Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đề nghị lập bản đồ vùng an toàn du lịch
Khánh An - 09/11/2021 15:25
 
Có bản đồ vùng an toàn du lịch, các địa phương, doanh nghiệp có cơ sở xây dựng tour khép kín và có chính sách kiểm soát tour phù hợp - chuẩn bị điều kiện để mở cửa du lịch.
.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, đoàn Quốc hội  tỉnh Ninh Bình. 

Lập bản đồ vùng an toàn du lịch

Kế hoạch mở cửa du lịch đang là vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi bàn về chiến lược về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, đoàn Quốc hội Ninh Bình cho biết, tỉnh Ninh Bình luôn là vùng xanh và sẵn sàng mở cửa du lịch trở lại vào đầu tháng 12/2021. Tuy nhiên, với đặc thù của hoạt động du lịch, khách thường đi theo tour tuyến, vì vậy, không thể khép kín hoạt động trong một tỉnh mà tính liên kết vùng và cả nước là rất lớn.

Đây cũng là vấn đề mà nhiều đại biểu đã nhắc đến nhiều lần. Trong bối cảnh phải thực hiện một cách thận trọng, cần có sự thống nhất từ chủ trương, đường lối đến hành động cụ thể.

Theo đó, các giải pháp phục hồi du lịch phải thấu đáo, phù hợp, trong đó yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị, cùng với yêu cầu đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin toàn dân để tạo miễn dịch cộng đồng, các địa phương cần đảm bảo các điều kiện về hạ tầng y tế, nhân lực phục vụ khách du lịch. Nhưng để thực hiện được, theo bà Thanh, cần có quy trình thống nhất toàn quốc về chứng nhận tiêm chủng và tiêu chí về an toàn du lịch.

Đặc biệt, giải pháp lập bản đồ vùng an toàn du lịch, thông tin công khai và thường xuyên để các đơn vị thuận tiện cho việc đưa khách đang được đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhấn mạnh. Trên cơ sở bản đồ vùng an toàn du lịch, các địa phương, doanh nghiệp xây dựng tour khép kín và có chính sách kiểm soát tour phù hợp.

Song hành với sự chuẩn bị vùng xanh du lịch nội địa, kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế trở lại cũng được đề nghị làm rõ, từ thiết lập cơ chế hộ chiếu vắc-xin để đón khách quốc tế đến hướng dẫn thực hiện quy trình đón khách quốc tế an toàn, chặt chẽ nhưng thuận lợi cho du khách trong điều kiện phòng chống dịch cho từng địa phương.

Ông Trần Đình Vân, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng có quan điểm tương tự khi đề nghị cần xây dựng một môi trường du lịch an toàn. Ông cho rằng, giải pháp ưu tiên là các bộ, ngành liên quan với ngành du lịch, y tế cần phối hợp chặt chẽ để sớm ban hành chính sách và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến du lịch để tạo được sự tin tưởng của khách du lịch.

"Cụ thể là, xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình về sức khỏe và an toàn thống nhất trong cả nước, quy trình xử lý sự cố xảy ra liên quan đến dịch bệnh, từ đó các địa phương sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và thu hút khách du lịch", đại biểu Trần Đình Vân đề nghị.

Tiếp sức cho doanh nghiệp du lịch

Covid-19 thực sự là nỗi ám ảnh của ngành du lịch Việt Nam. Cho tới thời điểm này, khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, hoạt động du lịch gần như đình trệ toàn bộ.

Hàng loạt doanh nghiệp du lịch Việt Nam tạm dừng hoạt động, đóng cửa hoặc phá sản. Đa số lực lượng lao động du lịch mất việc làm, không có thu nhập.

Năm 2020, với hai đợt dịch bùng phát du lịch thiệt hại khoảng 530.000 tỷ đồng, trong đó 8 tháng đầu năm, 2021 tổng thu du lịch giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2020...

Mặc dù doanh nghiệp du lịch đã có tên trong nhóm đối tượng được hỗ trợ từ các gói hỗ trợ, như miễn, giảm các khoản đóng góp bảo hiểm y tế và xã hội, giảm lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp, miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch, nhưng khó khăn vẫn quá lớn.

Bà Thanh đề nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp du lịch được khoanh nợ, tái cấu trúc các khoản vay đến hết năm 2021 để các doanh nghiệp phục hồi và tái hoạt động sau dịch, xây dựng quỹ tài chính hỗ trợ cho ngành du lịch, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ ban đầu cho quỹ.

Về dài hạn, bà Thanh đề nghị hỗ trợ ngành du lịch đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong phát triển du lịch, xây dựng nền tảng số dùng chung cho toàn ngành và toàn xã hội. Trong đó, số hóa toàn bộ hệ thống ngành, nghề bổ trợ du lịch từ dịch vụ vận chuyển đến lưu trú, ăn uống, điểm tham quan di sản, kể cả cổ vật trong bảo tàng thành tài nguyên chung để phục vụ phát triển du lịch.

Nghiên cứu triển khai mô hình sàn giao dịch du lịch trực tuyến cũng là giải pháp được đề xuất có kế hoạch hỗ trợ thực hiện sớm.

Cú sốc lịch sử và giấc mơ gượng dậy của ngành kinh tế xanh - Bài 1: Chao đảo những "thành trì thép"
Những doanh nghiệp du lịch còn trụ lại gặp đợt tấn công lần thứ tư từ Covid-19 khốc liệt hơn, khiến những ‘thành trì thép’ của ngành cũng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư