Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đầy ắp đơn hàng, may mặc có cơ tăng trưởng tốt
Thế Hải - 07/04/2019 08:33
 
Đơn hàng đến với các doanh nghiệp may đang ổn định theo chiều hướng tăng trưởng từ 8-10% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất tới quý II, quý III/2019…
.
Năm 2019, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2018.

Đầy ắp đơn hàng

Phân tích về khả năng tăng trưởng của ngành may mặc trong năm 2019, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, nối tiếp thành công năm 2018 (kim ngạch xuất khẩu gần 29 tỷ USD, tăng hơn 14% so với năm 2017), ngành may xuất khẩu sẽ tăng trưởng trong tình hình đơn hàng tương đối tốt. Lý do là trong danh mục hàng hóa áp thuế của Mỹ với Trung Quốc chưa có hàng may mặc, nên khách hàng vẫn tiếp tục đặt hàng ở Việt Nam và cả Trung Quốc.

Hiệu ứng tăng trưởng của ngành may đang tiếp diễn tích cực, khi kết thúc quý I/2019, xuất khẩu may mặc đạt 5,75 tỷ USD, tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, đơn hàng đến với các doanh nghiệp may Việt Nam đang ổn định theo chiều hướng tăng trưởng từ 8-10% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất tới quý II, quý III/2019.

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, đơn hàng may mặc xuất khẩu cho năm 2019 của Công ty đã gần đủ từ cuối năm 2018. Với riêng thị trường Mỹ, năm 2019, Văn phòng đại diện của TNG tại New York đang phát huy hiệu quả tốt từ việc ký kết được các hợp đồng rất lớn từ các khách nổi tiếng như Nike, A&F, GIII.

Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, dệt may Việt Nam được đối tác đánh giá cao về thời gian thực hiện đơn hàng. Các doanh nghiệp dệt may vừa và lớn ở Việt Nam ngày càng đáp ứng được các tiêu chí từ đối tác, gần như tất cả các doanh nghiệp có các loại chứng chỉ đánh giá của các hãng, như SA (trách nhiệm xã hội), Green Label (tiêu chuẩn xanh)…

Một yếu tố quan trọng nữa được ông Hiếu nhắc đến là, sau một thời gian các hãng lớn tập trung phát triển ở những thị trường mới như Bangladesh hay Pakistan, họ đã nhận ra chất lượng của các đơn hàng, sản phẩm không được như ở thị trường Việt Nam. Do vậy, năm nay, các doanh nghiệp may Việt Nam đã có thêm những đơn hàng mới, nhiều doanh nghiệp thuộc Vinatex cho biết đã có đủ đơn hàng trong 6 tháng đầu năm.

Ngoài ra, ngành dệt may tính toán, trong trường hợp hàng may mặc Trung Quốc bị áp thuế, thì có khả năng một phần đơn hàng sẽ dịch chuyển sang Việt Nam. Mặt khác, các mặt hàng may xuất khẩu đi các thị trường khác nằm ngoài căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng ít bị ảnh hưởng.

Lường trước kịch bản xấu

Năm 2019, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2018, thặng dư thương mại 20 tỷ USD, trong đó, riêng may mặc dự kiến về đích khoảng 32 tỷ USD. Tuy nhiên, đón đầu những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, ông Cao Hữu Hiếu cho rằng, 2019 vẫn là năm khó lường khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết.

Một kịch bản không mong đợi có thể xảy đến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng của ngành may mặc trong năm 2019 được Vitas nhắc đến là Mỹ thực hiện áp thuế đối với Trung Quốc. “Nếu bị Mỹ áp thuế, khả năng Trung Quốc cũng tăng thuế mặt hàng nguyên liệu, thì các nhà sản xuất từ Việt Nam và các đối tác đặt hàng ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp”, đại diện Vitas lo ngại.

Ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - Công ty cổ phần chia sẻ, trong chuỗi cung ứng toàn cầu, không ai muốn có căng thẳng thương mại, bởi điều này khiến các bên tham gia chuỗi đều có xáo trộn trong kinh doanh và phải gồng mình chịu đựng thiệt hại.

Ngoài ra, ngành may Việt Nam cũng đang đối diện với thách thức giá nhân công cao hơn đa số đối thủ cạnh tranh. Lãnh đạo Vitas cho rằng, nếu như trước kia, dệt may Việt Nam có lợi thế giá nhân công thấp và đơn hàng đổ về Việt Nam, thì nay, với mức lương công nhân may Việt Nam trung bình 300 USD/tháng, cao thứ hai (chỉ đứng sau Trung Quốc) trong nhóm 10 nước xuất khẩu lớn nhất trong ngành may mặc xuất khẩu, các doanh nghiệp may sẽ vất vả hơn trong bài toán quản lý, cạnh tranh.

Muốn trụ vững và phát triển, doanh nghiệp ngành may buộc phải tập trung vào 3 yếu tố quan trọng là: tăng năng suất; đầu tư dần cho tự động hóa để giảm nhân công; chọn đơn hàng cao cấp, hàng kỹ, có giá gia công cao, dựa vào lợi thế tay nghề công nhân kỹ thuật cao của chúng ta.

“Với 3 trọng tâm trên, các doanh nghiệp may Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát tốt. Không những vậy, điều kiện sản xuất xanh - sạch, đảm bảo các yếu tố an toàn môi trường, an sinh xã hội cũng là một lợi thế của ngành may Việt Nam để các đối tác lựa chọn”, ông Lê Tiến Trường khẳng định.

Quý I/2019, xuất khẩu dệt may tăng 13,3% so với cùng kỳ

Quý I/2019, xuất khẩu hàng dệt may đạt 7,3 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ chiếm 46,6%, đạt 2,14 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018; xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 12,6%, đạt 577,89 triệu USD, tăng 7,6%; thị trường EU chiếm 12,1%, đạt 556,61 triệu USD, tăng 3,1%; thị trường Hàn Quốc chiếm 10,3%, đạt 473,62 triệu USD, tăng 6,6%.

May mặc Bình Dương nhắm mốc doanh thu 1.360 tỷ đồng
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSC) vừa tư vấn tổ chức thành công Đại hội cổ đông thành lập cho CTCP May mặc Bình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư