Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Cưỡng chế nợ thuế với doanh nghiệp lợi dụng Covid-19
Mạnh Bôn - 10/07/2020 08:20
 
Cùng với việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngành thuế vẫn cương quyết cưỡng chế nợ thuế đối với trường hợp lợi dụng đại dịch Covid-19 để cố tình chây ỳ nợ thuế.

Thông tin được ông Đoàn Xuân Toản, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý nợ (Tổng cục Thuế) trao đổi với Báo Đầu tư.

.
 ông Đoàn Xuân Toản, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý nợ (Tổng cục Thuế).

Đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn chưa từng thấy, nên ngân sách nhà nước đứng trước nguy cơ hụt thu. Và để cân đối nguồn thu, một trong các giải pháp là đẩy mạnh thu hồi nợ đọng?

Không phải chỉ khi thu ngân sách gặp khó khăn, ngành thuế mới quan tâm đến việc quản lý, thu hồi tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, mà đây là một trong những công việc trọng tâm của cơ quan thuế. Vì vậy, ngay khi bắt tay vào kế hoạch thu ngân sách hàng năm, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu nợ và giảm nợ cho từng cục thuế để lập kế hoạch thu nợ theo tháng, quý và giao chỉ tiêu thu nợ đến từng cán bộ, công chức quản lý nợ; gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị với nhiệm vụ thu hồi nợ.

Chúng tôi tổ chức theo dõi, giám sát tình hình nợ thuế để đôn đốc nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước, đồng thời rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng, lập danh sách doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nợ. Năm nay, khi Covid-19 bùng phát, chúng tôi đã tập trung rà soát, phân loại những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng lấy lý do dịch bệnh để chây ỳ nợ thuế.

Kết quả thế nào, thưa ông?

Trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân nợ thuế, cơ quan thuế các cấp đã áp dụng biện pháp phù hợp với từng đối tượng để thu nợ. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm cơ quan thuế đã rà soát 6.300 doanh nghiệp nợ thuế trên 1 tỷ đồng, với tổng số tiền thuế nợ là 60.800 tỷ đồng.

Việc rà soát, phân loại doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không phải chỉ là tìm cách thu hồi nợ đọng, mà quan trọng hơn là tìm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vì doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, đóng cửa, phá sản thì cũng không còn gì để thu.

Bộ Tài chính đã kịp thời trình Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh và 29 ngành nghề; kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thậm chí, khi Chính phủ chưa ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP, để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ và thực hiện xử lý gia hạn nộp nợ thuế, nộp dần tiền thuế nợ, miễn tiền chậm nộp theo Luật Quản lý thuế.

Tuy nhiên, kết quả thu hồi nợ đọng tiền thuế từ năm 2019 chuyển sang đạt rất thấp?

6 tháng đầu năm, ngành thuế đã thu hồi được 15.222 tỷ đồng tiền nợ thuế có khả năng thu từ năm 2019 chuyển sang, đạt 44,6% kế hoạch. Tôi cho rằng, kết quả đạt được không đến nỗi nào, nếu đặt trong bối cảnh Covid-19 khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, không có nguồn thu để trả nợ. Ngoài ra, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp tạm dừng, chấm dứt hoạt động, dẫn đến nợ thuế không trả được.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, có đến gần 80.000 doanh nghiệp gặp khó khăn và hết sức khó khăn, tăng rất mạnh so với cùng kỳ các năm trước đây, khiến số nợ thu hồi chưa được như mong muốn.

Ngoài việc doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể, giải thể, ngừng hoạt động, còn nguyên nhân nào khiến việc thu hồi nợ đọng thuế gặp khó khăn?

Do cả hệ thống chính trị tập trung vào nhiệm vụ số một là phòng chống virus Corona, nên có không ít doanh nghiệp đang nợ thuế “ăn theo” dịch bệnh, cố tình chây ỳ nợ thuế.

Nguyên nhân tiếp theo là thực hiện Nghị quyết 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 1/7/2020 với 7 nhóm đối tượng không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Do đến ngày 1/7/2020, Nghị quyết mới có hiệu lực, nên chưa tiến hành khoanh nợ, khiến số nợ tiếp tục phát sinh vì tiền nợ thuế vẫn bị tính tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày.

Và nguyên nhân cuối cùng là Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn cho cả số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019. Nhưng vì lý do nào đó, như những tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, thu nhập do phải tạm ngừng kinh doanh, tạm thời đóng cửa, thu hẹp hoạt động… vì Covid-19, nên chưa nộp giấy đề nghị gia hạn, làm phát sinh tiền chậm nộp, khiến số tiền thu hồi nợ thuế chưa đạt mục tiêu đặt ra.

Như ông nói, có không ít đối tượng lợi dụng dịch bệnh để chây ỳ nợ thuế. Với trường hợp này, sẽ xử lý thế nào?

Với các trường hợp nợ thuế, cơ quan thuế đều ban hành thông báo nợ bằng phương thức điện tử để đôn đốc, nhắc nhở nộp tiền thuế nợ và cung cấp thông tin cảnh báo tình hình nợ thuế. Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã ban hành khoảng 19,667 triệu lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp.

Với trường hợp cố tình chây ỳ, lợi dụng dịch bệnh, cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ, đặc biệt là những trường hợp có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Vì vậy, một mặt hỗ trợ, song hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mặt khác, cơ quan thuế cũng phải “rắn mặt” với những trường hợp cố tình chây ỳ.

Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã ban hành 61.800 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản; 9.000 quyết định cưỡng chế hóa đơn; 745 quyết định cưỡng kê biên tài sản, thu tiền tài sản; 14.800 quyết định cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; công khai 76.400 doanh nghiệp chây ỳ, không nộp tiền thuế đúng hạn.

Nợ thuế xuất nhập khẩu sẽ giảm mạnh
Mặc dù nợ thuế liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) năm 2019 chỉ tương đương 1,9% tổng số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư