Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Đầu tư từ Singapore vào Việt Nam: Hướng đến những ngành mới nổi
Bích Thủy - 10/08/2019 08:03
 
Cùng với những lĩnh vực đầu tư truyền thống, doanh nghiệp Singapore có xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi như đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thành phố thông minh, công nghệ 4.0, ngành hàng tiêu dùng…, nhằm tận dụng tiềm năng tăng trưởng to lớn của thị trường trong thời gian tới.
Enterprise Singapore tiếp tục nhận thấy tiềm năng đầu tư trong một số lĩnh vực, gồm tiêu dùng và phong cách sống, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam.
Enterprise Singapore tiếp tục nhận thấy tiềm năng đầu tư trong một số lĩnh vực, gồm tiêu dùng và phong cách sống, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam.

Lĩnh vực mới nổi

Quy mô 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trên 100 triệu thành viên (90% là người mua) là những con số đầy ấn tượng của Alibaba.com - website thương mại điện tử (B2B) toàn cầu lớn nhất thế giới của Alibaba Group, đơn vị mà Tập đoàn Innovative Hub Pte Ltd (Singapore) vừa ký biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Với MoU trên, Việt Nam được xem là bàn đạp để Innovative Hub Pte Ltd - tập toàn chuyên về dịch vụ tư vấn thương mại điện tử - thực hiện kế hoạch đầy tham vọng trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ uy tín hàng đầu tại Đông Nam Á. Cụ thể, tại Việt Nam, Tập đoàn dự định cung cấp giải pháp số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời hợp tác với các nhà sản xuất, bán buôn, bán lẻ, hiệp hội, các đơn vị xuất khẩu, thương mại điện tử…

Innovative Hub Pte Ltd là một trong 26 doanh nghiệp tham gia đoàn doanh nghiệp Singapore đến Việt Nam vào cuối tháng 7 vừa qua, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh. Các doanh nghiệp nổi tiếng khác có mặt trong đoàn là Fundnel Pte Ltd, Quest Ventures, KinderWorld, Koda Ltd, Kwan Brothers Pte Ltd, NTUC Fairprice Co-Operative Ltd, PSA Corporation Ltd, Siasun Automation, Select Group Pte Ltd, Singapore Technologies Engineering Ltd… 

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Tan Soon Kim, Phó giám đốc điều hành của Enterprise Singapore (ESG) cho biết: “Enterprise Singapore tiếp tục nhận thấy tiềm năng đầu tư và hợp tác trong một số lĩnh vực, gồm tiêu dùng và phong cách sống, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, một lĩnh vực mới nổi trên thị trường”.

Lĩnh vực tiêu dùng và thương mại điện tử tại Việt Nam hấp dẫn Innovative Hub Pte Ltd và các doanh nghiệp Singapore khác như Koda, Kwan Brothers Pte Ltd, Select Group Pte Ltd, and NTUC Fairprice Co-operative Ltd vì tầng lớp trung lưu gia tăng và sức mua ngày càng tăng cao.

Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, các thương hiệu Singapore trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm, đời sống có thể tấn công thị trường giàu tiềm năng này bằng cách cung cấp thêm lựa chọn và kinh nghiệm làm hài lòng khách hàng.

Cụ thể, Select Group đang mở rộng hoạt động bên ngoài lãnh thổ Singapore đến Malaysia, Indonesia và Việt Nam, dự định thiết lập chuỗi nhà hàng tại Việt Nam. Một doanh nghiệp Singapore khác là Kwan Brothers Pte Ltd (chuyên sản xuất túi và phụ kiện da cá sấu) đang tìm kiếm cơ hội mở rộng tại TP.HCM, nơi hội tụ nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Hay NUTC Fairprice Co-Operative Ltd - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Singapore - đặt mục tiêu mở rộng tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác. Tập đoàn này đang vận hành 4 đại siêu thị và hơn 30 cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM.

Theo ông Tan Soon Kim, một số lĩnh vực mới nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp hai nước hợp tác trong bối cảnh tác động mãnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 là đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thành phố thông minh. Với sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng start-up (số lượng hơn 3.000 vào năm ngoái), Việt Nam đang nổi lên như là một trung tâm đổi mới sáng tạo.

Với mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng đổi mới sáng tạo, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng chính sách hỗ trợ, hoàn thiện hệ sinh thái nhằm khai thông nguồn vốn vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Việt Nam đang hấp dẫn các quỹ đầu tư khác của Singapore như Fundnel Pte Ltd - nền tảng đầu tư tư nhân lớn nhất khu vực Đông Nam Á, hay Quest Ventures Pte Ltd.

Ngày 18/7/2019, ESG đã cho ra mắt Liên minh Đổi mới sáng sạo toàn cầu (Global Innovation Alliance  - GIA) tại TP.HCM. Sáng kiến này của Chính phủ Singapore nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Singapore kết nối với công đồng đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp tại Việt Nam.

Sự hấp hẫn của các đề án thành phố thông minh tại Việt Nam cũng cuốn hút các doanh nghiệp Singapore. Trong chuyến thăm và làm việc vừa qua, các doanh nghiệp Singapore đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, nhằm tìm kiếm cơ hội trong các dự án phát triển thành phố thông minh. Ví dụ, Siasun Automation Pte Ltd, chuyên các công nghệ như AI, Big Data, Robot, Internet of Things (IoT), Cloud và sản xuất thông minh, đang mong muốn chuyển đổi số các ngành như sản xuất, logistics, giáo dục hay hạ tầng tại Việt Nam.  

Mối quan tâm truyền thống

Theo Khảo sát Kinh doanh quốc gia 2018/2019 của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF), Việt Nam được nhận định là thị trường quan tâm hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp Singapore. Năng lượng, hàng tiêu dùng và hạ tầng là những ngành thu hút sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, bên cạnh các ngành quan tâm truyền thống như bất động sản, giáo dục, công nghiệp chế biến, chế tạo và y tế. 

“Các doanh nghiệp Singapore mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong sự tăng trưởng của đất nước, được tạo ra từ những nền tảng kinh tế mạnh mẽ, bao gồm lực lượng lao động triển vọng, khả năng cạnh tranh về chi phí và môi trường tạo nhiều điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Kim nhấn mạnh.

Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Singapore đầu tư 942,9 triệu USD vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019, đứng thứ 5 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ. Lũy kế đến ngày 30/7, Singapore đầu tư 50,65 tỷ USD vào hơn 2.295 dự án tại Việt Nam, đứng thứ 3 chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành thu hút đầu tư Singapore nhiều nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lũy kế đạt 21,12 tỷ USD. Singapore nhận thấy tiềm năng đầu tư trong lĩnh vực sản xuất do sự kết nối giữa Việt Nam với các trung tâm tiêu thụ ở châu Á và hơn thế nữa. Các tên tuổi lớn của Singapore trong lĩnh vực này có thể kể đến Armstrong S.E. Clean Energy Fund, SHS Holdings Singapore’s Sinenergy Holdings, The Blue Circle.

Mối quan tâm của doanh nghiệp Singapore được thể hiện rõ trong chuyến làm việc cuối tháng 7 vừa qua, khi Sunseap Group Pte Ltd - tập đoàn phát triển hệ thống điện mặt trời hàng đầu Singapore - đã bày tỏ tham vọng phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái, nhà máy điện mặt trời mặt đất tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực bất động sản, những cái tên như Keppel Land (Việt Nam) Company Ltd, CapitaLand hay Mapletree đã rất nổi tiếng với nhiều dự án chung cư, tòa nhà thương mại, du lịch, tại Hà Nội, TP.HCM.

Trong hơn 20 năm đầu tư tại Việt Nam, Sembcorp được xem là ví dụ điển hình của Singapore trong lĩnh vực đầu tư nói chung và bất động sản khu công nghiệp nói riêng, với nhiều dự án tại Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hải Dương và Nghệ An. Tập đoàn đang lên kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu và nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Keppel Land Việt Nam đang theo đuổi kế hoạch ra mắt các dự án khu dân cư tại TP.HCM, khởi động phát triển Dự án Thành phố thể thao Saigon Sports City và giai đoạn cuối Dự án Trung tâm Sài Gòn.    

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nổi bật là United Overseas Bank (UOB), ngân hàng đầu tiên của Singapore thành lập tại TP.HCM năm 1995. UOB dự kiến ra mắt ngân hàng số, cũng như mở rộng hoạt động, mở chi nhánh tại Hà Nội.

Ngoài đầu tư trực tiếp, mua bán và sáp nhập (M&A) cũng được xem là kênh đầu tư hiệu quả của các doanh nghiệp Singapore. Năm ngoái, Singapore đầu tư 1,2 tỷ USD vào các hoạt động M&A. Dự báo, M&A tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam.

Có thể khẳng định, trong suốt 24 năm qua, Hiệp định Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore đã góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, dịch vụ, tài chính, ICT, giáo dục và giao thông. Hiệp định cũng góp phần tạo điều kiện thực hiện các hiệp định thương mại tự do với chính sách đầu tư minh bạch, thuận lợi hơn, tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp Singapore đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.  

Các chuyên gia dự báo, đầu tư Singapore vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai gần và xa hơn nữa thông qua các dự án mới, cũng như tăng vốn vào các dự án hiện có.

Doanh nghiệp Singapore muốn đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô
Tại buổi Hội đàm về cơ hội đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra trong ngày 20/2, các doanh nghiệp Singapore bày tỏ mong muốn đầu tư vào các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư