Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
Đại gia công nghệ lấn sân ngân hàng
Thùy Liên - 28/02/2016 13:14
 
Các hình thức thanh toán mới từ các tập đoàn công nghệ đang đe dọa thị phần thanh toán của ngân hàng.

Samsung, Apple sắp nhảy vào Việt Nam?

Tháng 3/2016, Tập đoàn Samsung sẽ mở bán điện thoại Galaxy S7 và S7 Edge tại Việt Nam. Cũng giống một số dòng điện thoại đã được tung ra thị trường trước đó, hai sản phẩm này của Samsung được tích hợp thêm tính năng thanh toán điện tử (Samsung Pay). Với tính năng này, khách hàng không cần thẻ ATM, chỉ cần sử dụng điện thoại là có thể thanh toán ở mọi điểm chấp nhận thẻ ATM.

Điều đáng nói là, Samsung Pay đang có kế hoạch gia nhập thị trường Việt Nam, có thể ngay trong năm 2016. Ông Kim Kyung-dong Giám đốc sản phẩm Samsung Pay (Tập đoàn Samsung) cho hay: “Việt Nam là thị trường tiềm năng, hứa hẹn lớn với Samsung Pay. Tôi tin rằng, Samsung Pay sẽ góp phần đưa Việt Nam từ nước sử dụng tiền mặt cao thành quốc gia thanh toán điện tử”.

.

Ngoài Samsung, nhiều nguồn tin cũng cho hay, Tập đoàn Apple cũng có ý định đưa sản phẩm Apple Pay vào Việt Nam. Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn) kỳ vọng: “Giao dịch thanh toán qua điện thoại của Samsung Pay, Apple Pay chỉ mất 10 giây. Tôi hy vọng, Samsung Pay, Apple Pay… sẽ vào Việt Nam”.

Sự thay đổi chóng mặt của công nghệ với việc ra mắt các hình thức thanh toán mới, không cần đến thẻ ngân hàng như Apple Pay, Samsung Pay, Facebook Payments, Google Wallet, Amazon… đang đe dọa thị phần thanh toán của các ngân hàng. Ở nước ta, làn sóng này chỉ mới bắt đầu hình thành, song cũng đã khiến nhiều ngân hàng phải dè chừng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng giám đốc một ngân hàng lo ngại cho hay, không chỉ các tập đoàn cá mập về công nghệ chuẩn bị vào Việt Nam, mà gần đây, các công ty nhỏ được cung ứng dịch vụ thanh toán như ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, thu chi hộ… cũng mọc lên như nấm.

“Các công ty công nghệ xuất hiện ngày càng nhiều với công nghệ thanh toán không cần đến ngân hàng, mà chỉ cần thông qua mạng xã hội hoặc chợ ứng dụng đang đe dọa thị phần thanh toán của các ngân hàng”, vị lãnh đạo này nói.

Ngân hàng phải nhanh chóng chuyển đổi

Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động thông minh tăng lên chóng mặt, khiến dịch vụ thanh toán qua điện thoại cũng tăng lên nhanh chóng. Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cho hay, trên thế giới có tới 2 tỷ người sử dụng điện thoại thông minh, trong đó Việt Nam có 35 triệu người. Theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2015 có ít nhất 25% người mua hàng trực tuyến đã mua hàng qua điện thoại thông minh.

Xu hướng mới của người tiêu dùng đã được các đại gia công nghệ bắt nhịp rất nhanh, đòi hỏi các ngân hàng phải nhanh chóng chuyển mình.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các ngân hàng cần phải nhanh chóng chuyển đổi, nâng cao công nghệ, sáng tạo ra những sản phẩm, phát triển công nghệ tương tự để cạnh tranh, hoặc phải đi mua lại ứng dụng của các hãng công nghệ.

Là một trong những ngân hàng mạnh tay đầu tư công nghệ ngân hàng số và được đánh giá là một trong những ngân hàng điện tử tốt nhất hiện nay, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank nhìn nhận khá bình tĩnh về làn sóng cạnh tranh này.

“Apple hay Samsung đã hé lộ khả năng xâm nhập lĩnh vực thanh toán điện tử tại thị trường Việt Nam năm 2016, nhưng theo tôi, quy mô của thị trường Việt Nam có lẽ chưa đủ lớn để họ quá ưu tiên đầu tư. Có thể, họ chỉ dừng lại ở việc thử nghiệm và phổ biến những công nghệ này phải 1 - 2 năm nữa”, ông Hưng phán đoán.

Mặc dù vậy, theo lãnh đạo TPBank, việc đầu tư cho công nghệ ngân hàng là rất cần thiết. Dĩ nhiên, các dự án đầu tư công nghệ ngân hàng khác tốn kém, 2 - 5 triệu USD/dự án, song nếu so với đầu tư mở rộng mạng lưới thì đầu tư cho công nghệ, phát triển ngân hàng số vẫn cho bài toán kinh tế cao hơn.

“Do đó, chúng tôi thấy việc đầu tư cho công nghệ để phát triển ngân hàng điện tử không hề lãng phí, mà rất hiệu quả”, lãnh đạo TPBank chia sẻ.

Thanh toán điện tử èo uột vì ba bộ bắt tay còn lỏng lẻo
Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước lên tới trên 4 tỷ USD trong năm 2015 nhưng thanh toán điện tử mới chiếm 5% giá trị mua sắm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư