Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 26 tháng 06 năm 2024,
Đề xuất giải pháp thúc đẩy hiến ghép tạng tại Việt Nam
D.Ngân - 13/06/2024 13:27
 
Có 26 bệnh viện trên toàn quốc đã thực hiện ghép tạng thành công và đưa nước ta trở thành điểm sáng về ghép tạng trong khu vực Đông Nam Á, song bên cạnh đó vẫn còn nhiều rào cản khiến công tác này chưa thực sự đạt kỳ vọng.

Tại Hội thảo Xây dựng chính sách về các hoạt động tư vấn, vận động, lấy, điều phối, ghép mô tạng do Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, lượng người hiến tạng sống ở Việt Nam vẫn chiếm 95%, trong khi ở các nước phát triển như Tây Ban Nha, Hàn Quốc…, hơn 50% nguồn hiến từ người chết não.

Hiện nay, 26 bệnh viện trên toàn quốc đã thực hiện ghép tạng thành công và đưa nước ta trở thành điểm sáng về ghép tạng trong khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, nếu như trước năm 2023, chỉ có 5 bệnh viện thực hiện chẩn đoán hồi sức chết não hiến mô tạng, nhưng hiện nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã triển khai thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại 9 bệnh viện, trong đó đã thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại bệnh viện tuyến tỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Thuấn, hiện vẫn chưa có cơ chế, chính sách cho các hoạt động tư vấn hiến mô tạng từ người chết não, chết tim.

Thông tin cụ thể về công tác ghép tạng hiện nay theo GS.Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, đến nay, cả nước mới có 23/68 bệnh viện trong mạng lưới vận động hiến tạng thành lập tổ tư vấn.

Theo thống kê, từ tháng 12/2022 đến tháng 12/2023, cả nước có 16 bệnh viện thí điểm mạng lưới tư vấn, có 33 gia đình đồng ý hiến tạng người bệnh chết não, nhưng chỉ có 16 ca hiến (17 ca không đủ điều kiện hiến do ngừng tim, nhiễm trùng…).

Còn hơn 400 bệnh viện trên toàn quốc chưa có mạng lưới tư vấn, mới chỉ vận động được 2 gia đình đồng ý hiến tạng, nhưng chỉ thực hiện được 1 ca.

Riêng trong 5 năm tháng đầu năm 2024, mạng lưới 68 bệnh viện vận động hiến tạng chết não đã thuyết phục được 35 gia đình đồng ý hiến tạng, trong đó thực hiện được 10 ca, 25 ca không đủ điều kiện hiến. Còn hơn 400 bệnh viện trên toàn quốc không vận động được bất kỳ ca chết não nào hiến tạng.

Thực tế này cho thấy, nếu không xây dựng mạng lưới bệnh viện thành lập tổ tư vấn vận động hiến tạng trên cả nước thì người bệnh được ghép tạng sẽ rất ít ỏi.

Cụ thể, tỷ lệ đồng ý hiến tạng ở Việt Nam còn rất thấp, như tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đạt 2%; các bệnh viện khác chưa có liệu thống kê; tỷ lệ tư vấn thành công 2% (tiếp cận và giải thích 100 trường hợp, 2 trường hợp đồng ý hiến.

Bởi vậy theo PGS-TS.Đồng Văn Hệ, vai trò của tổ tư vấn và tư vấn viên tại các bệnh viện rất quan trọng. Tư vấn viên là người phát hiện người chết não tiềm năng hiến mô tạng như tiếp cận bệnh án; trao đổi với bác sĩ điều trị; điều dưỡng ở phòng ICU; giải thích với gia đình người bệnh, báo cáo hệ thống…

Số lượng công việc của tổ tư vấn rất lớn, những bệnh viện lớn cần tổ chuyên nghiệp (toàn thời gian), nhưng chưa có chi phí hoạt động cũng như thù lao hỗ trợ cho tư vấn viên, nên chưa thu hút được nhiều người nhiệt huyết tham gia.

Còn theo TS.Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cần tiến tới việc ghép tạng từ nguồn hiến người chết não, bởi nguồn hiến từ người sống hiếm hoi.

Với việc đổi mới công tác vận động gia đình người hiến chết não, trung bình 1 tháng, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có 1 ca hiến từ người chết não, giúp hồi sinh nhiều người bệnh sống thoi thóp do các bệnh hiểm nghèo. Bệnh viện xác định việc triển khai ghép là để cứu người chứ không phải nguồn kết dư của bệnh viện.

Chi phí cho mỗi bệnh nhân ghép là cá thể hóa bởi phụ thuộc tình trạng bệnh nhân trước và sau ghép, nhất là với bệnh nhân ghép tim, trong khi phần chi trả của bảo hiểm y tế không nhiều.

Để nâng hiệu quả ghép tạng theo TS.Hùng, Bệnh viện đã thành lập văn phòng vận động hiến tạng từ nguồn người chết não để thực hiện các hoạt động liên quan.

Đề xuất cần có cơ chế, chính sách rõ ràng để thúc đẩy hoạt động vận động hiến ghép tạng, TS.Nguyễn Thanh Xuân, Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, với người đã hiến mô, tạng khi còn sống, cần có quy định tôn vinh cấp bảo hiểm y tế suốt đời và thẻ bảo hiểm y tế này phải được ưu tiên khám, chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào phù hợp và được thanh toán ở hạn mức cao nhất 100%; kèm theo các chế độ ưu đãi đặc thù khác, khen thưởng.

Với người hiến mô tạng chết não, cần quy định rõ cơ chế thanh toán các chi phí khác liên quan đến người hiến như chi phí tổ chức tang lễ, mai táng… chi phí tri ân gia đình người hiến, hỗ trợ nuôi con cái, cha mẹ già…

Theo đó cần có quỹ hỗ trợ từ tổ chức thiện nguyện, công tác xã hội… Ngoài ra, TS.Xuân đề xuất cấp thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân người hiến

Điều kỳ diệu đến từ ghép tạng
Một chàng trai 32 tuổi chết não do tai nạn giao thông đã hiến tặng tim để hồi sinh sự sống cho 1 bệnh nhân ở Huế và hiến tặng gan, 2 thận cho 3 bệnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư