, Tổng giám đốc Công ty Gỗ Đức Thành cho biết.

Không gặp khó khăn về vốn, nhưng các loại chi phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, tăng lương cơ bản… mà Đức Thành phải gánh ở mức rất cao. “Chúng tôi đồng ý với việc tăng lương cơ bản của Nhà nước, nhưng đề nghị giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp”, ông Thắng kiến nghị.

Gỡ nút thắt vay vốn ngân hàng

Không được suôn sẻ như các doanh nghiệp quy mô lớn, thiếu vốn đang là khó khăn lớn đối với nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô nhỏ và vừa. Đại diện Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương cho biết, lãi suất vay vốn vẫn ở mức cao đang làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Thống kê cho thấy, quý I/2013, chỉ số tồn kho ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2012 (đứng thứ hai sau ngành sản xuất xe có động cơ - 37,3%). Nguyên nhân, theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) là do doanh nghiệp chế biến gỗ gặp khó chồng khó.

Thứ nhất, điều kiện vay vốn ngân hàng khó hơn trước đây, khiến dòng tiền chảy vào doanh nghiệp chế biến gỗ thấp. Thứ hai, giá đơn hàng giảm, do tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu giảm (ngoại trừ thị trường Mỹ). Thứ ba, giá nguyên liệu đầu vào tăng. Thứ tư, các gói hỗ trợ của Chính phủ vẫn chưa tới được doanh nghiệp ngành gỗ.

Ông Lê Hồng Thắng cho rằng: “Không có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như năm 2012, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc lập kế hoạch dài hạn cho chiến lược kinh doanh”.

Theo Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, mặc dù trần lãi suất cho vay đã được điều chỉnh xuống 15%/năm, nhưng chỉ có 0,6% doanh nghiệp cho rằng, mức lãi vay này là tương đối phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Và nếu phải chấp nhận mức lãi suất 15%/năm, thì chỉ có 44,1% doanh nghiệp có khả năng chịu được trong thời gian dài.

“Rõ ràng, điều quan trọng nhất hiện nay đối với doanh nghiệp chế biến gỗ là tiếp cận vốn ngân hàng. Vì vậy, điều kiện cho vay cần phải nới lỏng hơn nữa”, ông Trần Quốc Mạnh đề xuất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư