Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 10 tháng 11 năm 2024,
Đề xuất 11 nhóm nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hữu Tuấn - 08/11/2016 15:24
 
Ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, đáng chú ý là nhóm 11 nội dung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo nội dung tờ trình, từ điều 7 đến điều 18, Chương II quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ được hỗ trợ 11 nội dung: gia nhập và rút khỏi thị trường, tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ.

Theo Ban soạn thảo, đây là những hỗ trợ cơ bản, thiết yếu đối với tất cả các DNNVV. Trừ nội dung giảm thuế thu nhập cho DNNVV, các nội dung hỗ trợ còn lại tại Chương này không hỗ trợ tài chính trực tiếp, không bao cấp cho DNNVV. Những hỗ trợ cơ bản này được thực hiện thông qua cơ chế chính sách để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV. Những hỗ trợ này không vi phạm những cam kết quốc tế vì đối tượng là DNNVV được loại trừ trong các cam kết mà Việt Nam là thành viên.

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Các nội dung hỗ trợ như sau:

Về hỗ trợ gia nhập, rút khỏi thị trường,  quy định này nhằm tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, cụ thể hoá chủ trương “Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ” tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, Nghị quyết 19 (các năm 2014, 2015, 2016) của Chính phủ, dự thảo Luật quy định việc tạo môi trường, điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách để DNNVV gia nhập, rút khỏi thị trường; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh về quy mô gây bất lợi hoặc thiệt hại cho DNNVV trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh và trong hoạt động sản xuất kinh doanh và có hành vi phân biệt đối xử, sách nhiễu, gây khó khăn cho DNNVV.

Về hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng, Dự thảo Luật quy định các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn thông qua thiết kế điều kiện, quy trình, thủ tục cho vay đơn giản, phù hợp với với đặc điểm, quy mô doanh nghiệp, đa dạng hóa các hình thức cấp tín dụng phù hợp với nhu cầu của DNNVV. Tuy nhiên, để không vi phạm các nguyên tắc thị trường, trong từng thời kỳ và tùy theo điều kiện ngân sách, Chính phủ để hỗ trợ các ngân hàng cho vay DNNVV theo định hướng ưu tiên phát triển của Nhà nước thông qua cấp bù lãi suất và thực hiện các hình thức hỗ trợ khác từ NSNN.

Về hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ quỹ và các hình thức khác, Dự thảo Luật quy định đối với 2 quỹ tài chính của Nhà nước, bao gồm: Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho DNNVV ở các tỉnh, thành phố. Trên thực tế, các quỹ này đã được thành lập và hoạt động, nhưng kết quả chưa đạt như kỳ vọng của cộng đồng DNNVV, chưa trở thành công cụ hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho DNNVV. Do đó, dự thảo Luật điều chỉnh các quỹ này theo hướng kiện toàn tổ chức và hoạt động của quỹ BLTD, bổ sung chức năng cho Quỹ Phát triển DNNVV. 

Về hỗ trợ tài chính, thuế: Đây là điểm mới so với Nghị định 56. Doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa được áp dụng mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp quy định tại pháp luật thuế Thu nhập doanh nghiệp; Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng mức thuế suất thấp hơn doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa. Việc giảm thuế Thu nh ập doanh nghiệp theo 3 cấp quy mô doanh nghiệp của Nhà nước được xem như là một khoản đầu tư để nuôi dưỡng nguồn thu, tăng mức độ tích lũy của DNNVV, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội. 

Để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với pháp luật thuế TNDN, dự thảo Luật chỉ quy định bổ sung đối tượng và các trường hợp được hưởng ưu đãi thuế TNDN và tham chiếu đến pháp luật thuế TNDN. Mức thuế suất, thời hạn miễn, giảm thuế TNDN được quy định hoặc sửa đổi, bổ sung tại pháp luật thuế TNDN. Đồng thời, quán triệt tinh thần Nghị quyết 35/CP-NQ ngày 16/5/2016 của Chính phủ, dự thảo Luật quy định Chính phủ phải tiếp tục cải cách trình tự, thủ tục về thuế, chế độ kế toán cho DNNVV theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho DNNVV.

Kinh nghiệm quốc tế trong miễn, giảm thuế TNDN cho DNNVV cho thấy, nhiều quốc gia áp dụng thuế suất TNDN thấp hơn mức thông thường cho DNNVV. Báo cáo nghiên cứu của OECD cho thấy chênh lệch thuế suất TNDN của DNNVV so với thuế suất thông thường như sau: Bỉ (11%), Canada (15%), Pháp (19%), Hungary (6%), Nhật Bản (15%), Hàn Quốc (12%), Hà Lan (5,5%), Anh (7%) ... Các quốc gia trong khu vực cũng có các chính sách tương tự, cụ thể: doanh nghiệp nhỏ ở Malaysia được ưu đãi thuế suất TNDN 19% so với mức thông thường là 25%; DNNVV ở Singapore được miễn thuế TNDN một phần với các mức miễn 50% hoặc 75%; doanh nghiệp khởi nghiệp ở Singapore được miễn thuế tối đa 200.000 đôla Singapore mỗi năm trong 3 năm đầu hoạt động; Thái Lan miễn và áp thuế TNDN giảm ở mức 10% cho DNNVV cho các thời điểm khác nhau….

Về hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, nhằm giúp tạo cơ chế cho DNNVV có điều kiện vào các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, dự thảo Luật đưa ra một số ưu đãi cụ thể, chủ yếu thông qua cơ chế về thuế, tiền thuê đất nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao dành quỹ đất cho DNNVV thuê.

Về hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ, hiện nay, các luật liên quan đến khoa học, công nghệ (Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ…) quy định nhiều nội dung khuyến khích, hỗ trợ mang tính chất chuyên ngành, cho nhiều đối tượng, gồm các nhà khoa học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, trong đó có đối tượng là DNNVV. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 56 chỉ ra, hiện có hơn 10 chương trình hỗ trợ liên quan đến khoa học công nghệ, nhưng việc tiếp cận và thụ hưởng từ các chương trình này còn rất hạn chế.

Vì vậy, để các quy định về hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho DNNVV tại dự thảo Luật không bị trùng lắp, chồng chéo với các nội dung hỗ trợ tại các luật liên quan đến khoa học công nghệ, dự thảo Luật đã quy định, lựa chọn các nội dung hỗ trợ phù hợp nhất với khả năng và nhu cầu của DNNVV trong điều kiện NSNN còn hạn hẹp. Đồng thời, để các DNNVV có thể tiếp cận tốt hơn các chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, dự thảo Luật quy định các đề án, chương trình, dự án khoa học công nghệ ở các cấp, các quỹ quy định tiêu chí riêng để lựa chọn và tạo điều kiện để DNNVV tham gia, phù hợp với đặc điểm, quy mô của doanh nghiệp.

DNNVV là đối tượng cần được hỗ trợ.
DNNVV là đối tượng cần được hỗ trợ.

Về hỗ trợ xúc tiến, mở rộng thị trường: Với năng lực và quy mô hạn chế, các DNNVV rất khó cạnh tranh được với doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI trong việc tìm kiếm và duy trì thị trường ngay tại nội địa. Do đó, Nhà nước cần có chính sách phù hợp phát triển hệ thống bán lẻ để thúc đẩy sản xuất trong nước và khuyến khích tiêu thụ hàng hoá của DNNVV, giúp các DNNVV dành được vị thế tại thị trường nội địa. Với mục tiêu đó, dự thảo Luật quy định Nhà nước tham gia đầu tư dưới hình thức hợp tác công tư, bố trí quỹ đất và các nguồn lực khác để cùng với doanh nghiệp, tổ chức đầu tư kinh doanh chuỗi quốc gia phân phối sản phẩm để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của DNNVV.

Về thị trường nước ngoài, dự thảo Luật quy định Nhà nước hỗ trợ chi phí thành lập, vận hành các tổ chức hỗ trợ xuất khẩu để xúc tiến, mở rộng thị trường sản phẩm, hàng hóa của DNNVV.

 Về hỗ trợ mua sắm công: Kế thừa quy định về  mua sắm công tại Nghị định 56, dựa trên thông lệ quốc tế và quy định hiện hành về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu là DNNVV trong mua sắm công tại Luật Đầu thầu, dự thảo Luật quy định: gói thầu xây lắp không quá 05 tỷ đồng và mua sắm hàng hoá, dịch vụ không quá 03 tỷ đồng do các cơ quan, tổ chức có sử dụng NSNN để mua sắm công chỉ dành cho nhà thầu là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu đối với nhà thầu chính trong trường hợp nhà thầu chính sử dụng nhà thầu phụ là DNNVV. Quy định này cũng góp phần thúc đẩy hình thành liên kết kinh doanh và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ các DNNVV có sản phẩm đổi mới sáng tạo, dự thảo Luật quy định các sản phẩm đổi mới sáng tạo của DNNVV thuộc danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo được hưởng ưu đãi của Chính phủ. Đây cũng là một thông lệ mà nhiều quốc gia như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc…đã và đang thực hiện Đồng thời, đây cũng là biện pháp để nâng cao chất lượng hàng hoá và dịch vụ công. Quy định này cũng được đưa ra dựa trên thông lệ ưu đãi đấu thầu đã được quy định tại pháp luật về đấu thầu hiện hành của Việt Nam.

 Hỗ trợ thông tin và tư vấn:

- Về hỗ trợ tư vấn: dự thảo nhấn mạnh việc Nhà nước thu thập và công bố dữ liệu về tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn hỗ trợ DNNVV. Tư vấn hỗ trợ DNNVV tập trung trong các lĩnh vực như: tư vấn khởi nghiệp, lập kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh; tư vấn hỗ trợ pháp lý; tư vấn tài chính, thuế, kế toán, lao động; tư vấn quản lý và điều hành sản xuất; tư vấn nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ… Các DNNVV có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn được quyền lựa chọn tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn đã được công bố thì được cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV hỗ trợ 50% chi phí hợp đồng tư vấn.

- Về hỗ trợ pháp lý: đây là một nội dung mới so với Nghị định 56. Nội dung hỗ trợ này nhằm nâng cao nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

- Về cung cấp thông tin: Nhà nước hỗ trợ cung cấp thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh cho DNNVV, trong đó ngoài các thông tin về chủ trương, chính sách liên quan, còn cung cấp thông tin về các kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ DNNVV để DNNVV có thể tiếp cận một cách đầy đủ nhất.

 Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực: Kế thừa quy định về phát triển nguồn nhân lực tại Nghị định 56 và thực tiễn triển khai các hoạt động trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV trong thời gian vừa qua, dự thảo Luật quy định các hỗ trợ của Nhà nước về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp thông qua đào tạo trực tuyến và đào tạo qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, bổ sung quy định về hỗ trợ đào tạo nghề, dạy nghề, học nghề cho lao động làm việc tại các DNNVV nhằm nâng cao chất lượng, tay nghề cho người lao động, tạo ra lực lượng lao động chất lượng, đáp ứng nhu cầu của DNNVV.

Hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV:Ngoài các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, hiện nay nhiều DNNVV, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất có nhu cầu sử dụng các thiết bị liên quan đến đo lường, phân tích, giám định, kiểm định sản phẩm, hàng hóa, vật liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để đầu tư vào những thiết bị này thường đòi hỏi nguồn vốn lớn, vượt quá khả năng chi trả của DNNVV. Trong khi đó, tần suất sử dụng các thiết bị không thường xuyên, do đó việc đầu tư vào các thiết bị này thường không mang lại hiệu quả tối ưu đối với các doanh nghiệp riêng lẻ. Chính phủ nhiều nước trên thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc…) thường đầu tư mua sắm những máy móc, thiết bị đáp ứng nhu cầu của DNNVV và cho DNNVV thuê sử dụng khi có nhu cầu. Chính phủ các nước cũng khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở kỹ thuật để cho DNNVV thuê dùng chung nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất sử dụng thiết bị.

Nhằm khuyến khích thành lập các vườn ươm DNNVV và các cơ sở kỹ thuật cung cấp các dịch vụ hỗ trợ DNNVV, dự thảo Luật quy định cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư kinh doanh các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DNNVV như được hỗ trợ vay vốn ưu đãi; miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định đối với Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư; ưu đãi về thuế TNDN như mức áp dụng đối với dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giúp thúc đẩy được tinh thần khởi nghiệp
Chương trình hành động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ đã chỉ rõ nhiệm vụ phải tăng cường nguồn vốn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư