Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Đại gia canh giờ ra tay, thị trường M&A có thể vượt mốc 10 tỷ USD
Anh Hoa - 17/07/2018 08:30
 
Phần lớn các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A), huy động vốn trong năm nay phải chậm lại vì diễn biến thị trường không tốt. Nếu thị trường đi lên đủ để giới đầu tư tung hàng, thì thị trường M&A nửa cuối năm nay sẽ vượt mốc 10 tỷ USD.

“Canh giờ đẻ trứng”

Phiên giao dịch buổi chiều ngày cuối tuần (13/7) ở các sàn chứng khoán thế giới mở cửa với sự hứng khởi của bên mua. Nhà đầu tư dường như được giải tỏa về tâm lý khi thị trường tăng mạnh. Chỉ số Nikkei tăng hơn 400 điểm; các chỉ số Kospi, HIS hay ASX 200 cũng tăng điểm, chỉ có Shanghai giảm nhẹ.

Trong phiên giao dịch này, đã có lúc thị trường chứng khoán Việt Nam tăng tới 14 điểm, nhưng lực bán xuất hiện ở cuối phiên khiến VN-Index không đóng cửa ở mức cao nhất. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 11,21 điểm (1,25%) lên 909,72 điểm; HNX-Index tăng 2,08 điểm (2,07%) lên 102,51 điểm; còn Upcom-Index tăng 0,45 điểm, đóng cửa ở mức 49,27 điểm.

VPBank đã gây chú ý với đợt phát hành riêng lẻ 164,7 triệu cổ phiếu và tăng vốn điều lệ lên 15.706 tỷ đồng trong năm 2017
VPBank đã gây chú ý với đợt phát hành riêng lẻ 164,7 triệu cổ phiếu và tăng vốn điều lệ lên 15.706 tỷ đồng trong năm 2017

Những diễn biến trên thị trường chứng khoán thời gian qua trái ngược với những gì diễn ra trong năm 2017, được cho là năm thăng hoa với việc VN-Index tiến sát mốc 1.000 điểm vào ngày cuối cùng của năm nhờ mức tăng trưởng 48%, cao nhất trong 10 năm và lọt top 3 chỉ số chứng khoán tăng trưởng tốt nhất thế giới.

Sự rớt điểm của VN-Index là lý do chính khiến nhóm tư vấn các thương vụ gọi vốn từ nhà đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vẫn ở trạng thái “chuẩn bị tài liệu” từ đầu năm tới nay. “Phần lớn các thương vụ M&A, huy động vốn trong năm nay phải chậm lại vì diễn biến thị trường gần đây không tốt. Phải canh lúc thị trường tốt mới chào thương vụ”, đại diện VCSC cho biết.

Vị này tiết lộ, số thương vụ năm nay cao hơn năm ngoái nhiều, với hơn 10 doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, sản xuất, bất động sản. Dự kiến nếu thị trường đi lên, có thể thu hút vài tỷ USD về cho doanh nghiệp trong nước. Nguồn vốn này chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư của Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, châu Âu.

Hẳn thị trường vốn Việt Nam không quên những thương vụ gọi vốn “khủng” có sự “nhúng tay” của VCSC. Mới đây nhất, tháng 4/2018, VCSC cùng với Morgan Stanley và Deutsche Bank AG tham gia tư vấn cho đợt chào bán cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Thương vụ gây sốt trên thị trường, khi Techcombank chào bán thành công 164.076.954 cổ phiếu phổ thông cho các nhà đầu tư tổ chức, huy động được khoảng 21.000 tỷ đồng (gần 922 triệu USD), tương đương mức vốn hóa thị trường đạt 6,5 tỷ USD.

Năm 2017, cũng nhờ VCSC, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)  gây chú ý, khi công bố kết quả đợt phát hành riêng lẻ 164,7 triệu cổ phiếu và tăng vốn điều lệ từ 14.059 tỷ đồng lên 15.706 tỷ đồng. Với giá phát hành 39.000 đồng/cổ phiếu, VPBank đã thu về hơn 6.400 tỷ đồng. Đây được coi là đợt huy động vốn thành công của VPBank.

Trước đó, VCSC đã mối lái thành công thương vụ Tập đoàn Casino (Pháp) bán toàn bộ chuỗi bán lẻ Big C tại Việt Nam cho Central Group (Thái Lan), với giá 1,05 tỷ USD. Đây là thương vụ giá trị và tốn nhiều công sức của các tay chơi trên thị trường phân phối, bán lẻ, chuyên gia và giới truyền thông

Những động thái trên cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đã chủ động thực hiện M&A, thậm chí họ còn thực hiện M&A tại nước ngoài vốn là chuyện xưa nay hiếm.

Dòng vốn toàn cầu rục rịch chảy về vùng trũng

Nếu thị trường đi lên đủ để VCSC tung hàng và thu về vài tỷ USD như dự kiến, thì thị trường M&A nửa cuối năm nay sẽ vượt mốc 10 tỷ USD mà giới phân tích kỳ vọng. Trong khi đó, VCSC chỉ là một trong nhiều tay môi giới thương vụ M&A ở Việt Nam. Điều này phần nào cho thấy những tín hiệu tự tin hơn từ giới đầu tư.

Bất chấp các căng thẳng thương mại và địa chính trị, trong nửa đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A trên toàn cầu đạt mức cao nhất mọi thời đại - 2.500 tỷ USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái (theo Thompson Reuters). Một loạt thương vụ M&A “bom tấn” trong lĩnh vực truyền thông và viễn thông ở Mỹ và dược phẩm lớn nhất Nhật Bản đã góp phần tạo nên giá trị đó.

Cụ thể, Takeda mua lại hãng dược đối thủ Shire (Ireland) với giá 77 tỷ USD; Hãng viễn thông không dây T-Mobile (Mỹ) thâu tóm đối thủ Sprint trị giá 59 tỷ USD; Tập đoàn viễn thông Comcast (Mỹ) và Hãng truyền thông giải trí Disney đang cạnh tranh để thâu tóm phần lớn tài sản của tập đoàn truyền thông 21st Century Fox của tỷ phú Rupert Murdoch, khiến giá trị của thương vụ này bị đẩy lên hơn 70 tỷ USD.

Giới chuyên môn nhận định, thị trường M&A cực kỳ nhộn nhịp trong nửa đầu năm 2018 và các dấu hiện tại cho thấy, sự sôi động sẽ tiếp tục kéo dài sang nửa cuối của năm nay. Trong đó, các thương vụ M&A có giá trị lớn đang dần trở thành một chuẩn mực bình thường.

Các con số kỷ lục đã được tạo lập khi có 79 thương vụ M&A có giá trị trên 5 tỷ USD, 35 thương vụ M&A có giá trị trên 10 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018. Bộ phận M&A của Ngân hàng JPMorgan dự báo, số lượng các thương vụ M&A trên 10 tỷ USD sẽ đạt con số 66 thương vụ trong năm nay.

Các nhà tư vấn thương vụ trên toàn cầu chưa bao giờ bận rộn như lúc này khi chứng kiến “cơn bão hoàn hảo” trên thị trường M&A. Báo cáo của Baker McKenzie kỳ vọng, hoạt động M&A khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng hơn 30%, từ 534 tỷ USD năm ngoái lên mức 710 tỷ USD trong năm nay, trước khi tăng lên mức 750 tỷ USD trong năm 2019.

Trong một thập kỷ qua, thị trường M&A Việt Nam đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc, nhiều thương vụ lớn nhỏ và đến lúc có sự chuyển biến về chất. Số thương vụ chuyển nhượng có giá trị lớn xảy ra nhiều hơn, nhất là tại những doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân có thương hiệu.

Đó là thương vụ Sabeco bán 53% cổ phần cho ThaiBev, với giá trị lên tới 4,8 tỷ USD hồi đầu năm nay; thương vụ hợp nhất của 2 công ty ngành đường là Thành Thành Công Tây Ninh và Đường Biên Hòa, với giá trị 484 triệu USD; thương vụ nhà đầu tư Singapore Jardine Cycle & Carriage mua thêm 3,3% cổ phần Vinamilk, với số tiền lên đến 396 triệu USD.

Đó còn là các thương vụ mua bán đình đám trong lĩnh vực bất động sản, nhựa, bán lẻ, tài chính ngân hàng…

Sau những thương vụ đó, giới môi giới châu Á đứng ngồi không yên và không ngại tuyên bố rằng, thị trường Việt Nam “rất hứa hẹn”, khi Việt Nam muốn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, sau thương vụ Sabeco - ThaiBev, nhiều nhà đầu tư tin hơn vào những quyết định thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước trong năm tới.

Năm 2018, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn tại 121 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đang niêm yết cổ phiếu trên sàn, chẳng hạn 3% vốn tại Tập đoàn Bảo Việt, 57% vốn tại Tổng công ty Vinaconex, 25% vốn tại Tổng công ty Thăng Long, 37% vốn tại Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, 6% vốn tại FPT…

Nếu những thương vụ trên diễn ra suôn sẻ, thì sẽ có hàng loạt vụ thoái vốn theo sau. Dĩ nhiên, điều này sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam sẽ có nhiều mục tiêu mà nhà đầu tư nước ngoài thèm muốn, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến các doanh nghiệp có thể tạm hoãn các thương vụ ở hai thị trường này để chuyển qua một số thị trường khác.

Theo ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 quốc gia ASEAN, Nam Á, Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước và việc nới room cho nhà đầu tư ngoại chính là điểm hấp dẫn nhà đầu tư trong hoạt động M&A. Tiêu dùng và bán lẻ vẫn sẽ là những ngành dẫn đầu về số lượng và giá trị các thương vụ. Bên cạnh đó còn là các ngành như hàng không, viễn thông, năng lượng. Ngược lại, ngành tài chính chưa thể tạo được sự đột phá, vì thiếu vắng các thương vụ lớn.

Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, dư địa để M&A tăng trưởng mạnh ở lĩnh vực sản xuất là rất lớn. M&A năm 2018 có thể thiên về bất động sản, thậm chí chiếm tới 80-90% tổng lượng giao dịch.

Những diễn biến trên xoá tan những hoài nghi về sự u ám của thị trường M&A Việt Nam. Dòng vốn chuyên nghiệp, muốn sinh lời sẽ đổ dồn về thị trường có nền kinh tế tăng trưởng và khối doanh nghiệp tư nhân năng động.

Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên lần thứ 10 - năm 2018

Do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức, sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM), vào ngày 8/8/2018.

Với chủ đề “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới”, Diễn đàn sẽ nhìn lại chặng đường 10 năm hoạt động M&A tại Việt Nam và trao đổi những cơ hội và chiến lược M&A tại Việt Nam trong một kỷ nguyên mới.

Diễn đàn gồm các hoạt động chính: Hội thảo M&A với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, Gala Diner vinh danh Thương vụ M&A tiêu biểu 2017 - 2018 và Thương vụ của thập kỷ, phát hành Đặc san “Một thập kỷ M&A tại Việt Nam & cơ hội M&A 2018-2019”, Khoá đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá.
Thương vụ sáp nhập ứng dụng gọi xe Uber vào Grab: Nghi vấn vi phạm Luật Cạnh tranh
Việc hai ứng dụng công nghệ gọi xe có thị phần lớn nhất tại Việt Nam hiện nay là Grab và Uber “về với nhau” bị đặt nghi vấn vi phạm Luật...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư