Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Đấu thầu mua sắm, dịch vụ khi CPTPP có hiệu lực: Phần thưởng không dành cho người chậm chân
- 25/02/2019 13:48
 
Thời điểm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực cũng là lúc giới nhà thầu Việt đối mặt với bài toán tăng năng lực tại các gói thầu mua sắm Chính phủ ngay trên sân nhà.
nhà thầu Việt đã đủ năng lực thực hiện nhiều công trình có quy mô lớn. Trong ảnh: Tòa nhà Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai do nhà thầu Coteccons xây dựng.
Nhà thầu Việt đã đủ năng lực thực hiện nhiều công trình có quy mô lớn. Trong ảnh: Tòa nhà Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai do nhà thầu Coteccons xây dựng.

Cửa đã mở

Ngày 8/3/2018, Việt Nam cùng 10 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Pêru và Singapore chính thức ký kết CPTPP. Đối với Việt Nam, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định này và các văn kiện có liên quan. Theo đó, từ ngày 14/1/2019, CPTPP đã có hiệu lực đối với Việt Nam. Với các nhà thầu, nội dung đặc biệt quan tâm là Chương 15 của CPTPP quy định về mua sắm Chính phủ, bởi ngoài việc mở cửa thị trường các nước thành viên có tổng GDP lên tới 10.200 tỷ USD, thì sức ép cạnh tranh rát bỏng đã cận kề ngay hiên nhà.

Nhìn chung, Chương 15 của Hiệp định bao gồm cam kết về các gói thầu mua sắm Chính phủ mở cửa cho các nhà thầu từ các nước CPTPP tham gia và các quy định về nghĩa vụ bắt buộc của Nhà nước và các chủ đầu tư/bên mời thầu liên quan tới thủ tục, quy trình và điều kiện bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ đã mở cửa. Theo đó, các gói thầu thuộc diện điều chỉnh CPTPP được xác định không theo nguồn gốc vốn sử dụng trong gói thầu (ngân sách nhà nước hay không), mà theo chủ thể mua sắm, tính chất của việc mua sắm và loại hàng hóa, dịch vụ được mua sắm.

Các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP thuộc danh mục các gói thầu mà nước thành viên cam kết tuân thủ. Các cam kết của Việt Nam được nêu trong Phụ lục 15-A về các phạm vi mở cửa mua sắm công. Trong đó, liệt kê 3 nhóm điều kiện phải đáp ứng đủ như chủ thể mua sắm công; các loại hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ xây dựng); trị giá mua sắm tối thiểu của gói thầu.

Về chủ thể mua sắm công ở cấp Trung ương theo Phụ lục 15-A, có 21 cơ quan nhà nước phải tuân thủ CPTPP về mua sắm công. Các chủ thể vừa nêu đều là cơ quan Chính phủ, tuy nhiên, với 21 cơ quan này, quy định phải tuân thủ CPTPP về mua sắm công không hoàn toàn như nhau.

Với một số bộ như Giao thông - Vận tải, Lao động, Công an, Quốc phòng… việc áp dụng CPTPP chỉ giới hạn ở một số loại hàng hóa, dịch vụ nhất định, hoặc được loại trừ một số loại hàng hóa, dịch vụ. Hiện tại, không có chủ thể mua sắm cấp địa phương nào thuộc diện phải tuân thủ CPTPP, tuy nhiên, các thành viên trong CPTPP cam kết, 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực sẽ đàm phán nhằm mở rộng diện chủ thể mua sắm tới cấp địa phương.

Theo Phụ lục 15-A, có 38 đơn vị sự nghiệp thuộc diện điều chỉnh của CPTPP khi đấu thầu. Trong đó, ngoài Thông tấn xã Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, các chủ thể còn lại chủ yếu là các bệnh viện tuyến trung ương.

Về ngưỡng trị giá mua sắm công, Việt Nam cam kết các chủ thể mua sắm cấp Trung ương tổ chức lựa chọn nhà thầu theo CPTPP đối với các gói thầu có giá trị bằng hoặc cao hơn ngưỡng tuỳ theo tính chất của gói thầu. Cụ thể, ngưỡng gói thầu hàng hóa và dịch vụ trong 5 năm đầu kể từ khi Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam là 2 triệu SDR (quyền rút vốn đặc biệt), từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10 là 1,5 triệu SDR, từ năm thứ 11 đến hết năm thứ 15 là 1 triệu SDR, từ năm thứ 16 đến hết năm thứ 20 là 260.000 SDR, từ năm thứ 21 đến hết năm thứ 25 là 190.000 SDR, từ năm thứ 26 trở đi là 130.000 ngàn SDR. Ngưỡng gói thầu dịch vụ xây dựng trong 5 năm đầu tiên là 65,2 triệu SDR, từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10 là 32,6 triệu SDR, từ năm thứ 11 đến hết năm thứ 15 là 16,3 triệu SDR, từ năm thứ 16 trở đi là 8,5 triệu SDR.

Ngoài cơ quan cấp Trung ương, nhóm cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và các bệnh viện trung ương áp dụng theo ngưỡng: với hàng hóa và dịch vụ trong 5 năm đầu tiên là 3 triệu SDR, từ năm thứ 6 trở đi là 2 triệu SDR; Với dịch vụ xây dựng trong 5 năm đầu là 65 triệu SDR, từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10 là 55 triệu SDR, từ năm thứ 11 đến hết năm thứ 15 là 40 triệu SDR, từ năm thứ 16 đến hết năm thứ 20 là 25 triệu SDR, từ năm thứ 21 trở đi là 15 triệu SDR.

CPTPP cũng đã có những quy định chung về việc không được phép chia nhỏ các gói thầu để lẩn tránh “ngưỡng trị giá” phải tuân thủ.

Được biết, SDR là quyền rút vốn đặc biệt, mỗi 1 SDR tương đương khoảng 2 triệu đồng. Ngưỡng mở cửa sẽ được điều chỉnh 2 năm/lần với hiệu lực của mỗi lần điều chỉnh bắt đầu vào ngày 1/1. Lần điều chỉnh đầu tiên có hiệu lực từ ngày 1/1 của năm thứ 3 từ khi Hiệp định có hiệu lực. Việc tính toán và công bố ngưỡng mở cửa tính bằng đồng Việt Nam dựa trên tỷ giá do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố hàng tháng. Tỷ giá là giá trị bình quân hàng ngày của đồng Việt Nam tính theo SDR trong khoảng thời gian 2 năm trước thời điểm ngưỡng điều chỉnh.

Về loại hàng hóa, dịch vụ, Việt Nam cam kết mở cửa đấu thầu mua sắm tất cả các loại hàng hóa trừ 7 nhóm hàng hóa mã HS 4 số và 5 nhóm hàng hóa mã HS 6 số được liệt kê trong Phụ lục 15-A. Trong số các loại hàng hóa đã mở, trừ dược phẩm, tất cả sẽ đều mở ngay khi CPTPP có hiệu lực.

Với dược phẩm, Việt Nam có lộ trình mở theo thời gian.

Về dịch vụ, Việt Nam cam kết mở cửa cho nhiều nhóm dịch vụ theo Hệ thống phân loại sản phẩm Trung tâm Tạm thời (CPC). Theo đó, có 6 nhóm dịch vụ mã CPC 2 số, 7 nhóm dịch vụ mã CPC 3 số và 13 nhóm dịch vụ mã CPC 5 số vào diện thuộc điều chỉnh của CPTPP. Riêng lĩnh vực dịch vụ xây dựng có cam kết riêng.

Lo “gia cố” năng lực

Cùng với Việt Nam, cam kết của 10 nước thành viên khác trong CPTPP mở ra thị trường mua sắm công rất lớn và hấp dẫn. Điểm qua Phụ lục cam kết của tất cả các thành viên CPTPP có thể thấy ngưỡng mở các gói thầu mua sắm chính phủ khá rộng.

Có thể dẫn chứng, Australia và Canada cam kết ngưỡng mở đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, dịch vụ là 130.000 SDR, gói thầu xây lắp là 5 triệu SDR; Nhật Bản cam kết ngưỡng mở gói thầu mua sắm hàng hoá 100.000 SDR, xây lắp 4,5 triệu SDR, dịch vụ kiến trúc, tư vấn xây dựng 450.000 SDR… Cùng với đó, diện các chủ thể mua sắm phải tuân thủ cam kết cũng được các nước mở rộng.

Ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai (nhà thầu cung cấp máy phát điện có trụ sở tại TP.HCM) đánh giá, cơ hội cho các nhà thầu trong sân chơi CPTPP là rất lớn. Các nhà thầu Việt Nam hoàn toàn có thể hòa nhập và cạnh tranh một cách sòng phẳng. Mở cửa thị trường mua sắm công vừa tạo sức ép vừa là cơ hội cho nhà thầu Việt bước ra thị trường thế giới nhằm khẳng định mình. 

“Không còn lựa chọn nào khác ngoài con đường gia tăng năng lực nội tại của các nhà thầu. Với Sáng Ban Mai, chúng tôi quan tâm đến tiếp nhận công nghệ tiên tiến vào sản xuất để sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu, với giá thành cạnh tranh nhất”, ông Trọng khẳng định.

Trên thực tế, việc các nhà thầu gia tăng năng lực để có thể giành phần thắng trước nhà thầu ngoại ngay trên sân nhà không còn là câu chuyện hiếm gặp. Thời gian qua, nhiều nhà thầu Việt, nhất là những nhà thầu trong ngành xây dựng giành chiến thắng trước các nhà thầu nước ngoài đã cho thấy tầm vóc của nhà thầu Việt ngày càng được nâng cao. Có thể kể ra nhiều cái tên như Hoà Bình, Coteccons, Unicons, An Phong, Phục Hưng Holdings, Udic, Cofico, Delta, Fecon, F.D.C… là những nhà thầu đã có quá trình tích lũy, nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ, các phương tiện máy móc, biện pháp thi công… và đặc biệt là trình độ quản trị ngang tầm với các nhà thầu lớn trên thế giới. Với sự lớn mạnh không ngừng, giới thầu xây lắp Việt đã chứng minh được khả năng thi công những công trình tầm cỡ trong và ngoài nước tạo ra cuộc soán ngôi vai trò nhà thầu chính - vị trí độc tôn của các nhà thầu ngoại trong nhiều năm trước.

Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng - Thương mại Băng Dương, nhà thầu xây lắp từng tham gia và thắng thầu nhiều gói thầu hạ tầng trong các cuộc đấu thầu quốc tế chia sẻ, trong môi trường thầu quốc tế, để dành phần thắng, ngoài năng lực thực thụ, quản trị chuẩn chỉnh, thì điều đầu tiên mà các nhà thầu Việt cần phải thực hiện là “hoàn toàn loại bỏ những toan tính nhằm thực hiện những cú bắt tay dưới gầm bàn”, bởi tính minh bạch là một trong những tiêu chí được đề cao trong các cuộc thầu quốc tế.

Ngoài ra, ông Cường còn cho rằng, việc thực hiện chiến lược đầu tư công nghệ, vốn và quản trị phù hợp sẽ không thể là công việc của một sớm một chiều, bởi vậy, việc liên kết để tạo nên các liên danh nhà thầu cũng là giải pháp mà các nhà thầu nên nghĩ tới khi CPTTP có hiệu lực.

“Tôi tin rằng, khi các nhà thầu liên danh tạo ra năng lực cộng hưởng sẽ đủ sức nặng tham gia các gói thầu xây lắp lớn và là đối thủ đáng nể so với giới thầu quốc tế”, ông Cường nói. Theo ông, sức ép cạnh tranh từ CPTPP sẽ “không phả sức nóng ngay tức thì”, nhưng ngay từ bây giờ, các nhà thầu cần phải ý thức rằng, phần thưởng không bao giờ đến với những người chậm chân.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện để trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn thực thi điều ước quốc tế về đấu thầu. Để đảm bảo tuân thủ Hiệp định CPTPP trong công tác lựa chọn nhà thầu, kể từ ngày 14/1/2019, hoạt động lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu theo cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP sẽ thực hiện theo quy định của Hiệp định CPTPP.

Nội dung đầy đủ của Chương trình Mua sắm Chính phủ, Hiệp định CPTPP được đăng tải tại trang web muasamcong.mpi.gov.vn

(Văn bản 251/BKHĐT-QLĐT ngày 10/1/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Đấu thầu công khai tiết kiệm nghìn tỷ
Sở GD&ĐT Hà Nội mới đây đấu thầu chọn doanh nghiệp cung cấp sữa cho chương trình sữa học đường.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư