Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Diện mạo giao thông đất nước sau 5 năm tới sẽ rất khác
Anh Minh - 17/02/2021 07:35
 
“Chúng tôi sẽ phải có những bước tiến nhanh hơn với cách tiếp cận mới trong phân bổ nguồn lực, huy động vốn, để giao thông thực sự là một trong những mũi đột phá chiến lược phát triển đất nước”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định với phóng viên Báo Đầu tư khi nói về diện mạo và những vận hội mới trong lĩnh vực giao thông giai đoạn 2021 - 2025.

Ông  Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải

Ba tâm đắc của Tư lệnh giao thông

Mặc dù khởi đầu tương đối chậm, nhưng ngành giao thông - vận tải (GTVT) đã có sự bứt phá trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ 2016 - 2020, với rất nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn được hoàn thành hoặc khởi công xây dựng. Sự dồn nén này xuất phát từ đâu, thưa Bộ trưởng?

Tôi nhớ là vào cuối năm 2018, khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ GTVT được khoảng 14 tháng, một số đại biểu Quốc hội, phóng viên báo chí sốt ruột đặt câu hỏi, sao mãi không thấy ngành GTVT khởi công được dự án mới nào cho “ra tấm, ra món”.

Lo lắng đó là có cơ sở, bởi trong khoảng 2 - 3 năm đầu của nhiệm kỳ, ngoài một số công trình đang triển khai dang dở, rất nhiều công trình quy mô lớn, trong đó có Cảng hàng không quốc tế Long Thành và tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông mới bắt tay vào chuẩn bị đầu tư. Trong khi đó, đây lại là những công việc rất mất thời gian, do vừa phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục của pháp luật, vừa phải đảm bảo chất lượng chuẩn bị đầu tư để khi triển khai trên công trường đạt hiệu quả cao nhất.

Áp lực đối với Bộ GTVT trong giai đoạn này là rất lớn, nhưng chúng tôi vẫn bình tĩnh bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, từng bước tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư. Bản thân lãnh đạo Bộ GTVT cũng rất trăn trở, bởi việc sớm triển khai những công trình quy mô lớn, có tính động lực cao là trách nhiệm đối với đất nước, đồng thời tạo việc làm cho người lao động trong toàn ngành. Trong giai đoạn này, có nhiều thời điểm, không chỉ các ban quản lý dự án, mà cả trụ sở Bộ GTVT tại số 80 - Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cũng sáng đèn cả đêm để giải quyết công việc.

Cho đến thời điểm hiện tại, cả hai dự án trọng điểm của ngành là Dự án Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và 6/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đều đã được khởi công theo đúng yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Do Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nên công tác giải phóng mặt bằng cả 2 dự án tuy có khối lượng rất lớn, nhưng cũng đã cơ bản hoàn thành, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công tăng tốc ngay trong những tháng đầu triển khai trên thực địa.

Vậy đây có phải là điều tâm đắc nhất của ông trong thời gian hơn 3 năm giữ cương vị là người đứng đầu ngành GTVT vừa qua hay không?

Khi tôi mới nhận nhiệm vụ, ngành GTVT đang có rất nhiều vấn đề nóng, khó khăn. Nhiều công trình, dự án lớn mới bắt đầu cho chủ trương. Nhiều công việc đã thực hiện đang bắt đầu thanh tra, kiểm tra, xử lý. Do đó, khối lượng công việc vào cuối năm 2017 khi tôi nhận nhiệm vụ là rất lớn.

Nhờ tập thể lãnh đạo Bộ và cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trong ngành GTVT luôn đoàn kết, thống nhất, cùng thực hiện nhiệm vụ, nên đến thời điểm này, rất nhiều nhiệm vụ phức tạp đã được giải quyết. Qua hơn 3 năm thực hiện nhiệm vụ ở Bộ, tôi tâm đắc nhất 3 việc.

Thứ nhất, chúng tôi đã cùng nhau thực hiện tốt công tác xây dựng thể chế. Chúng tôi xác định công việc này không tốn nhiều tiền, nhưng hiệu quả lại rất lớn. Chất lượng những văn bản, thể chế của ngành ngày càng tốt hơn.

Thời gian vừa qua, chúng tôi đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Với Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, chúng tôi đã phối hợp với nhiều bộ, ngành để thực hiện việc sửa đổi tốt nhất. Rất nhiều Thông tư của Bộ đã thực sự đi vào cuộc sống. Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, nhiều đại biểu cũng lấy Nghị định số 100/2019/NĐ-CP làm ví dụ điển hình về cải cách thể chế, chúng tôi rất tự hào về việc này, bởi nó bám sát cuộc sống, đi vào thực tiễn.

Thứ hai là công tác đảm bảo an toàn giao thông. Trong 5 năm qua, công tác này được Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai rất tốt. Hàng năm, tai nạn giao thông đều giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Đặc biệt, trong năm 2020, cả nước đã giảm được trên 18% số vụ tai nạn giao thông, giảm 13% số người chết và giảm trên 20% số người bị thương. Đây là năm đầu tiên trong một giai đoạn rất dài, cả 3 tiêu chí đều giảm sâu. Với những người làm giao thông chúng tôi, không gì hạnh phúc hơn là việc có thêm nhiều người tham giao giao thông trở về nhà bình an vào cuối mỗi ngày

Thứ ba là công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản - một trong những điểm sáng của ngành GTVT trong năm 2020. Năm 2020, chúng tôi được giao gần 40.000 tỷ đồng vốn và đã chắc chắn giải ngân 100% vốn ngân sách nhà nước vào cuối tháng 1/2021. Để Bộ GTVT là đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong các bộ, ngoài việc nhận được sự chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn của Thủ tướng Chính phủ; các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong khâu giải phóng mặt bằng; công tác chỉ đạo, điều hành của chúng tôi cũng rất quyết liệt, sát sao. Chúng tôi sẵn sàng biểu dương những đơn vị làm tốt; đồng thời nghiêm khắc phê bình những đơn vị chậm giải ngân, cắt dự án giao cho đơn vị khác và về lâu dài còn xử lý điều chuyển cán bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra tiến độ Dự án Cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Mục tiêu 3.800 km cao tốc sau 5 năm tới

Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong 5 năm tới vẫn hết sức eo hẹp, Bộ GTVT sẽ có những cách tiếp cận mới nào trong việc phân bổ nguồn lực quý giá này?

Hiện nay, năng lực của hệ thống đường bộ còn hạn chế, mạng đường bộ mới có khoảng 1.139 km đường cao tốc, bằng 1/6 so với các nước phát triển trong khu vực. Vì vậy, thời gian tới, cần ưu tiên tập trung đầu tư phát triển đường bộ cao tốc để tạo nên các trục xương sống của mạng lưới giao thông quốc gia đến năm 2030.

Xét trên các hành lang vận tải, hành lang Bắc - Nam kết nối Thủ đô Hà Nội và TP.HCM đi qua 32 tỉnh và thành phố, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm được xác định là hành lang vận tải quan trọng nhất, rất cần thiết phải ưu tiên đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế. Trong giai đoạn tới, phải nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam (cần đầu tư hoàn thành khoảng 1.300 km) và một số tuyến đường bộ cao tốc kết nối tới các trung tâm kinh tế lớn, để cuối năm 2025, chúng ta có khoảng 3.800 km đường cao tốc; hoàn thành Sân bay Long Thành giai đoạn I.

Về đường sắt, nâng cấp và khai thác hiệu quả tuyến đường sắt Bắc - Nam. Về hàng không, nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất, Nội Bài, đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Đồng thời, chuẩn bị đầu tư các công trình đột phá kỳ trung hạn 2026 - 2030, như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang), đường sắt kết nối cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải, đường sắt xuyên Á... Đặc biệt, phải tăng cường tính kết nối giữa các loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy). Đây là điều chúng ta chưa thực hiện tốt trong những năm qua.

Với mục tiêu đầu tư nêu trên, giai đoạn 2021 - 2025, sơ bộ tính toán nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu khoảng 759.000 tỷ đồng, trong đó cân đối từ ngân sách khoảng 462.000 tỷ đồng, huy động vốn ngoài ngân sách khoảng 297.000 tỷ đồng.

Để phù hợp nguồn lực quốc gia, cần giãn tiến độ một số mục tiêu chưa thật sự cấp bách. Trong giai đoạn này, cần phân bổ lại thị phần vận tải, nhất là ngành đường sắt, hàng không; tiếp tục phát triển mạng lưới đường bộ sánh ngang tầm với các nước phát triển trên thế giới; quản lý giao thông bằng thể chế hiện đại, hiệu quả để phục vụ nền kinh tế năng động, phát triển nhanh và bền vững.

Vậy tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và Dự án Đường Hồ Chí Minh thì sao, thưa Bộ trưởng?

Chúng tôi xác định, trong nhiệm kỳ tới, đây là hai dự án ưu tiên số một. Như chúng ta đã biết, Dự án Cao tốc Bắc - Nam mới triển khai giai đoạn I, với chiều dài 654 km. Để hoàn chỉnh toàn tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau, cần phải đầu tư nhiều đoạn nữa. Vì vậy, sắp tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục trình Chính phủ, Quốc hội giai đoạn II, để sớm nối thông toàn tuyến cao tốc này.

Còn đường Hồ Chí Minh (có điểm đầu tại Pác Bó, Cao Bằng và điểm cuối tại Đất Mũi, Cà Mau), có chiều dài khoảng 273 km, đã hoàn thành 113 km. Ba đoạn còn lại chưa được đầu tư là Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang); Chơn Thành - Đức Hòa (thuộc các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An) và phần còn lại của đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận (thuộc các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu). Chúng tôi sẽ sớm tham mưu Chính phủ bố trí vốn trung hạn để nối thông tuyến này.

Tóm lại, sắp tới, nguồn vốn có hạn, nhưng nhu cầu đầu tư rất lớn. Nên chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn những dự án trọng điểm, có tính đột phá để tiến hành trước. Làm sao mỗi một nhiệm kỳ, chúng ta có được một số công trình mang tính biểu tượng, nhiều nhiệm kỳ sẽ có được hệ thống giao thông tốt.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lý giải nguyên nhân nhiều dự án metro đội vốn lớn
Một trong số các nguyên nhân được Bộ trưởng Thể dẫn chứng là đa số dự án đội vốn rơi vào dự án đường sắt đô thị do đây là công nghệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư