Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Cuộc chiến giá dầu Saudi Arabia - Nga: "Kẻ khóc, người cười"
Lê Quân - 30/03/2020 08:23
 
Ba tuần sau khi cuộc chiến giá dầu Saudi Arabia - Nga được “kích nổ”, giá dầu thế giới rớt thẳng đứng 45% còn các quan chức Nga mới đây có động thái khó hiểu với giới phân tích khi nóng lòng tiến hành thỏa thuận OPEC+ để cân bằng thị trường dầu mỏ.
Nếu giá dầu tiếp tục đi xuống, lịch sử sẽ lặp lại và nhiều doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến quy mô nhỏ và độc lập của Mỹ sẽ phải nộp đơn phá sản vì không thể gánh các khoản vay từ ngân hàng. Ảnh: AFP
Nếu giá dầu tiếp tục đi xuống, nhiều doanh nghiệp khai thác dầu quy mô nhỏ và độc lập ở Mỹ sẽ phải nộp đơn phá sản vì không đủ sức "gánh" các khoản vay ngân hàng. Ảnh: AFP

Saudi Arabia kiên quyết không thỏa thuận

Đầu tháng này, thỏa thuận hợp tác cung ứng dầu mỏ 3 năm giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất khác, gồm có Nga đã đổ bể sau khi Nga từ chối đề xuất tiếp tục cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia, khiến quốc gia Trung Đông này có màn đáp trả gay gắt bằng tuyên bố tăng sản lượng lên mức kỷ lục và khiến thế giới “ngập” dầu giá rẻ.

Nguồn cung dầu mỏ tăng cao trong khi nhu cầu sử dụng “đóng băng” do chính phủ nước “khóa chặt” các hoạt động kinh tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Tình thế này là đòn kép khiến các nhà sản xuất dầu mỏ lao đao do giá dầu thô Brent loại LCOc1 chạm đáy 17 năm qua khi xuống dưới mức 25 USD/thùng.

Phía Nga mới đây hé lộ ý tưởng thiết lập thỏa thuận hợp tác giữa các thành viên OPEC và Nga mà không liên quan trực tiếp đến Mỹ - quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới nhưng chưa bao giờ cắt giảm sản lượng.

“Hành động liên kết các quốc gia là cần thiết để khôi phục nền kinh tế (toàn cầu)... Hành động này cũng có thể thực hiện theo khung thỏa thuận OPEC+”, Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư quốc gia Nga cho biết.

Ông Dmitriev và Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak từng là các nhà đàm phán hàng đầu của Nga tham gia thỏa thuận hợp tác cung ứng dầu mỏ giữa OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ khác - thỏa thuận này sẽ chính thức hết hạn vào ngày 31/3. Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư quốc gia Nga từ chối tiết lộ các quốc gia nào có thể tham gia thỏa thuận mới (OPEC+).

Nhiều quan chức và lãnh đạo các công ty dầu mỏ ở Nga trở nên “xa cách” trước yêu cầu cắt giảm sản lượng theo đề xuất hợp tác của ông Dmitriev và Bộ trưởng Novak. Igor Sechin, người đứng đầu tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Rosneft của Nga chỉ trích việc cắt giảm sản lượng sẽ tạo “đường máu” cho ngành công nghiệp dầu đá phiến vốn kém cạnh tranh của Mỹ.

Sau thông tin đề xuất phía Nga, một quan chức Bộ Năng lượng Saudi Arabia khẳng định sẽ không có bất kỳ hoạt động trao đổi nào giữa bộ trưởng năng lượng của Saudi Arabia và Nga về việc tăng số lượng thành viên OPEC + cũng như bất kỳ thỏa thuận nào về hiệp ước chung để cân bằng thị trường dầu mỏ.

Nạn nhân cuộc chiến

Bình luận trên trang tin của Đại học Yale (Mỹ), Dilip Hiro, tác giả của cuốn “Mạch máu của Trái đất: Cuộc chiến vì tài nguyên dầu đang cạn kiệt” cho rằng, việc Saudi Arabia và Nga cởi bỏ ngưỡng sản lượng dầu mỏ sẽ báo hại ngành công nghiệp dầu đá phiến vốn ngập trong nợ nần của Mỹ.

Kể từ năm 2016, với tư cách là lãnh đạo không chính thức của nhóm 13 nhà sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC, Nga đã có vai trò quan trọng trong việc quyết định giá dầu cũng giống như Saudi Arabia - nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu của OPEC.

Nhưng nay, cả hai bất hòa trong cách đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do nhu cầu dầu mỏ lao dốc và đại dịch Covid-19.

Saudi Arabia “đòi” cắt giảm tổng sản lượng giữa OPEC và nhóm các nhà sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC theo tỷ lệ 2: 1. Tuy nhiên, Nga thấy không cần thiết vì cho rằng các đợt cắt giảm sản lượng trước đó đã tạo cơ hội cho ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ lấp đầy khoảng trống thị trường.

Ông Hiro nhận định, nếu giá dầu tiếp tục giảm mạnh, nhiều công ty khai thác dầu đá phiến quy mô nhỏ ở Mỹ sẽ “khai tử”, tương tự những gì xảy ra vào cuối năm 2015 khi Saudi Arabia khiến thị trường “ngập” dầu giá rẻ.

Trên thực tế, các công ty khai thác dầu đá phiến ở Mỹ chỉ mới thúc đẩy sản xuất từ năm 2014 khi có sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ khai thác và giá dầu tăng cao. Nhờ đó, dầu đá phiến chiếm tới 1/3 sản lượng dầu mỏ khai thác trên đất liền của Mỹ. Với sự cởi trói của công nghệ khai thác dầu đá phiến, sản lượng dầu mỏ của Mỹ tăng vọt từ 5,7 triệu thùng/ngày từ năm 2011 lên mức kỷ lục 17,94 triệu thùng/ngày vào năm 2018, bỏ xa Nga và Saudi Arabia. Không những thế, Mỹ cũng trở thành cường quốc về xuất khẩu dầu mỏ sau khi Tổng thống Barack Obama gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô vào tháng 12/2015.

Còn Nga, bằng cách liên kết với các nhà sản xuất dầu không thuộc OPEC như Azerbaijan, Bahrain, Bolivia, Kazakhstan và Mexico, đã thiết lập sân chơi mới và đóng vai trò dẫn dắt nhóm này từ tháng 12/2016 khi OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC nhất trí giảm sản lượng để đối phó với nguồn cung dầu mỏ thế giới dư thừa từ đầu năm 2016.

Tuy nhiên, Nga nhận thấy thị phần của mình bị suy giảm trong bối cảnh Mỹ tăng cường xuất khẩu dầu mỏ còn tập đoàn dầu mỏ hàng đầu của Saudi Arabia - Aramco - đã kích hoạt các chương trình chiết khấu cho khách hàng nhằm tăng thị phần.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng năm 2019 giữa OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC sẽ hết hạn vào ngày 31/3 và hai bên phải tính đến thỏa thuận mới nếu muốn tiếp tục hạn chế nguồn cung.

Trong khoảng từ tháng 1 đến đầu tháng 3/2020, giá dầu đã giảm 20% về 46 USD/thùng khi dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát. OPEC đã lên kế hoạch cắt giảm 1 triệu thùng/ngày, còn nhóm các nhà sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC do Nga dẫn dắt phải cắt giảm tương ứng 500.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, Putin đã từ chối bất kỳ hành động cắt giảm sản lượng nào thêm bởi ông cho rằng việc cắt giảm trước đó giữa OPEC và các nước không thuộc OPEC đã giúp các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ tăng thị phần đáng kể đến mức Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu.

Trước động thái của Nga, Thái tử Mohammad bin Salman đã “lệnh” cho tập đoàn dầu mỏ quốc gia Aramco đẩy giá dầu xuống sâu sau ngày 1/4. Theo đó, Aramco tuyên bố sẽ tăng sản lượng 9,8 triệu thùng/ngày hiện nay lên mức kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày. Còn Putin đáp trả bằng cách tăng sản lượng thêm 300.000 thùng/ngày.

Theo các nhà phân tích, với giá dầu hòa vốn khoảng 42,50 USD/thùng, nền kinh tế Nga vẫn có những chỗ dựa khác so với Saudi Arabia, bởi ngoài dầu mỏ, Nga có ngành công nghiệp quốc phòng rất phát triển với kim ngạch xuất khẩu chỉ đứng sau Mỹ. Trong khi đó, theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giá hòa vốn của Saudi Arabia là 85 USD/thùng, nhưng dự trữ vàng và ngoại tệ của Riyadh đạt 496,8 tỷ USD tính đến tháng 9/2019, cao hơn hẳn so với Moscow với 419,6 tỷ USD.

Xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch và năng lượng chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga. Ngành dầu khí chiếm đến 46% tổng chi tiêu của chính phủ Nga, nhưng lại đóng góp tới 30% GDP của nước này. Còn tại Saudi Arabia, ngành dầu khí đóng góp khoảng 85% nguồn thu, 90% kim ngạch xuất khẩu và 42% GDP.

Chuyên gia Dilip Hiro cho biết, sau lệnh trừng phạt của Mỹ và EU năm 2014, kinh tế Nga đã lâm vào suy thoái và cuộc suy thoái đó chỉ kết thúc sau năm 2017 khi giá dầu tăng lên. Kể từ đó, nền kinh tế Nga đã dần ổn định, nhưng cuộc chạm trán lần này với Saudi Arabia đã khiến đồng rúp mất giá 10%.

Lịch sử cho thấy áp lực dầu giá rẻ tràn ngập của Saudi Arabia hồi năm 2015 đã buộc ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ phải hạ giá hòa vốn từ 65 USD/thùng về 46 USD/thùng. Còn giá dầu ở ngưỡng 30 USD/thùng sẽ là thách thức lớn và mới cho ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ.

Ông Hiro nhận định, nếu giá dầu tiếp tục đi xuống, lịch sử sẽ lặp lại và nhiều doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến quy mô nhỏ và độc lập của Mỹ sẽ phải nộp đơn phá sản vì không đủ sức "gánh" các khoản vay ngân hàng. Với diễn biến như vậy, chắc chắn sẽ làm hài lòng Điện Kremlin.

Giá dầu thô Mỹ lao đáy, thấp nhất 17 năm qua
Giá dầu ghi nhận phiên lao dốc thứ 3 liên tiếp trong ngày giao dịch 18/3 với giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ lao đáy, thấp nhất 17 năm qua do tình...
Bình luận bài viết này
  • Minh Trần Trọng 10:25 | 30-03-2020
    Xét về lâu dài thì Nga sẽ bị ảnh hưởng xấu rất nhiều (ngành dầu khí chiếm tới 30% GDP).
Xem thêm trên Báo Đầu Tư