Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Diễn đàn M&A 2015: Tìm lời giải cho những câu hỏi lớn
Anh Hoa - 17/07/2015 09:22
 
Tiềm năng và cơ hội mua bán - sáp nhập (M&A) tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới được đánh giá là rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh đó là nhiều câu hỏi được đặt ra, thu hút sự quan tâm của cả các nhà đầu tư lẫn cơ quan hoạch định chính sách.

Đếm ngược cho sự bùng nổ

Buổi họp báo về Diễn đàn M&A 2015, với chủ đề “Chờ đón sự bùng nổ - Countdown to the Next Market Boom”, do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra hôm qua (16/7) tại Hà Nội, đã thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư.

Tại cuộc họp báo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn M&A 2015 cho biết, Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam dù bị tác động không nhỏ của tình hình thế giới và khu vực cũng như những yếu tố nội tại, nhưng đang trên đà phục hồi và ổn định vững chắc hơn. Cụ thể, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, mặt bằng lãi suất giảm, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế và đổi mới mô hình tăng trưởng đang được đẩy nhanh và mang lại những kết quả tích cực.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn M&A 2015 phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Chí Cường
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn M&A 2015 phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Chí Cường

 

Sau khi đạt được tốc độ tăng trưởng 5,98% trong năm 2014, bước sang năm 2015, kinh tế Việt Nam tiếp tục có những dấu hiệu khởi sắc rõ nét hơn. GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,28%, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2014 và đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2009.

Cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, những kết quả bước đầu của chương trình cải cách thể chế, tái cấu trúc, nhất là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tái cấu trúc hệ thống tài chính - ngân hàng, cũng như tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động M&A đang được các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.

Mặc dù số liệu thống kê còn khác nhau, nhưng theo Nhóm nghiên cứu MAF, năm 2014, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt gần 4 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2013. Điều này cho thấy, M&A đã và đang là một kênh đầu tư hấp dẫn, một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp, giúp nền kinh tế tái cấu trúc lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế và của từng doanh nghiệp.

Với những tín hiệu nêu trên, doanh nghiệp, nhà đầu tư đang chờ đón và cùng đếm ngược chờ thời điểm ghi nhận sự bùng nổ của thị trường M&A trong làn sóng thứ hai, với kỳ vọng vượt kỷ lục được xác lập năm 2012 là gần 5 tỷ USD.

Những câu hỏi lớn cần lời giải

Tiềm năng, cơ hội M&A tại Việt Nam đã có, nhưng nhiều câu hỏi lớn đang được đặt ra, thu hút sự quan tâm của cả các nhà đầu tư, lẫn các cơ quan hoạch định chính sách. Đó là, thị trường M&A Việt Nam sẽ như thế nào trong một không gian phát triển mới trên nền tảng thực thi các chính sách mới và mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới? Liệu có một dòng vốn mới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, châu Âu đầu tư vào Việt Nam thông qua các hoạt động M&A trong thời gian tới? Đâu là những hàng hóa chất lượng cho các nhà đầu tư quốc tế khi Việt Nam nới rộng tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và mạnh dạn thoái vốn tại những ngành mới như cảng biển, cảng hàng không? Làm thế nào để thu hút vốn, sử dụng tối ưu nguồn lực cho các thương vụ M&A mới? Vì sao các thương vụ M&A nhiều mà lại ít được công bố về giá trị, phải chăng họ né thuế?...

Ngày 6/8/2015, tại TP.HCM, những câu hỏi lớn nêu trên sẽ được các chuyên gia, nhà đầu tư, các cơ quan quản lý… trả lời tại Diễn đàn M&A 2015 thông qua một số hoạt động chính, như Hội thảo, Chương trình Kết nối đầu tư, Bình chọn và trao giải các thương vụ M&A tiêu biểu, Khóa học M&A cho các doanh nghiệp.

Trong đó, Hội thảo M&A 2015 là điểm nhấn của Diễn đàn, được tổ chức với 3 chủ đề chính: Đối thoại chính sách, Triển vọng các dòng vốn mới và Kinh nghiệm M&A. Lãnh đạo các cơ quan chính phủ, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về M&A sẽ cùng các doanh nghiệp thảo luận để làm rõ những vấn đề mà các bên cùng quan tâm.

Trong 6 năm qua, Diễn đàn đã trở thành nơi “se duyên” chuyên nghiệp cho các thương vụ M&A. TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Diễn đàn thường niên M&A Việt Nam được đánh giá có vị thế hàng đầu tại Việt Nam và là một trong những diễn đàn M&A có uy tín trong khu vực ASEAN. Trong 6 năm qua, Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của hàng trăm diễn giả là các chuyên gia hàng đầu về M&A tại Việt Nam và quốc tế, với gần 3.000 lãnh đạo doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế”.

Để tiếp tục khẳng định vị thế đó, Diễn đàn sẽ có Chương trình kết nối đầu tư (MAF Expo) để kết nối các doanh nghiệp đang tìm kiếm đối tác, cơ hội đầu tư và có nhu cầu mua bán, sáp nhập cũng như đầu tư chiến lược. MAF Expo sẽ giới thiệu cơ hội hợp tác trong 5 nhóm ngành đầu tư được quan tâm, gồm: tài chính, bất động sản, tiêu dùng, bán lẻ, sản xuất. Dự kiến, sẽ có hàng trăm lãnh đạo cấp cao từ các tập đoàn và các quỹ đầu tư đến từ 10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Bắc Á, châu Âu và Mỹ tham dự.

Trong thư chúc mừng Diễn đàn M&A 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh bày tỏ tin tưởng rằng, với kinh nghiệm thành công trong 6 năm qua, Ban tổ chức Diễn đàn năm nay sẽ tạo ra một không gian đối thoại thẳng thắn về những vấn đề thiết thực, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối các cơ hội đầu tư thông qua M&A giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

 

Động lực rất lớn cho hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian tới là sự hình thành AEC.

- Ông Masataka Yoshida, Giám đốc điều hành Recof (Nhật Bản)

Một trong những động lực rất lớn cho hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian tới là sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Việc này sẽ tạo vị thế, cơ hội nhất định cho Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Riêng với nhà đầu tư Nhật Bản, nếu trước đây chỉ là những tên tuổi lớn và tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM, thì hiện giờ là những công ty quy mô nhỏ và vừa tìm đến các địa phương, như Đà Nẵng, Hải Phòng...

Năm 2013, chúng tôi thực hiện 20 thương vụ M&A cho nhà đầu tư Nhật vào Việt Nam - mức kỷ lục. Trong nửa đầu năm nay, đã có 12 thương vụ được chốt thành công, mà thông thường, các thương vụ được chốt vào nửa cuối năm, nên số lượng thương vụ M&A trong năm nay sẽ rất lớn.

Sự bùng nổ thị trường tiêu dùng ở Việt Nam, sự thay đổi cách sống, thay đổi văn hóa thưởng thức ẩm thực đang khiến doanh nghiệp Nhật Bản muốn đến Việt Nam nhiều hơn. Họ không tập trung vào một lĩnh vực nào đó, mà dàn trải trong nhiều lĩnh vực, như bán lẻ, nhà hàng, tiêu dùng cá nhân, tài chính tiêu dùng, du lịch, logistics…

Quá trình cổ phần hóa DNNN có dấu hiệu tích cực hơn.

- Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt

Việc công bố thông tin của DNNN có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tìm hiểu của nhà đầu tư chiến lược và làm chậm tiến độ cổ phần hóa DNNN mà Chính phủ đề ra. Rất may, thời gian qua, các cơ quan quản lý đã có nhiều động thái về quy định công bố thông tin, nên quá trình cổ phần hóa DNNN có dấu hiệu tích cực hơn.

Chúng tôi tham gia tư vấn nhiều về cổ phần hóa DNNN và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Năm 2014, chúng tôi tham gia vào việc cổ phần hóa trên 20 doanh nghiệp, chủ yếu trong lĩnh vực giao thông - vận tải, với tổng số vốn IPO thu được hơn 600 tỷ đồng.

Một trong những yếu tố thúc đẩy quá trình cổ phần hóa thành công là Nhà nước linh hoạt trong việc thay đổi tỷ lệ nắm giữ số cổ phần chi phối hay không. Nếu Nhà nước giữ trên 50% cổ phần thì việc IPO khó thu được kết quả, còn khi tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước giảm còn khoảng 30% thì nhà đầu tư tham gia rất mạnh.

M&A đi cùng việc quản trị là yếu tố kích hoạt dòng vốn đầu tư nước ngoài.

- Ông Phí Công Dũng, Giám đốc Khối tài chính - ngân hàng, Công ty cổ phần Tư vấn ABB Việt Nam

Thực hiện nhiều thương vụ cho nhà đầu tư nước ngoài, tôi thấy, M&A tại Việt Nam đã có sự tham gia sâu của đối tác chiến lược. Doanh nghiệp Việt Nam có phần cởi mở hơn. Họ đang nhìn vấn đề này theo hướng tích cực hơn, chấp nhận chia sẻ. Đây là yếu tố khiến chúng tôi kỳ vọng số vụ M&A tại Việt Nam tăng lên. M&A đi cùng việc quản trị là yếu tố kích hoạt dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lớn. Đương nhiên, chuyện nới room vừa qua là tốt, mở cho các doanh nghiệp đại chúng. Nhưng tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là chủ doanh nghiệp đã có cái nhìn tích cực hơn về M&A, thấy được giá trị của việc bắt tay với đối tác nước ngoài và ý thức được việc chia sẻ quyền quản trị tốt cho cả hai phía.
Thị trường mua bán - sáp nhập: Đón chờ sự bùng nổ
Đối với một thị trường mới nổi như Việt Nam, những gì thuộc về tiềm năng của tầng lớp trung lưu sẽ trở thành đích nhắm để bùng nổ các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư