Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Định lại lộ trình Dự án Metro Yên Viên - Ngọc Hồi
Anh Minh - 24/07/2018 13:34
 
Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi (Dự án Metro Yên Viên - Ngọc Hồi) sẽ được bắt đầu với Dự án giai đoạn I Xây dựng khu tổ hợp Ngọc Hồi (Dự án giai đoạn I) có tổng mức đầu tư 19.046 tỷ đồng.

Loay hoay cân đối vốn

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 6806/VPCP – QHQT thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về Dự án Metro Yên Viên Ngọc- Hồi, theo đó, đối với Dự án giai đoạn I, Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nghiên cứu, đề xuất nguồn phù hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Phối cảnh tổng thể khu tổ hợp Ngọc Hồi. Ảnh: A.M
Phối cảnh tổng thể khu tổ hợp Ngọc Hồi. Ảnh: A.M

“Đối với Dự án giai đoạn 2A (đoạn từ ga Ngọc Hồi đến ga Hà Nội) và giai đoạn 2B (ga Hà Nội đến ga Yên Viên), trên cơ sở của tư vấn lập điều chỉnh dự án, Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc thẩm định và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Trước đó, vào tháng 1/2018, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cân đối, bổ sung vốn 1.410 tỷ đồng vốn đối ứng trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 để thực hiện giải phóng mặt bằng và tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để đáp ứng tiến độ hoàn thành Dự án giai đoạn I vào năm 2024. Đồng thời, Bộ  GTVT đề nghị người đứng đầu Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ GTVT thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội Dự án giai đoạn I vào kỳ họp cuối năm.

Bộ GTVT cho biết, tổng nhu cầu vốn cho hạng mục giải phóng mặt bằng của Dự án giai đoạn I là 2.310 tỷ đồng, trong khi đó, từ năm 2009 đến 2017, Dự án mới được bố trí 388 tỷ đồng và kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 là 512 tỷ đồng, có thể khiến khả năng hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng vào năm 2020 để đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2024 là khó đạt được.

“Việc nguồn vốn bố trí đối ứng hạn hẹp, không đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng và tái định cư, chưa đủ điều kiện để thi công xây lắp làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá.

Theo Bộ GTVT, tại các buổi làm việc với Đoàn giám sát dự án của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA mới đây, nhà tài trợ yêu cầu phía Việt Nam bố trí vốn để hoàn thành tối thiểu 50% khối lượng giải phóng mặt bằng cho Khu tổ hợp Ngọc Hồi thì mới phê duyệt hồ sơ mời thầu và chấp thuận cho phép thực hiện công tác đấu thầu Dự án. Trong khi đó, báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho thấy, tính đến tháng 9/2017, UBND huyện Thanh Trì đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 32/151 ha Khu tổ hợp Ngọc Hồi. Công tác giải phóng mặt bằng Dự án giai đoạn I hiện bị chững lại do chủ đầu tư không được bố trí đủ vốn.

Liên tục điều chỉnh

Cần phải nói thêm rằng, đã có rất nhiều thay đổi tại Dự án giai đoạn I nếu lấy mốc là thời điểm Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi công trình được hoàn tất vào năm 2004.

Tại thời điểm năm 2004, Dự án giai đoạn I được thiết kế có chiều dài 28,7 km, với tổng mức đầu tư hơn 26.976 tỷ đồng, phục vụ tàu khách Thống Nhất, tàu liên vận, tàu du lịch và tàu đô thị. Dự án được chia làm 3 giai đoạn.

Đã có rất nhiều thay đổi tại Dự án giai đoạn I nếu lấy mốc là thời điểm Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi công trình được hoàn tất vào năm 2004.

Vào tháng 9/2017, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận điều chỉnh và tách Dự án thành hai dự án riêng biệt. Theo đó, giai đoạn I sẽ xây dựng Khu tổ hợp Ngọc Hồi và đoạn Giáp Bát - Gia Lâm, dự kiến tổng mức đầu tư là 18.079 tỷ đồng. Giai đoạn II xây dựng đoạn Ngọc Hồi - Giáp Bát và đoạn Gia Lâm - Yên Viên, dự kiến tổng mức đầu tư là 8.896 tỷ đồng.

Đối với Dự án giai đoạn II, Bộ GTVT nhận thấy nếu đầu tư đoạn Giáp Bát - Ngọc Hồi thuộc giai đoạn II xây dựng song trùng với Giai đoạn I thì có hiệu quả cao hơn. Vì vậy, trên cơ sở Văn bản số 6453/VPCP-CN ngày 08/11/2007 của Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT đã cho phép lập dự án đầu tư xây dựng công trình Dự án giai đoạn 2A (đoạn Ngọc Hồi - Giáp Bát) tại Quyết định số 1706/QĐ-BGTVT ngày 02/8/2011. Riêng đoạn Gia Lâm - Yên Viên (giai đoạn 2B) sẽ tiếp tục được triển khai khi đủ điều kiện.

Song do những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, vào tháng 10/2015, Bộ GTVT đã báo cáo, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phân chia lại phạm vi và phân kỳ đầu tư của các dự án thành phần. Theo đó,  Dự án giai đoạn I điều chỉnh sẽ tập trung đầu tư xây dựng Khu tổ hợp Ngọc Hồi từ năm 2019 – 2024. 

Hiện, Bộ GTVT đã thẩm định và phê duyệt Dự án giai đoạn I điều chỉnh tại Quyết định số 1198/QĐ-BGTVT ngày 24/4/2017 với tổng mức đầu tư là 19.046 tỷ đồng nhằm đảm bảo hoàn trả chức năng của ga Hà Nội và ga Giáp Bát hiện tại, đồng thời xây dựng ga khách và xí nghiệp toa xe khách của tàu quốc gia. Đến nay, Dự án đã có 2 hiệp định được ký với nhà tài trợ, đã được bố trí và giải ngân 1.271,7 tỷ đồng, đồng thời, trong kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2010, nguồn vốn vay ODA được bố trí 4.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, Dự án giai đoạn 2A điều chỉnh sẽ xây dựng đoạn tuyến từ Ngọc Hồi đến Hà Nội (gồm đoạn tuyến Ngọc Hồi - Giáp Bát thuộc dự án Giai đoạn 2A và điều chuyển đoạn tuyến từ Giáp Bát đến Hà Nội thuộc Dự án giai đoạn I trước đây sang). Đối với đoạn tuyến từ ga Hà Nội đến ga Gia Lâm và kéo dài đến Yên Viên trong đó, có cầu đường sắt vượt sông Hồng, sẽ được phân kỳ triển khai vào các giai đoạn sau của Dự án giai đoạn 2B.

Về quá trình triển khai Dự án giai đoạn 2A (đoạn Ngọc Hồi - Hà Nội) và giai đoạn 2B (đoạn Hà Nội - Yên Viên), Bộ GTVT cho biết sẽ hoàn thiện nghiên cứu, báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội: Đội vốn, kéo dài thời gian xây dựng
Những sai sót chậm được phát hiện, khắc phục là một trong những lý do khiến Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư