Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Cuộc đua xanh - sạch - lành trên thị trường thực phẩm - đồ uống
TS. Phạm Trí Hùng - 07/11/2019 16:33
 
Việc chú trọng đến chất lượng sản phẩm, ưu tiên lựa chọn sản phẩm xanh - sạch - lành trong thói quen ăn uống của người tiêu dùng đang tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống.
Thị trường thực phẩm và đồ uống Việt Nam có xu hướng tăng lượng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ - thực phẩm organic.
Thị trường thực phẩm và đồ uống Việt Nam có xu hướng tăng lượng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ - thực phẩm organic.

Xu hướng và triển vọng của thị trường

Báo cáo của Vietnam Report cho rằng, những xu thế chính của ngành thực phẩm - đồ uống trong một vài năm tới gồm: sự bùng nổ của các sản phẩm nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; sự trỗi dậy của niềm tin, của những giá trị thật và câu chuyện thật về sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp; ứng dụng dữ liệu lớn vào sản xuất, phân phối.

Tại Việt Nam, thị trường thực phẩm và đồ uống có xu hướng tăng lượng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ - thực phẩm organic organic và sẽ bắt đầu cuộc đua xanh - sạch - lành giữa các doanh nghiệp trong ngành. Cụ thể, xu hướng xanh thể hiện ở việc người tiêu dùng tăng cường sử dụng sản phẩm nguồn gốc từ thực vật, ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và những sản phẩm không chứa lactose. 

Xu hướng sạch xuất phát từ bối cảnh vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng đáng báo động và sự gia tăng trong nhận thức, cũng như trong thu nhập thực tế của người tiêu dùng Việt. Theo đó, các loại thực phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ sẽ lên ngôi ngoạn mục.

Theo Báo cáo Xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của AC Nielsen, có đến 86% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn sản phẩm organic cho bữa ăn hàng ngày, bởi tính an toàn, giàu dinh dưỡng và hương vị thơm ngon. Đáng chú ý, thực phẩm hữu cơ có tác dụng trong việc giảm nguy cơ bệnh tim, ung thư, đường huyết cao. Bên cạnh đó, thực phẩm lành - có thành phần tốt cho sức khỏe như gạo lứt, cá hồi, việt quất... cũng là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Việt.

Vietnam Report dự báo, triển vọng của thị trường thực phẩm và đồ uống Việt Nam cũng hòa theo triển vọng của thị trường thực phẩm và đồ uống thế giới, với doanh thu của thực phẩm và đồ uống hữu cơ đạt 320,5 tỷ USD vào năm 2025.

Cuộc đua xanh - sạch - lành

Một số nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam cho biết, thực phẩm organic chỉ chiếm 0,2% tổng doanh thu của họ, hàng sản xuất ra không đủ bán; nếu cung đủ cầu, lượng tiêu thụ có thể tăng 5-10 lần trong 5-10 năm tới. Như vậy, xanh - sạch - lành là một thị trường thực phẩm và đồ uống hấp dẫn, là cuộc đua cực kỳ tiềm năng. Trong cuộc đua đó, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thu hút nhiều khách hàng, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ những cơ hội và thách thức; chuẩn bị, thay đổi chiến lược kinh doanh để đi tắt đón đầu xu hướng.

Tiêu chuẩn của thực phẩm hữu cơ cực kỳ khắt khe, với quy trình sản xuất tuân theo các quy định nghiêm ngặt, đòi hỏi sự đầu tư xứng tầm. Tuy nhiên, không phải chỉ những doanh nghiệp lớn mới đủ khả năng bắt kịp xu hướng, nhanh chóng nhập cuộc và đủ sức cạnh tranh tại mảnh đất mới khai phá này.

Tất cả các doanh nghiệp đều có thể tham gia xu thế xanh - sạch  - lành, nếu không ở vai trò chủ đạo, thì cũng có thể ở vai trò hỗ trợ. Vấn đề là nếu đã tham gia cuộc chơi, thì không thể nửa vời, phải hết sức kiên trì để đạt và duy trì các đòi hỏi của tiêu chuẩn.

Các thực phẩm và đồ uống hữu cơ, xanh - sạch - lành đòi hỏi được tiêu dùng đồng bộ. Người tiêu dùng không thể chỉ ăn thịt, cá hữu cơ và vẫn sử dụng rau, củ, quả không hữu cơ và ngược lại. Vậy nên, các doanh nghiệp có thể kết hợp với nhau trong sản xuất, phân phối sản phẩm. Việc hợp tác này có thể giúp giảm giá thành sản phẩm - đặc biệt trong khâu tiếp thị và đưa sản phẩm đến tận bàn ăn của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống cũng có thể kết hợp với các công ty công nghệ để nắm bắt thói quen, tiếp thị và giao hàng công nghệ, bởi người tiêu dùng sản phẩm xanh - sạch - lành thường có thu nhập cao và bận rộn hơn.

Khảo sát các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống của Vietnam Report cho thấy, các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với 5 thách thức chính: chất lượng nguồn nhân lực; tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; nguồn nguyên liệu đầu vào; quy mô nhỏ; thương hiệu yếu và mẫu mã đơn giản. Tham gia làn sóng xanh - sạch  - lành, các doanh nghiệp sẽ phải có định hướng giải quyết 5 thách thức này.

Thực phẩm và đồ uống châu Âu: Nối gót vào Việt Nam
Xu hướng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống của các doanh nghiệp châu Âu được dự báo sẽ diễn ra sôi động hơn trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư