Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 01 năm 2025,
Đầu tư dự án PPP: "Khi chim sẻ hoang mang thì đại bàng cũng lo lắng"
Anh Minh - 07/11/2023 09:11
 
Đại biểu Quốc hội cho rằng, nên bỏ ngân sách của ngành trong các kỳ trung hạn để hỗ trợ dự án PPP theo lộ trình đã được công bố, cam kết để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.

Sáng nay (7/11), Quốc hội tiếp tục hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.  Vấn đề đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP tiếp tục được các đại biểu Quốc hội đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.

Theo Đại biểu Phạm Thuý Chinh, đoàn ĐBQH Hà Giang, việc nâng tỷ lệ vốn góp của Nhà nước so với quy định hiện hành là chưa đủ để tăng sức hấp dẫn đối với các dự án PPP giao thông, thậm chí có thể trở thành một hình thái mới về đầu tư công.

Đại biểu Phạm Thuý Chinh cho rằng, vấn đề các nhà đầu tư trăn trở nhất hiện nay chính là việc thực hiện các cam kết, nghĩa vụ hợp đồng được quy định trong Luật PPP và hợp đồng ký kết, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu. Bên cạnh đó, các bên liên quan tại các dự án PPP cần chú trọng tới cả vòng đời dự án, trong đó có công tác vận hành, bảo trì, thu phí hoàn vốn… tránh tình trạng chỉ tập trung vào giai đoạn xây dựng.

Chia sẻ nhận định nói trên của đại biểu Phạm Thuý Chinh, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, việc nâng tỷ lệ vốn góp của nhà nước không phải là yếu tố quyết định đến sức hấp dẫn của các dự án PPP hạ tầng giao thông.

Hiện nhiều nước không quy định về trần vốn góp, về tỷ lệ vốn góp của Nhà nước. Điều này cho phép Nhà nước có thể tham gia tới 70%-80% tổng mức đầu tư đối với dự án vùng sâu, vùng xa có lưu lượng phương tiện thấp nhưng cũng có dự án lưu lượng phương tiện cao, tỷ lệ vốn góp Nhà nước cũng chỉ dao động từ 20% - 30%.

“Vấn đề là cần phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận mới. Trong thời gian tới bên cạnh việc áp dụng các hình thức đầu tư PPP mới như nhượng quyền, đấu giá quyền thu phí, Bộ GTVT sẽ tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư thực chất, nhằm đưa dự án tới nhà đầu tư thay vì thụ động chờ đợi”, ông Thắng cho biết.

Đối với vấn đề này, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, tỷ lệ vốn góp không nên quy định cứng mà phải căn cứ vào tính chất của các dự án và giai đoạn triển khai cụ thể khi triển khai công trình.

Đại biểu đề nghị sắp tới, Chính phủ cần kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật PPP để phù hợp với thực tiễn hơn, không chỉ trong lĩnh vực giao thông, các dự án PPP đang bế tắc, mà rất nhiều dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế đang bế tắc.

Theo tư lệnh ngành GTVT, trong thời gian vừa qua, ngành GTVT đã triển khai được 70 dự án BOT nhưng hiện có khá nhiều dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới phương án tài chính như: chưa được tăng phí theo lộ trình, thậm chí có dự án chưa được thu phí. Các tồn tại, vướng mắc nói trên vì nhiều lý do chậm được xử lý, làm ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư.

“Trong khi đó đằng sau các nhà đầu tư là các ngân hàng, tổ chức tín dụng, điều này cũng khiến việc tiếp cận nguồn vốn cho các dự án PPP trong thời gian vừa qua gặp nhiều khó khăn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin.

Trong phiên chất vấn vào chiều qua, khi trả lời đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn ĐBQH Lâm Đồng về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút nguồn lực với các dự án PPP đã được phê duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, gần đây Bộ GTVT đã kêu gọi được một số doanh nghiệp tham gia dự án PPP. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận việc thu hút các dự án PPP chưa nhiều, chưa hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, nguyên nhân thứ nhất là vừa qua khách quan mà nói do tình hình kinh tế trong nước cũng như là quốc tế rất khó khăn, do vậy cũng nhiều doanh nghiệp sức khỏe khó khăn.

Thứ hai, đầu tư PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông lợi nhuận đem lại không cao, trong khi có rất nhiều lĩnh vực doanh nghiệp có thể lựa chọn, cân đối.

Thứ ba rất quan trọng là trong khi lợi nhuận không cao nhưng có nhiều vấn đề rủi ro có thể xảy ra liên quan đến hiệu quả các dự án. Hiện nay các nhà đầu tư thu hồi vốn trên cơ sở lưu lượng xe. Chúng ta cả nước có khoảng 5,2 triệu xe ôtô, trong đó lại phân bố không đồng đều, chủ yếu là Hà Nội, TP.HCM nhiều và một số tỉnh, cho nên đây cũng là một yếu tố bất lợi đối với nhà đầu tư.

Thứ tư là, từ trước đến nay quy định liên quan đến tỷ lệ vốn nhà nước tham gia các dự án PPP cho hạ tầng giao thông cũng chưa được hấp dẫn, tối đa là Nhà nước hỗ trợ 50%, nhiều dự án chi phí dành cho giải phóng mặt bằng rất lớn, chính vì thế cho nên phần vốn nhà nước thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp không được nhiều và đây cũng là một bất lợi. Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách thu hút chúng ta cũng phải nhìn nhận và điều chỉnh.

“Tôi ví dụ như tại sao chúng ta không có các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án PPP? Vì đối với họ, việc tham gia vào dự án PPP là một hình thức Nhà nước vay doanh nghiệp để làm. Chính vì thế họ đòi hỏi 2 thứ, một là phải có bảo lãnh về doanh thu của Chính phủ và thứ hai là đối với các nhà đầu tư nước ngoài chúng ta phải đảm bảo việc chuyển đổi ngoại tệ khi người ta thu hồi vốn”, Bộ trưởng thông tin.

Để giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT, đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn ĐBQH Đồng Nai cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết thời gian cụ thể để hoàn thành.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc này Bộ đã triển khai từ lâu nhưng nhiều vấn đề phức tạp chưa thể tháo gỡ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, Bộ GTVT làm rõ bên cạnh 8 dự án của Trung ương, cấp địa phương còn bao nhiêu dự án BOT gặp vướng mắc tương tự. Hiện chưa quyết định được nguồn vốn để xử lý 8 dự án này, từ tăng thu hay đầu tư công trung hạn.

Cả 8 dự án được triển khai trước khi Luật Đầu tư PPP có hiệu lực. Các dự án không chỉ liên quan nhà đầu tư mà còn cả ngân hàng. Ngân hàng yêu cầu nhà đầu tư hy sinh lợi nhuận, nhưng nhà đầu tư lại mong muốn ngân hàng hy sinh lãi suất để bảo toàn và thu hồi vốn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, vừa qua Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ, dự kiến sẽ báo cáo nội dung này với Chính phủ trước 15/11, trình Quốc hội tháo gỡ cho 8 dự án BOT này. Bộ đề nghị có 5 dự án Nhà nước mua lại và 3 dự án Nhà nước hỗ trợ.

Chưa thực sự đồng tình với cách tiếp cận nói trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn ĐBQH Đồng Nai cho rằng, khi đầu tư các dự án BOT, nhà đầu tư đã phải huy động rất lớn và chỉ có trông đợi vào thu phí để hoàn vốn nhưng khi đàm phán xử lý vướng mắc, các cơ quan Nhà nước lại yêu cầu nhà đầu tư cắt giảm lợi nhuận sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

“Khi chim sẻ đã hoang mang thì đại bàng cũng sẽ lo lắng. Bộ GTVT nên bỏ ngân sách của ngành trong các kỳ trung hạn để hỗ trợ cho các dự án theo lộ trình đã được công bố cam kết để tạo niềm tin cho nhà đầu tư”, đại biểu Nguyễn Quang Huân hiến kế.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, quá trình đàm phán được thực hiện trên nguyên tắc lợi nhuận hài hoà, khó khăn chia sẻ, đồng thuận không áp đặt nhà đầu tư.

“Các bên đang khẩn trương hoàn tất quá trình xây dựng phương án tối ưu để sớm xử lý dứt điểm 8 dự án BOT gặp khó khăn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc xử lý 8 dự án BOT gặp khó khăn
Bộ GTVT đang tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng để xác định cụ thể mức chia sẻ của các bên, bảo đảm nguyên tắc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư