Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đề nghị xuất 2,05 triệu tấn than chất lượng cao mỗi năm giai đoạn 2016 - 2020
Thanh Hương - 27/02/2016 19:16
 
Lượng than xuất khẩu trong năm 2016 của Việt Nam sẽ vào khoảng 2,05 triệu tấn, ở chiều ngược lại, sẽ nhập khẩu 1,3 triệu tấn.
.
1 tấn than cục, than cám chất lượng cao có giá trị xuất khẩu tương đương 1,5 đến 2 triệu tấn than cám cho sản xuất điện

Bộ Công thương vừa đề nghị Chính phủ cho xuất khẩu 2,05 triệu tấn than có chất lượng cao mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2020, trong số này có 2 triệu tấn thuộc về Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và 50.000 tấn thuộc về Tổng công ty Đông Bắc.

Trước đó, giai đoạn 2011 - 2015, khối lượng than xuất khẩu của ngành than đã có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, từ 16,979 triệu tấn vào năm 2011 xuống còn 6,125 triệu tấn vào năm 2014 và chỉ còn 1,2 triệu tấn vào năm 2015. “Hoạt động xuất khẩu than của Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc giai đoạn 2011-2015 là phù hợp với quan điểm phát triển ngành than đã được Thủ tướng phê duyệt”, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận xét.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo, nhu cầu tiêu thụ than trong nước cho điện tính toán theo Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh cũng có sự tăng mạnh. Như vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cân bằng cung – cầu than cho các hộ tiêu thụ trong nước với nguyên tắc ưu tiên sử dụng cho điện trước, còn lại cân đối cho các hộ khác ngoài điện cũng cho ra kết quả, lượng than cục, than cám chất lượng cao (cám 1, 2, 3) không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết sẽ dao động quanh mức 2,1 triệu tấn mỗi năm từ nay tới năm 2030.

Theo Bộ Công thương, nếu sử dụng các loại than có chất lượng cao cho nhà máy nhiệt điện sẽ không tăng được giá trị gia tăng của các loại than này, dẫn tới việc sử dụng không hiệu quả tài nguyên than. Trong khi đó, 1 tấn than cục, than cám chất lượng cao có giá trị xuất khẩu tương đương 1,5 đến 2 triệu tấn than cám cho sản xuất điện.

Các chuyên gia cũng cho biết, đặc thù của ngành khai thác mỏ không thể gia tăng đột biến sản lượng khai thác và thời gian đầu tư mỏ thường kéo dài từ 6-8 năm. Vì vậy, để huy động tối đa sản lượng than đáp ứng cho nhu cầu trong nước, đặc biệt là nhu cầu than cho điện tăng nhanh từ sau năm 2015, ngành than đã và đang đẩy mạnh công tác thăm dò, cải tạo mở rộng và nâng công suất các mỏ hiện có, xây dựng một số mỏ mới để chuẩn bị đủ diện tích khai thác nhằm gia tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu ngày một cao của các hộ tiêu thụ trong nước.

Chỉ trong năm 2015, các đơn vị của Vinacomin đã triển khai lắp đặt và vận hành ổn định các lò chợ CGH đồng bộ công suất 600 ngàn tấn/năm tại Hà Lầm, Dương Huy; đang triển khai lắp đặt trong các lò chợ của Quang Hanh, Khe Chàm; tiếp tục chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ đối với các lò chợ CGH của Vàng Danh, Hà Lầm (lò chợ CGH thứ 2). Một số công ty đã lựa chọn, thay đổi vật liệu chống giữ phù hợp hơn như thay cột TLĐ, xà hộp, xà khớp bằng giá khung, giá xích tại Công ty than Thống Nhất, Nam Mẫu; các công ty khai thác than lộ thiên như Hà Tu, Tây Nam Đá Mài, Cao Sơn đã tiếp tục đầu tư hợp lý để nâng cao năng lực sản xuất trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

Kết thúc năm 2015, nhiều dự án trọng điểm cũng đã kết thúc đầu tư, làm tăng nguồn lực của Vinacomin từ 82.000 tỷ đồng đầu năm 2011 lên 136.000 tỷ đồng cuối năm 2015, tăng thêm 54.000 tỷ đồng.

Việc cho phép xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao sang Nhật Bản theo hợp đồng dài hạn cũng được Bộ Công thương cho rằng, sẽ là điều kiện để Chính phủ Nhật Bản tiếp tục xem xét cấp tín dụng cho ngành than mà không cần bảo lãnh của Chính phủ, với lãi suất ưu đãi và thời hạn kéo dài khoảng 5 năm cũng như Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) tiếp tục xem xét cấp tín dụng cho ngành than giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.

Trong khối lượng than xuất khẩu được đề nghị cũng có điểm đến là Hàn Quốc với 1 triệu tấn/năm cũng được Bộ Công thương cho hay, sẽ giúp ngành than có điều kiện khai thác nguồn tín dụng dài hạn nước ngoài có bảo hiểm tín dụng Hàn Quốc.

Đó là chưa kể tới hàng loạt hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của Tập đoàn Dầu mỏ khí đốt và Khoáng sản quốc gia Nhật Bản đang trợ giúp thực hiện Dự án đào tạo nhân lực chuyển giao kỹ thuật khai thác và đảm bảo an toàn mỏ than đã bước sang năm thứ 14, với số tiền luỹ kế là 85 triệu USD; hay Dự án đào tạo nhân lực cho Trung tâm quản lý khí mỏ với kinh phí tương đương 100 triệu USD của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)… chỉ để đảm bảo mua được than chất lượng cao của Việt Nam. 

Dẫu vậy thì tại Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2016 hồi giữa tháng 1, Vinacomin cũng cho hay, năm nay sẽ tiêu thụ 38 triệu tấn than, trong đó trong nước là 36,8 triệu tấn và xuất khẩu là 1,2 triệu tấn. Như vậy so với phương án Bộ Công thương đang trình tới Chính phủ đã có sự chênh lệch 800.000 tấn than. Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Vinacomin cho hay, hiện tại Bộ Công thương và Vinacomin đã đề nghị cho xuất khẩu 2 triệu tấn/năm nhưng chưa được đồng ý. Bởi vậy, con số 1,2 triệu tấn than mà Tập đoàn đưa ra là chắc chắn. Nhưng nếu được phép xuất 2 triệu tấn than chất lượng cao thì vẫn có khách hàng tiêu thụ .

Khai thác 1 tấn dầu thô phải nộp 100.000 đồng phí bảo vệ môi trường
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 12/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản và đối tượng chịu phí là dầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư