Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Cách Trương Mỹ Lan vận hành 1.470 công ty "lừa đảo"
Ngô Nguyên - 08/06/2024 11:30
 
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập 1.470 Công ty với gần 1.800 cá nhân để đứng tên thành lập doanh nghiệp, đứng tên khoản vay, cổ phần, tài sản, ký khống tài liệu, chứng từ.

Phân nhóm chi tiết

Theo kết luận điều tra đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, để lũng đoạn thị trường tài chính, lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng trái phiếu, rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng, vận chuyển trót lọt qua biên giới hơn 4,5 tỷ USD, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã thành lập công ty “ma” (không có bộ máy nhân sự, hoạt động thực tế), thuê người đứng tên thành lập công ty, sở hữu cổ phần, tài sản, khoản vay, ký khống tài liệu… phục vụ cho các hoạt động tài chính của Tập đoàn.

Việc thành lập các “công ty ma” cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do Văn phòng HĐQT phụ trách, phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Tổng giám đốc và Nguyễn Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty SPG thực hiện.

Tới điểm khởi tố vụ án (ngày 7/10/2022), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã có 1.470 công ty (bao gồm 46 công ty nước ngoài và một số ít công ty do Trương Mỹ Lan mua lại) và gần 1.800 cá nhân để đứng tên thành lập doanh nghiệp, đứng tên khoản vay, cổ phần, tài sản, ký khống tài liệu, chứng từ.

Sau khi được thành lập, các “công ty ma” sẽ được lựa chọn, đưa vào sử dụng cho các hoạt động tài chính của Tập đoàn. 

Trong đó 656 công ty được sử dụng để vay tiền Ngân hàng SCB, trong đó hiện còn 435 công ty còn dư nợ gốc và lãi, đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi.

Có 85 công ty được thành lập để chuyển tiền từ Việt Nam đi nước ngoài và 63 công ty nhận tiền từ các công ty nước ngoài chuyển về Việt Nam thông qua Ngân hàng SCB (trong đó có 23 công ty có sai phạm trong việc chuyển tiền quốc tế, được chứng minh ở giai đoạn 2).

Có gần 50 công ty được sử dụng để tạo lập, phát hành trái phiếu và hàng trăm công ty khác được thành lập cho các mục đích khác như mua tài sản, đứng tên dự án, cơ cấu lại sở hữu cổ phần giữa các công ty, chuyển nhượng cổ phần, tài sản cho các cá nhân theo mục đích của Trương Mỹ Lan.

Trụ sở Vạn Thịnh Phát.

Việc tạo dựng một số lượng lớn công ty “ma”, cá nhân đứng tên còn là tiền đề cho việc thực hiện thủ thuật tài chính thường gọi tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là “Giải quỹ” (đã được điều tra, kết luận ở vụ án giai đoạn 1), thực chất là cho các công ty chuyển tiền cho các cá nhân dưới hình thức “hứa chuyển nhượng cổ phần” của các công ty ma thuộc Tập đoàn với mức đơn giá cổ phần được nâng khống lên nhiều lần tùy vào quy mô và tài sản của các công ty; làm căn cứ chuyển tiền và rút tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB mà không làm phát sinh thuế theo quy định của pháp luật.

Ứng dụng của thủ thuật “Giải quỹ” được sử dụng chính cho việc rút tiền (dòng tiền thật) từ các khoản giải ngân của Ngân hàng SCB nhằm “cắt đứt” dòng tiền, “che giấu” mục đích sử dụng tiền, ngoài ra còn được sử dụng khi cần chạy “kỹ thuật” các dòng tiền “khống” trong quá trình tạo lập trái chủ sơ cấp cho các gói trái phiếu của các công ty phát hành hay rút tiền từ nước ngoài chuyển về…

Hơn 4,5 tỷ USD "lọt" qua biên giới thế nào?

Kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ đã thu thập xác định, từ ngày 27/10/2012 đến ngày 7/10/2022, có 21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định pháp luật với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ USD

21 công ty nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trái quy định pháp luật, với 152 giao dịch, tổng số tiền hơn 3 tỷ USD.

Việc chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài, từ nước ngoài về Việt Nam đều thông qua các hợp đồng "khống" là các hợp đồng mua bán cổ phần, vốn góp; hợp đồng tư vấn; hợp đồng vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và các công ty, tổ chức ở nước ngoài. 

Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố thêm tội ở giai đoạn 2 đại án Vạn Thịnh Phát.

Các công ty tham gia việc chuyển tiền nêu trên gồm: 12 công ty thành lập, đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, gồm: Công ty Golden Hill, Công ty Blue Pearl, Công ty VinaLand Việt Nam, Công ty Eastern View, Công ty Capital Tower, Công ty Trade Wind, Công ty Eland, Công ty Thành Hiếu, Công ty Đông Sài Gòn, Công ty Sai Gon Helios, Công ty An Đông, Công ty SPG.

Có 11 công ty, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, gồm: Noble Capital Group Limited, Glory Capital Investment Limited, Galaxy Investment Capital Limited, Day Glory Development Limited, Dragon Fund Investment Limited, Vinaland Investments Limited, Leader Vision Capital Investment Limited, Golden Hill Investment Company Limited, City Charm Investment Company Limited, Prominent Group Limited, Starlight Development Limited.

Danh tính các bị can bị đề nghị truy tố

Ở đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công ăn đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Nguyễn Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula; Trịnh Quang Công, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý Acumen; Trương Khánh Hoàng, nguyên quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. 

Nhiều bị cáo đã lĩnh án giai đoạn 1 sẽ còn tiếp tục bị truy tố.

Truy tố Nguyễn Vũ Anh Thi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam; Nguyễn Hữu Hiệu, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Square Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty cổ phần Quản lý Bất động sản Windsor; Võ Tấn Hoàng Văn, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng SCB; Bùi Anh Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB về hai tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Truy tố nguyên Phó tổng giám đốc SCB Trần Thị Mỹ Dung về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.

Truy tố Chu Lập Cơ, chồng bà Lan, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường thời đại (Việt Nam) - Times Square; Bùi Văn Dũng, lái xe riêng của bà Lan; Trần Thị Hoàng Uyên, thư ký của bà Lan; Trần Xuân Phượng, thư ký của Ngô Thanh Nhã, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát về tội rửa tiền.

Trương Huệ Vân (cháu bà Lan) cũng bị đề nghị truy tố giải đoạn 2.

Truy tố Tô Thị Anh Đào, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Ngoài ra, 20 người khác bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gồm: Trương Huệ Vân, Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor; Hồ Bửu Phương, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Ngô Thanh Nhã, Chủ tịch Công ty Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, nguyên Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông (2015-2019); Kwok Hakman Oliver (Trung Quốc), Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông; Trương Wincent Kinh (Lâm Khắc Vinh, trú Mỹ), Chủ tịch Công ty Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, nguyên chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World... 

Đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Hơn 10.600 bị hại sẽ thiệt thòi quyền lợi
Với thông báo kết thúc điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03), hơn 10.600 người mua trái phiếu được xác định là bị hại chưa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư